Gần đây, tôi đọc thấy có rất nhiều bài viết kể về cuộc sống của người Việt tại Mỹ.
Tôi đọc qua và nhận thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh cuộc sống của người Việt tại Mỹ. Một số cho rằng cái mác Việt kiều khiến những đứa con Việt trở nên khoe khoang, xa xỉ và hòa lẫn vào phong tục xa hoa xứ người; hoặc như một số ý kiến cho rằng những lời nói của bài viết ' Cuộc sống thực của người Việt tại Mỹ' là không đúng sự thật.
Tôi là một học sinh đã qua định cư tại Mỹ được hơn ba năm. Sau khi đọc bài viết 'Cuộc sống thực của người Việt tại Mỹ', tôi quyết định viết một bài viết để nói rõ hơn vì bài viết chưa nêu rõ được cái gian nan thật sự của nơi đất khách quê người.
Theo lời của những người đi trước, cái khó khăn họ phải trải qua ở những ngày đầu đặt chân đến Mỹ là không lời nào có thể tả được.
Họ nói rằng những người qua sau như chúng tôi sung sướng hơn nhiều vì có bà con họ hàng đi trước giúp đỡ. Nhưng tôi và mẹ đến Mỹ với rất nhiều người thân ở rải rác trên nhiều tiểu bang, và những cái giây phút hời hợt giúp đỡ hoặc giúp để lấy tiếng thơm, hoặc giả chỉ là một trách nhiệm là điều tôi nhận thấy.
Cũng như bài viết của Vu Dao, cái đất nước này khiến con người ta bị áp lực rất nhiều, và cái áp lực đó khiến con người trở nên bấn loạn, vô cảm.
Cái khó khăn là ở đồng tiền.
Người ta nói, ở Mỹ là có tương lai, là có tiền, cứ như 'everything is money', nhưng đâu ai biết rằng ở xứ này 'money is everything'. Đúng là lương hằng năm của người Việt có thể xấp xỉ từ 20.000 đến 40.000 USD tùy theo hộ gia đình có bao nhiêu người. Những người qua càng lâu, sẽ có mức lương càng cao; lương trung bình của mỗi người Việt mới qua là dưới 20.000 USD một năm trong suốt gần ba năm đầu tiên, còn sau đó có khả quan hơn hay không là tùy 30% cố gắng và 70% vận may. Và xét cho cùng, ở mức lương nào thì cũng vật lộn với cuộc sống cay nghiệt ở xứ người là khôn xuể.
Ảnh minh họa: StyleScoop.
Khi còn ở Việt Nam, tất cả những việc tôi phải làm là ăn và học; thi thoảng cuối tuần mới giúp dì và mẹ đi bán hàng.
Lúc nào ở nhà cũng có người, không khí luôn ấm cúng và vui vẻ.
Cứ tối tối là cùng nhau quây quần bên mâm cơm, lâu lâu bán đắt hàng cả nhà lại đi ăn ở một nhà hàng nào đó. Tối đến thức khuya cùng nhau xem một bộ phim, dù 10h nhưng trong nhà điệm đóm vẫn sáng trưng. Sáng sớm, chỉ cần 10 phút đi bộ là ra đến chợ, mua một gói xôi, một cái bánh hay một tô hủ tiếu nóng hổi.
Nhìn dòng người đi lại nhộn nhịp, tiếng kèn xe inh ỏi, những cô hàng gánh nặng nhọc dưới nắng, tất cả những thứ bình dị ấy là một thứ rất xa vời với chúng tôi ở đây. Có thể một số người thỏa mãn với cuộc sống mới sau bao gian nan trắc trở nên họ tự mãn. Nhưng với chúng tôi, cái cuộc sống trong bốn bức tường, mạnh ai nấy một phòng riêng biệt: sáng chưa chắc thấy mặt nhau đã vội vã đi làm, tối về mệt nhoài thì thay đồ xong là ngủ, những bữa ăn lạnh lẽo có gì ăn đó và hâm nóng bằng lò vi sóng thức ăn của cả tuần, đây là cuộc sống chật vật mà nghe kể thì nhiều, nhưng chẳng ai hiểu được cái cảm xúc đó cả.
Ở Việt Nam, ngoài tiền điện, nước, chợ thì hầu như không có gì phải lo nhiều (không tính những gia đình khó khăn kiếm từng xu cho con đi học, hoặc cho đi học thêm quá nhiều như những gia đình ở thành phố). Ở xứ này, cứ mỗi tháng là những hóa đơn (bills) cứ tràn ngập trong hộp mail. Nào tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền bảo hiểm xe, tiền xe trả góp.
Cứ tính thế này, giả sử một gia đình có ba mẹ đi làm và hai con đi học, lương của mẹ đi làm nail mỗi tháng là 2.000 USD (đây là một con số không thực tính ở thời điểm bây giờ, vì nghề nail không còn trong thời điểm thăng hoa như xưa nữa), và của ba là 1.500 đến 2.000 USD một tháng nếu đi làm ở hãng. Vậy cứ cho là 4.000 USD một tháng.
Tiền nhà, với những gia đình mới qua ít nhất phải chờ gần 10 năm mới đủ tiền mua một căn nhà, vì thế tiền thuê một căn hộ sẽ vào khoảng 1.200 USD/tháng đến 1.500 USD/tháng (1.500 USD là giá trung bình hiện nay ở bang Virginia, một số bang khác có thể rẻ hơn). Người mẹ cần một chiếc xe, người ba cần một chiếc xe, nếu mua xe cũ thì chỉ cần trả tiền bảo hiểm mỗi tháng; hai xe một năm vị chi là 1.200 đến 1.500 USD, hoặc 100 USD một tháng.
Tiền chợ búa dao động từ 200 đến 300 USD một tháng tùy theo khẩu phần và giá cả của thức ăn. Và tin tôi đi, với người dân ở California, food stamp là một điều rất bình thường, nhưng ở bang Virginia tôi đang ở, food stamp không phải muốn là đăng ký có được. Tiền ga điện nước vào khoảng 200 USD. Tiền điện thoại nằm ở mức 100 USD cho 4 người.
Cứ thế mà tính lẻ tẻ đi lên, hàng ngàn nhiều thứ 'bills' khác cứ thay phiên nhau chạy tới, mỗi thứ rút trong túi ra một ít. Để dành lại chả được bao nhiêu.
Cái thứ gọi là medicare hay medicaid không phải ai cũng có được, thế là một lần đi bác sĩ, chỉ khám thôi là cũng ở khoảng 60 USD, chưa tính tiền thuốc men. Nằm viện thì cứ lên cả ngàn đồng, nên có tiết kiệm bao nhiêu rồi cũng có ngày tiêu tan hết. Cuộc sống cứ tà tà mà trôi.
Ở Việt Nam, một hộ gia đình trung lưu có thể tiêu xài 2 đến 3 triệu một ngày để đi chơi hoặc đi ăn. Có thể bỏ ra 15 đến 20 triệu mua một cái tivi hay tủ lạnh mới. Bỏ ra vài triệu để có một tour du lịch ngắn ngày trong dịp lễ. Còn ở đây, chỉ cần xài nhỉnh hơn 50 USD một ngày là tối đến, trên trán lại xuất hiện thêm một vết nhăn. Đi mua sắm, nhìn cái áo giá 20 USD thì thích lắm cũng phải than ngắn thở dài mà bỏ xuống, đợi khi sale mới dám mua. Nên cái mức lương ở trên thấy có vẻ dư giả, chứ xài nhè nhẹ tay cũng thấy tiền bay đi mất.
Tôi biết một gia đình, ba mẹ là y tá bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy, thu nhập cao, ổn định, đến Mỹ và làm lại từ đầu từ những công việc bần hèn nhất, đắng cay nhất. Miệng lưỡi con người ở đây là rất tàn nhẫn, cũng như cách họ sống, ai cũng chỉ muốn mình là người tốt, nên luôn hạ xuống tư cách và nhân phẩm của bất cứ ai làm mích lòng họ, nhưng đối với họ thì ai là chả là người làm mích lòng.
Tôi biết một gia đình, ba là kế toán và mẹ có hàng quán nhỏ nhưng rất đông khách. Không giàu sang nhưng cũng thuộc khá giả, không phải bận lòng với đồng tiền. Và họ qua đây, mở tiệm nail, nghe giàu thật, nhưng có ai biết đằng sau đó là mồ hôi nước mắt. Mọi công đoạn đều phải tự họ mày mò làm: trang trí lại nội thất, quảng bá cho thương hiệu, v.v... Có những khi làm không đủ, vài tháng số tiền đi vào lại ít hơn số tiền đi ra.
Tôi biết một gia đình, gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu với biệt thự ở ngoại thành. Sang đến Mỹ, ba mẹ phải đi chất hàng lên toa xe lửa với mức lương khoảng 1.200 đến 1.500 USD một tháng. Họ cố ngậm đắng nuốt cay cho hai đứa con gái ăn học thành tài trước lời dè bỉu từ họ hàng.
Tôi biết mẹ và tôi, rày đây mai đó không ổn định.
Bà con chỉ nhìn nhau khi cần giúp đỡ. Mẹ chịu nhiều đắng cay trong công việc. Và những bất mãn khiến con người ta hóa điên. Phải lo lắng cho họ hàng ở Việt Nam, phải tự cứu lấy bản thân chơi vơi nơi xứ người. Nhiều khi bất mãn cũng không có tiếng nói.
Tôi giật mình khi đọc nhiều bài viết có phần hơi khoe mẽ của một số người Việt tại Mỹ, nhưng theo tôi thấy, họ có quyền đó vì họ đã đi lên từ đôi bàn tay trắng, và thành quả của họ đáng được công nhận (tôi không nói đến những người dè bỉu và chê bai đất nước của chính mình đầy ác ý).
Và tôi giật mình hơn vì chẳng ai kể được nỗi khổ của những người tha hương cả. Cái chiếc vé máy bay về thăm quê chẳng đáng là bao, nhưng khi về là có hàng nhiều móc xích liên quan tiền bạc, lại bỏ dở một hoặc hai tháng đi làm, về sẽ mắc nợ mãi không trả đủ.
Đúng đấy, cứ nhìn Việt kiều về nước với đầy hột xoàn trên người mà đánh giá, chẳng bao giờ có ai đánh giá nổi sự cam chịu và khó khăn mà họ đã trải qua. Việt kiều nói chung cũng chỉ là cái mác, cái mác đánh đổi bằng mồ hôi và xương máu.
Tôi không muốn trở thành kẻ kể lể để nhận sự thương hại hay chê trách từ ai. Những thứ tôi kể là những thứ tôi biết và chứng kiến với cái xứ thoải mái và vô tình này. Mong rằng mọi người sẽ có cái nhìn khác hơn về những người Việt tại Mỹ.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC