Nước Úc xa xôi trong hình dung của nhiều người không chỉ là xứ sở của chuột túi, nhà hát opera hình vỏ sò, các loại trái cây ngon lành đắt đỏ như táo, nho, cherry… mà còn là vùng đất trong mơ với thời tiết chan hòa quanh năm và những địa điểm du lịch hấp dẫn. Chẳng thế mà người ta cứ ước ao đi du học, định cư ở đất nước có 4 mùa xinh đẹp này.
Chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tới Úc, nhưng cuộc đời có quá nhiều bất ngờ, cô nàng Trần Anh Phương (Yumi Trần, 23 tuổi) lại vô tình quen 1 chàng Việt kiều qua mai mối trên Facebook. Được 4 tháng thì chàng về Việt Nam chơi, cặp đôi “tàu nhanh siêu tốc” đến mức… 3 ngày thì chính thức yêu, 8 ngày sau chàng cầu hôn nàng tại chỗ, rồi “khuân” nàng sang Úc cưới luôn!
Cuộc sống mới đầy thú vị của cô gái 23 tuổi ở xứ sở chuột túi
Cuộc đời cô gái phố núi Buôn Mê Thuột hoàn toàn thay đổi từ đây, sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ, làm quen với mọi thứ từ đầu: từ đồ ăn thức uống đến hàng xóm, công việc, rồi những thứ lạ lẫm lần đầu tiên cô thấy và được trải nghiệm bên Úc.
“Em sang Úc cũng được hơn 1 năm rồi. Bên này cách Việt Nam có hơn 3 tiếng thôi nên giờ giấc sinh hoạt cũng không đảo lộn nhiều. Vợ chồng em sống cùng anh chị chồng ở Adelaide, phía Nam Úc, gần bờ biển, gần cả núi nữa, khí hậu rất dễ chịu, thoáng mát, sạch sẽ, người dân thân thiện, văn minh.
Nhưng nhờ sự giúp đỡ của chồng và tính cách hòa đồng nên Yumi nhanh chóng quen với nơi ở mới.
Hàng ngày chồng đi làm thì em ở nhà dọn dẹp, làm việc linh tinh, nhận nối mi để kiếm tiền tiêu vặt. Tại em chưa biết chạy xe hơi nên chồng không cho đi làm, 2 đứa vẫn đang cố gắng tích cóp để năm sau mua nhà, rồi mới tính chuyện sinh bé.
Cái khó thích nghi nhất ở đây là đồ ăn, khó ăn lắm. Mất 3 tháng em mới quen được kiểu món gì cũng có cheese (phômai), ngán muốn chết, mà cái gì cũng kiểu nhạt nhạt, không đậm đà nhiều hương vị như món Việt. Lúc trước em không thể ăn được pizza hay mấy loại đồ tây, nhìn là ngán, nhưng giờ quen rồi thì thèm, đòi ăn hoài”.
Riêng khoản ăn uống thì Yumi có rất nhiều chuyện hài hước để chia sẻ. Cô nàng thấy vui nhất là những lần “biến tấu” món ăn Úc sang kiểu Việt Nam. “Em tự nấu spaghetti theo khẩu vị quê hương, cho cà chua thịt thà, muối đường đậm đà, Hải (chồng Yumi – PV) kêu không ngon, không chịu ăn.
Nhưng thấy vợ lủi thủi ngồi ăn một mình, thương quá nên lại xáp vô ăn cùng. Ai ngờ ổng ghiền, kêu em bày cho cách chế biến, từ đó đến giờ Hải nấu hoài, ăn hoài kiểu đó luôn (cười).
Rồi bên này họ không ăn tương ớt, em qua đây sống là bạn bè người quen bắt chước, ăn gì cũng xịt tương ớt vô. Ăn bún riêu không bao giờ họ chịu bỏ mắm tôm, vì kêu nó… thúi.
Bữa em lén bỏ mấy thìa mắm tôm vô, trộn lên, chồng ăn khen ngon nức nở, em mới bưng miệng cười, thú nhận là lúc nãy lén cho mấy thìa thúi thúi đó. Ổng đơ một hồi, xong sau đấy thì ghiền luôn tới giờ”.
Nghe Phương kể toàn chuyện vui mà ai cũng phát hờn phát dỗi, vì quá đỗi ghen tị. Vừa lấy được chồng Việt kiều đẹp trai, giỏi giang, biết nấu ăn, làm đủ mọi thứ, lại còn được sống ở vùng đất cả bao người mơ ước, chẳng phải Phương quá may mắn sao?
Yumi thường xuyên chia sẻ hình ảnh về sinh hoạt thường nhật của mình, cùng những chuyến du lịch cả xa lẫn gần với chồng và bạn bè bên Úc. Có nhiều điều lạ lẫm mà chỉ khi sang đó cô mới biết, mở mang hiểu biết và kinh nghiệm sống hơn.
“Hai vợ chồng em rất thích đi du lịch dã ngoại, bên này sống chan hòa với thiên nhiên lắm, mọi người thích hoạt động ngoài trời, cũng bởi khí hậu 4 mùa rất dễ chịu. Có khi chồng em sẵn sàng lái xe tận 300km để đưa em đi cắm trại qua đêm, chạy xe mất có 3 tiếng rưỡi vì đường cao tốc rất to và thoáng.
Chỗ nghỉ lại sâu trong rừng, mình tự đào hố, mang củi để đốt lửa, rồi ra biển câu cá, dựng lều, tối nướng cá ăn, xong ngủ lại luôn. Thỉnh thoảng có bé kangaroo nhảy ra chơi, dễ thương lắm, các loài động vật tự nhiên rất dạn người, do ý thức giữ gìn môi trường ở đây cao.
Mới đây chồng đưa em ra bờ biển cào ghẹ, lần đầu tiên em được thử luôn. Bên này đang là mùa xuân.
Ghẹ biển khá nhiều, mình thích thì đi bắt, không ai quản lý hay thu tiền, tất cả là do ý thức của mình hết. Chỉ có quy định là phải bắt ghẹ có mai dài 11cm trở lên thôi, người ta đột xuất kiểm tra phát hiện mình bắt con nhỏ hơn là bị phạt nặng đó.
Em lội ven bờ biển, ghẹ nó bò dưới đám rong rêu, không để ý, giẫm lên, bị nó cặp cho 2 lần đau phát khóc, la rầm trời. Chồng em lao tới cầm bồ cào quẹt quẹt, mắc luôn con ghẹ to bự, đem về ram me luôn.
Những nỗi khát thèm giản dị rất đỗi Việt Nam
Bên cạnh những sung sướng nơi trời Tây, có những thứ nho nhỏ, giản đơn thôi cũng làm cô nàng buồn xíu xiu, nhớ Việt Nam quay quắt. “Những chốn ăn chơi khác thì hầu như không có, quanh quanh chỉ đi ăn hàng, vô mấy club nhỏ, chợ đêm chỉ mở tối thứ 5 thứ 6 thôi, khác hẳn ở nhà. Mà qua đây sống, em thèm trái cây đến héo queo cả người. Trái gì bên Việt Nam càng rẻ thì bên Úc càng mắc và ngược lại. Chuối, chôm chôm, xoài, bơ… mắc như vàng luôn, nhà ai bên này dám ăn mít là đại gia đó, vì nửa trái mít tận 60 đô Úc lận!
Quả cóc hay mận hả? Thèm rớt nước miếng, có tiền cục cũng không có mà mua luôn! Lâu lâu mới có bà con bên chồng ở tuốt Brisbane (tiểu bang khác) gửi cho vài trái cóc, bé xíu như trái nho là em hạnh phúc lắm, đem dầm muối ớt ăn cho đỡ thèm. Xoài mùa này họ bán 2,5$/ trái, bơ mắc gấp đôi luôn, mà trái bé tẹo.
Bù lại, dâu, táo, nho, cherry ở Việt Nam là mấy loại quả ‘quý tộc’, em sang đây ăn chán mồm luôn, rẻ hều, người ta trồng quanh nhà, trái thò ra ngoài đường, rụng đầy chẳng ai nhặt”.
Chuyện thực phẩm Việt ở nước ngoài đắt đỏ thì hội du học sinh, các nàng dâu Mỹ, Đức, Pháp, Nhật… kể khá nhiều rồi, ví dụ cũng chẳng thiếu, nhưng mâm cơm Việt qua lời kể của Yumi nghe thật sống động và dễ thương. Bao nhiêu thứ sung sướng Phương chẳng dám phàn nàn, nhưng lắm lúc thèm ăn mấy quả dân dã vườn nhà, hay là món đặc sản cổ truyền gì đó xưa ở Buôn Mê Thuột chẳng mấy khi ngó tới, nghĩ lại cô nàng muốn ứa nước mắt, vì nhớ..
Tuy nhiên, chồng Yumi đã giúp cô vợ trẻ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương khá nhiều vì tính cách cực dễ thương. Mỗi ngày ở bên nhau là Phương lại cười lăn cười bò vì đủ thứ chuyện phát sinh, hay ho nhất là việc dạy Hải học tiếng Việt. Anh chàng 25 tuổi sinh ra ở Úc, tuy có bố mẹ người Việt nhưng do môi trường sống nên ít sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. “Bữa đi shop tàu mua đồ nấu canh chua, em quên mua bạc hà, Hải nói em: Phương ơi thiếu bà già rồi. Em mắc cười quá, hỏi bà già là cái gì, hắn cứ quơ tay kêu bà già đó, Phương không biết hả, cái dài dài đó (!) Tả hoài không xong đành kéo em vô lại tiệm, chỉ vào nhúm bạc hà. Em đọc lại tên rồi hỏi: Nãy Hải nói cái này là gì? Ổng quê một cục, kêu bà hà chớ gì. Hết bà già tới bà hà, em cười rầm lên, giờ vẫn lôi ra chọc hoài.
Hải nghe tiếng Việt nói nhanh quá, cố bắt chước mà toàn sai. Như ‘cảnh sát’ ổng kêu ‘đẳng sát’, ‘chợ trời’ thì kêu ‘chờ chời’, rồi ‘thái độ’ thì kêu là ‘thay đổ’… cứ nghe là em cười đau ruột, chỉnh sửa hoài mà vẫn lơ lớ. Bên này họ viết chữ ‘uo’ thành ‘ou’, chồng em toàn ghi Phương thành Phoung. Mấy người bản địa em quen cũng toàn kêu em là ‘Phoun’, nghe như phong phong. Hải tập đọc mãi không được nên chán, toàn gọi vợ là Yumi luôn (cười)”.
Có một điều khiến Phương thường cảm thấy hơi cô đơn, đó là hàng xóm thân thiện nhưng sống theo kiểu độc lập, nhà ai biết nhà đó, không thân thiết kiểu “bán anh em xa mua láng giềng gần” như ở Việt Nam. Thi thoảng lúc hoàng hôn ra ngồi ở cửa nhà, Phương nhớ ngõ phố nhỏ ở Buôn Mê Thuột, các cô bác chiều chiều xách ghế ra quạt mát tán dóc, lũ trẻ con chạy nhảy đùa vui, mọi người mang đồ ăn qua nhà nhau cho biếu mỗi bữa, rủ rê ăn nhậu tưng bừng…
“Dân Úc họ sống khép kín, lịch sự lắm luôn, chạy xe ngoài đường toàn nhường nhau, rồi người ta ai cũng đúng giờ, tới từng phút luôn. Khách hẹn làm mi ở nhà em, nói 3:30 chiều là có mặt chuẩn xác, kẹt xe trễ 5 phút tới là nói xin lỗi quá trời.
Hỏi chuyện ngoài đường ai cũng cười nói, nhưng sống cạnh nhau lỡ làm gì đó khiến hàng xóm phật ý thì việc bé tí họ cũng… kiện mình luôn. Ví dụ như buổi tối lỡ mở nhạc lớn, hay cưa gỗ đục đẽo gì đó ồn ào khiến họ khó chịu là họ kiện liền.
Em cũng rất ngạc nhiên và thích dịch vụ y tế ở bên này, sinh em bé còn được cho tiền nuôi con nếu đóng thuế đầy đủ, chồng đi làm mà vợ mới đẻ là được cho hẳn hơn 1000$ Úc để lo cho vợ. Tổng cộng tiền hỗ trợ sinh đẻ cũng hơn 10 ngàn đô. Đi làm thì chỉ lo mua nhà cửa xe cộ, còn đau bệnh đã có phúc lợi xã hội, chu đáo cực kỳ luôn”.
Hỏi chuyện ngoài đường ai cũng cười nói, nhưng sống cạnh nhau lỡ làm gì đó khiến hàng xóm phật ý thì việc bé tí họ cũng… kiện mình luôn. Ví dụ như buổi tối lỡ mở nhạc lớn, hay cưa gỗ đục đẽo gì đó ồn ào khiến họ khó chịu là họ kiện liền.
Em cũng rất ngạc nhiên và thích dịch vụ y tế ở bên này, sinh em bé còn được cho tiền nuôi con nếu đóng thuế đầy đủ, chồng đi làm mà vợ mới đẻ là được cho hẳn hơn 1000$ Úc để lo cho vợ. Tổng cộng tiền hỗ trợ sinh đẻ cũng hơn 10 ngàn đô. Đi làm thì chỉ lo mua nhà cửa xe cộ, còn đau bệnh đã có phúc lợi xã hội, chu đáo cực kỳ luôn”.
Sung sướng vì ở trời tây đã đành, Phương còn rất được chồng cưng chiều, tặng khá nhiều đồ hàng hiệu: nước hoa, túi xách, giày dép, phụ kiện, thứ đắt nhất hơn 1600$ là chiếc túi LV mà cô nàng diện suốt ngày. Và món quà “khủng” nhất từ lúc cưới đến giờ là chiếc xe hơi màu đỏ cực kỳ đặc biệt, Phương được chồng mua tặng, còn được lấy biển số là tên 2 vợ chồng ghép lại.
“Nhìn biển số xe ai cũng ngạc nhiên hết, chính em còn không tin cơ mà. Nhưng sự thật là bên này người ta cho mình lấy tên để xài làm biển xe luôn, chỉ mỗi tội hơi mắc. Bình thường đăng kí biển số chỉ phải đóng tầm 100$ cho 1 lần thôi, nhưng biển tên mình thì đóng theo năm, phí thường niên tận 270$ đó”.
Vậy mới hiểu cô nàng số hưởng đến thế nào! Tuy không phải lấy chồng ông chủ, đại gia gì, nhưng với Phương, cuộc sống như hiện tại là ổn. Cô chỉ vun vén cùng chồng hoàn thành nốt mơ ước mua nhà sinh con, vậy là chẳng còn gì hạnh phúc hơn nữa.
Nguồn: soha
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC