Trong hai tháng nữa, Mỹ có thể “bơi” trong vaccine. Đó là cách nói hình ảnh. Bởi với 500 triệu liều vaccine được cung ứng, mỗi liều từ 0,3-0,5mm, tổng lượng vaccine mà Mỹ sắp nhận có thể đổ đầy một bể bơi có dung tích 208,175 m3.
Thật khó tưởng tượng rằng, cảnh tượng người dân dồn dập gọi điện, đặt lịch, xếp hàng để tiêm vaccine như hiện nay sẽ sớm qua đi. Mỹ đang dịch chuyển từ vị thế kha hiếm sáng dư thừa nguồn cung vaccine.
Theo Andy Slavitt, cố vấn cấp cao Nhà Trắng chuyên theo dõi Đội phản ứng COVID-19, đó không hẳn là một cú dịch chuyển đột ngột, toàn cục mà là theo dạng thức giảm dần quy mô khan hiếm, với cấp độ khác nhau tương ứng với từng cộng đồng dân cư. Xu hướng này đã xuất hiện và đó là điều mà giới chức quản lý ở Mỹ cần quan tâm xử lý.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Frisco, Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Khi nguồn cung dồi dào, việc thuyết phục những người còn chần chừ, miễn cưỡng tiêm vaccine ngày càng khẩn thiết. Bởi nếu không, tình trạng dư thừa vacine đó sẽ hủy hoại khả năng đưa nước Mỹ vượt lên đại dịch. Theo tính toán của một số chuyên gia, mới chỉ có khoảng 18% người Mỹ được tiêm ngừa COVID-19 và dư thừa vaccine sẽ xuất hiện ngay trong đầu tháng tới ở một số khu vực. Sau đó, thách thức sẽ bắt đầu nổi lên, với nhiều việc cần phải làm, gồm.
Phát thông điệp chuẩn mực về tiêm vaccine: Nhóm dễ tiếp cận nhất là số đối tượng không muốn tiêm, do họ ngập ngừng, do dự đặt lịch hẹn. Theo Christopher Morse, chuyên gia truyền thông y tế tại Đại học Bryant ở Rohode Island, để giải quyết nút thắt này, cần phải đẩy nhanh thông điệp truyền thông: tiêm ngừa là “nhanh chóng, dễ dàng và miễn phí”. Phải để người dân thấy được thực hiện một cuộc hẹn tiêm vaccine không hề khó khăn gì, mọi thứ đơn giản như gọi một cốc cafe.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Rhode, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông điệp kiểu như “nước Mỹ có hàng tấn vaccine” sẽ là sai lệch, bởi nó khiến người dân tin rằng, không cần phải vội vã, có thể tiếp tục lần lữa việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đối với những người không trích ngừa do không có thời gian, thông điệp cần xoáy sâu vào giá trị và ý nghĩa của việc làm này, kiểu như “Tiêm vaccine để có thể có kỳ nghỉ lễ Phục sinh với gia đình”.
Coi trọng giá trị của các trung tâm y tế cộng đồng: Với phần đông số người Mỹ thuộc diện dễ bị tổn thương, những trung tâm kiểu này là cơ sở đáng tin cậy, có thể tiếp cận được, đóng vai trò thiết yếu trong tiêm chủng vaccine. Một số nơi đã chú ý khu vực này, thế nhưng nỗ lực cần phải mở rộng hơn nữa khi tỉ lệ người được tiêm vaccine tăng lên từ đó làm số do dự, chần chừ lộ ra ngày một rõ.
Ở quận Cam, bang California, chính quyền địa phương đã cử 8 đội tiêm vaccine lưu động, chuyên đi tới các trung tâm quản lý người vô gia cư, nhà tù, hoặc những nơi có cộng đồng cư dân khó tiếp cận. Đội lưu động này di chuyển trên xe tải nhẹ, không cần phải đặt lịch tiêm trước và sẽ tiêm cho bất kỳ ai có mặt tại địa điểm họ đến.
Theo tiến sĩ Rebecca Weintraub, Giám đốc Dự án cung ứng Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Havard, ngay từ bây giờ, cần phải chuẩn bị những kênh cung ứng dịch vụ tiêm vaccine theo kiểu “đến tận cùng” như vậy, để có thể giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương được tiêm ngừa vaccine. Đơn cử, rất có thể, các điểm tiêm vaccine sẽ được lập tại những ngân hàng thực phẩm.
Vai trò của chủ lao động: Khó có chuyện người Mỹ bị buộc phải tiêm vaccine. Theo Michelle Mello, giáo sư luật và chuyên gia y tế luật tại Đại học Stanford, việc chủ lao động buộc nhân viên phải tiêm vaccine là vô lý. Không thể có tình trạng bắt ép này được, khi mà cho đến nay cả ba loại vaccine được sử dụng tại Mỹ đều thuộc diện mới là cấp phép sử dụng khẩn cấp, chưa có đủ thông tin dữ liệu để khẳng định người được tiêm ngừa ít có khả năng lây bệnh sang người khác.
Do thực tế này, giới chủ lao động có xu hướng coi tiêm chủng là khuyến khích, chứ chưa đến mức áp đặt bắt buộc. Ai cũng có thể nhận thấy lợi ích từ những hành động tự nguyện. Đơn cử, nếu một người lao động đi tiêm vaccine, giới chủ có thể linh động cho anh ta nghỉ ngày hôm sau, bà Mello nói. Xử lý vaccine dư thừa: Nếu cuối cùng vẫn dư thừa vaccine, Mỹ cần phải làm gì? Theo nhiều chuyên gia, chuyển giao cho các nước khác có nhu cầu là giải pháp phù hợp. Có hai nguyên nhân khiến Mỹ có thể lựa chọn giải pháp này.
Xét dưới góc độ y tế, dịch bệnh không có biên giới. Nếu COVID-19 vẫn lây lan mạnh bên ngoài, nước Mỹ cũng sẽ không được an toàn. Còn dưới góc độ chính tri, 94% các nước thu nhập cao đều đã tiến hành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19; ngược lại mới chỉ có 4 trong 29 quốc gia thu nhập thấp thế giới mở chiến dịch tiêm ngừa này. Nếu Mỹ cứ để vaccine trong kho, Nga và Trung Quốc sẽ nhảy vào lấp chỗ trống, cung cấp vaccine do hai nước này sản xuất cho các nước khác.
Theo Kelly Moore, Phó Giám đốc Liên minh Hành động Tiêm chủng (IAC), một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, giúp đỡ các nước không chỉ là cách Mỹ ghi điểm chính trị, mà còn bảo về người dân Mỹ trước một kẻ thù quỷ quyệt như SARS CoV-2. Bởi loại virus này sẽ triệt để lợi dụng thời điểm Mỹ buông lỏng cảnh giác, hoặc cho phép nhiều người trên thế giới được tự do đi lại khi họ vẫn chưa được bảo vệ bởi vaccine.
Nguồn: baotintuc
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC