Giữa lúc tình hình ch iến sự Nga và Ukraine đang căng thẳng, qua nhiều mối liên hệ, PV Dân trí có cuộc trao đổi qua điện thoại với anh Võ Đức Hạnh (SN 1974, quê ở Hà Tĩnh) là lao động có hàng chục năm sinh sống làm việc tại thủ đô Kiev của Ukraine.
Sau hành trình gần 5 ngày đêm đi từ Kiev sang Đức để lánh nạn, tối 4/3, anh Hạnh mới có thời gian chia sẻ câu chuyện về cuộc sống cũng như những vất vả mà anh và nhiều lao động Việt Nam phải trải qua bởi ch iến sự.
Anh Hạnh bỏ lại nhà cửa, tài sản, chỉ mang theo ít quần áo và bánh mỳ làm thức ăn dọc đường khi rời Ukraine sang Đức lánh nạn (Ảnh: NVCC).
Theo anh Hạnh, năm 1996, anh rời quê hương sang Ukraine mưu sinh. Những năm đầu ở xứ người, anh kiếm sống bằng nghề in ảnh ở thủ đô Kiev. Từ năm 2000 đến nay, anh làm tại nhà máy in bao bì của người Việt ở Ukraine.
“Cuộc sống lao động ở xứ người, tôi không mấy quan tâm đến chính trị, chỉ biết rằng người dân ở đây hiền lành và tốt bụng nên tôi chọn gắn một phần dài cuộc đời của mình. Về thu nhập tại đây, so với các nước châu Âu khác thì không bằng nhưng so với Việt Nam vẫn thoải mái. Bên này cũng có những người Việt rất giàu, cũng có người làm chỉ đủ ăn. Cuộc sống của tôi nói chung thì ổn định”, anh Hạnh tâm sự.
Theo anh Hạnh, cuộc sống sinh hoạt của anh tại Ukraine khá thoải mái khi chưa xảy ra ch iến sự (Ảnh: NVCC).
Theo anh Hạnh, thời điểm khoảng những năm 2008 – 2009, người Việt sinh sống và làm việc ở đất nước Ukraine khá đông, hiện còn khoảng 6-7 nghìn người.
Hình ảnh một góc thủ đô Kiev năm 2014 (Ảnh: NVCC).
Anh Hạnh kể: “Sáng 24/2, tôi vẫn đi làm bình thường như mọi ngày nhưng không hiểu sao hôm đó đường đông xe đến vậy. Ở các cây xăng xe xếp dài hàng cây số. Hỏi những người bản địa thì mới biết chuẩn bị có chiế n sự”.
Mặc dù c hiến sự xảy ra nhưng anh Hạnh vẫn liều ở lại 3 ngày để trông coi nhà máy, không có ý định di tản. Tuy nhiên, đến sáng 28/2, khi tình hình căng thẳng, anh đã phải về nhà vội vàng xếp mấy bộ quần áo rồi cùng vợ chồng người bạn quê huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) rời thủ đô Kiev đi lánh nạn.
Trên đường rời Ukraine, những người lánh nạn phải dừng ở nhiều chốt để lực lượng quân sự Ukraine kiểm tra (Ảnh: NVCC).
“Chúng tôi chỉ biết cố rời thật nhanh để đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân. Tài sản cùng tiền trong ngân hàng tích cóp lâu nay đều không thể mang theo được bất kể thứ gì. Không chỉ tôi mà hầu như người Việt nào ở đây cũng đều rơi vào tình cảnh tương tự”, anh Hạnh nói.
Hành trình rời thủ đô Kiev cũng gặp nhiều khó khăn bởi các tuyến đường cao tốc, đường huyết mạch đều bị quân đội Ukraine đánh sập cầu, phá hỏng nhiều đoạn để ngăn quân đội Nga tiến vào.
Đoàn xe xếp hàng dài 13-14km ở khu vực cửa khẩu Ukraine và Ba Lan để chờ làm thủ tục qua biên giới lánh nạn (Ảnh: NVCC).
“Quãng đường khoảng 700km từ thủ đô Kiev đến cửa khẩu Ba Lan chúng tôi đi mất 20 tiếng đồng hồ. Trên đường đi phải dừng lại xếp hàng mua xăng, tuy nhiên cây xăng chỉ bán cho mỗi xe 20 lít nên khi mua xong, chúng tôi quay lại xếp hàng lần thứ 2 để mua thêm. Ngoài ra, đi dọc đường có nhiều chốt quân đội của Ukraine kiểm tra nghiêm ngặt, xem có mang theo vũ khí và từ đâu đến. Khi xuất trình được chứng cứ rời thủ đô Kiev thì họ cho đi”, anh Hạnh kể tiếp.
Đến khoảng 4h ngày 1/3, anh Hạnh và vợ chồng người bạn mới đến khu vực cửa khẩu Ba Lan. Tại đây, xe xếp hàng dài 13-14km, những người lánh nạn lại phải chờ thêm một ngày đêm mới tới lượt qua cửa khẩu.
Vì thời tiết rất lạnh nên khi qua cửa khẩu Ba Lan anh Hạnh phải dùng chăn quấn để giữ ấm (Ảnh: NVCC).
Khi qua cửa khẩu Ba Lan, nhóm người của anh Hạnh tiếp tục sang Đức vì có người thân đón. Anh dự tính sẽ ở lại đó một thời gian vì theo anh Hạnh, bản thân anh có thẻ định cư nên có thể ở được 3 năm theo luật Tị nạn của nước Đức. Anh Hạnh cũng hy vọng sau khi nhập trại tị nạn sẽ được ngành chức năng ở Đức tạo cơ hội tìm việc làm.
“Tất cả những người từng sống ở Ukraine chúng tôi, ai cũng mong muốn ch iến sự chấm dứt. Tôi sống hơn 25 năm ở thủ đô Kiev rồi, bây giờ không phải nói đi là đi được. Thành phố vốn rất đẹp, thanh bình mà giờ nhìn qua tivi thấy hoang tàn, tôi thật sự rất đau lòng”, anh Hạnh nói.
Nguồn: Dân trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC