Người biểu tình cầm di ảnh ông Vichar Ratanapakdee, phản đối tình trạng kỳ thị chống lại cộng đồng gốc Á ở Mỹ. CHỤP MÀN HÌNH CHICAGO TRIBUNE.
“Ngày càng tệ hơn”
Theo cuộc khảo sát của Quỹ Scanlon (Úc) và Asian Australian Alliance (Liên minh Vì cộng đồng người Úc gốc Á), 59% người gốc Á ở Úc cho biết họ thường xuyên đối mặt hành vi phân biệt đối xử vì đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Kết quả cuộc khảo sát mang tên “I am not a virus” (Tôi không phải là vi rút) phản ánh tình trạng kỳ thị chống lại người gốc Á đang ở mức cao nhất.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, cô Erin Chew, nhà sáng lập Asian Australian Alliance ở TP.Sydney (Úc), cho biết: “Tình trạng phân biệt đối xử càng trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, chúng tôi nhận được hơn 500 báo cáo về những vụ kỳ thị chống lại người gốc Á”. Cô Chew cho biết thêm những người mang tư tưởng phân biệt chủng tộc thường dùng lời lẽ miệt thị, xem người gốc Á là “vi rút gây Covid-19”, chửi bới, nhục mạ nạn nhân ở nơi công cộng, thét lớn “hãy biến khỏi đây” và thậm chí hành hung.
Không chỉ riêng ở Úc, tổ chức Stop AAPI Hate (Mỹ) công bố dữ liệu từ tháng 3 - 12.2020 cho thấy có hơn 2.800 vụ quấy rối chống người gốc Á ở Mỹ. Trong đó, hơn 70% là quấy rối bằng lời nói miệt thị, phỉ báng, xúc phạm, chửi bới và hơn 8% liên quan các vụ hành hung. Con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều nạn nhân không lên tiếng tố cáo.
Gần đây, truyền thông Mỹ tiếp tục phản ánh tình trạng kỳ thị sau khi một đoạn video từ camera an ninh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một ông lão gốc Á (91 tuổi) bị xô ngã xuống vỉa hè ở TP.Oakland, bang California hôm 31.1. Cũng trong tháng 1, ông Vichar Ratanapakdee, một người nhập cư gốc Thái Lan 84 tuổi, đã bị xô ngã dẫn đến tử vong ở TP.San Francisco, bang California.
Khoảnh khắc ông lão gốc Á 91 tuổi bị xô ngã xuống vỉa hè ở TP.Oakland, bang California hôm 31.1. ẢNH: REUTERS.
“Tôi không phải là vi rút”
Đối mặt tình huống bị miệt thị là “vi rút”, đa số những người gốc Việt ở Mỹ trả lời phỏng vấn Thanh Niên thừa nhận họ cảm thấy bức xúc nhưng cố phớt lờ, bỏ đi và không đưa ra bất kỳ phản ứng gì vì lo ngại bị hành hung. Ban đầu tình trạng kỳ thị chỉ nhắm vào người Mỹ gốc Hoa nhưng sau đó lan rộng sang gần như toàn bộ nhóm người gốc Á.
Nữ du học sinh Tuyết Mỹ ở TP.Quincy (bang Massachusets) không thể quên được vụ việc xảy ra lúc cô đi bảo trì xe hơi. “Lúc đó, tôi đang ngồi nói chuyện điện thoại với bạn thì một khách hàng khác là một người Mỹ da trắng ngồi đối diện nhìn chằm chằm vào tôi. Ông ta thét lên: Hãy mang con vi rút này ra khỏi đây”, cô kể lại sự việc đáng buồn với Thanh Niên. Nữ sinh viên người Việt chỉ biết im lặng, không dám phản ứng và cố giả vờ như không nghe thấy gì với hy vọng người đàn ông kia sẽ buông tha cho cô.
Trong một trường hợp khác, nữ sinh viên Ngọc Lam lần đầu tiên trở thành nạn nhân của sự kỳ thị sau gần 2 năm du học ở Mỹ. Cuối năm 2020, hai người đàn ông Mỹ da trắng nhìn chằm chằm vào cô trong lúc cô xách hành lý đi bộ trong sân bay quốc tế O'Hare ở TP.Chicago (bang Illinois). Họ chửi bới, gọi cô là “vi rút” kèm theo những lời cay độc rồi cười hả hê và bỏ đi. “Tôi bị sốc hoàn toàn và không biết phải làm gì. Tôi đã nghe nhiều người bạn gốc Á kể về những vụ kỳ thị nhưng đây là lần đầu tiên tôi trở thành nạn nhân”, cô Lam chia sẻ với Thanh Niên.
“Tôi cũng bị một người Mỹ da trắng chặn ngay trước mặt, miệt thị rồi định hành hung tại một trạm xe buýt. Tôi chỉ biết cố gắng tránh xa người đó. Tuy nhiên, đó chỉ là những hành vi kỳ thị trực tiếp. Theo tôi được biết, sự kỳ thị gián tiếp cũng tràn lan, cụ thể là người gốc Á rất khó xin việc làm so với người da trắng”, cô Ivy Nguyenm, sống tại TP.White Plain (bang New York), nói với Thanh Niên.
Một người Ý gốc Hoa đeo khẩu trang, bịt mắt đứng giữa phố tại TP.Florence (Ý), bên cạnh tấm biển ghi: “Tôi không phải là vi rút, tôi là một con người, hãy giải phóng tôi khỏi định kiến”. ẢNH: FACEBOOK.
Phá hoại tài sản
Làn sóng kỳ thị trong đại dịch Covid-19 ở Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn với những vụ phá hoại tài sản của người gốc Á. Tạp chí People vừa phản ánh vụ phá hoại mới nhất nhắm vào nhà hàng của người gốc Việt ở TP.Portland, bang Oregon.
Ông Thu Nguyen, chủ nhà hàng Utopia Restaurant & Lounge ở Portland, cho biết nhà hàng của ông bị ném đá vỡ cửa kính 3 lần. “Vụ phá hoại mới đây nhất là vào ngày 1.3, trước đó là tháng 1 và trước nữa là tháng 12.2020”, ông Nguyen nói. Các hình ảnh từ camera an ninh cho thấy một người bước ra từ xe hơi, ném đá vào cửa kính nhà hàng rồi bỏ chạy. “Không biết tại sao anh ta đã 3 lần nhắm vào nhà hàng của tôi. Tôi đã báo cảnh sát nhưng đến nay chưa có ai bị bắt”, ông Nguyen (57 tuổi) cho hay.
Kể từ lúc mở cửa vào năm 2006 và trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng của ông Nguyen chưa từng bị phá hoại. “Hành vi phá hoại này có thể xuất phát từ tình trạng phân biệt đối xử mà người Mỹ gốc Á phải đối mặt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tôi rất lo lắng và cảm thấy bất an. Không ai giúp chúng tôi”, ông Nguyen nói.
Nhà hàng Utopia chỉ là một trong số ít nhất 13 cơ sở kinh doanh bị đập phá từ cuối tháng 1.2021 ở quận Jade của Portland, vốn là khu buôn bán tập trung nhiều người gốc Á. Theo tờ The Oregonian, 9 trong số 13 cơ sở bị phá hoại thuộc sở hữu của người Mỹ gốc Á. Chia sẻ với Thanh Niên, cô M.N ở bang California cho biết một nhà hàng của người gốc Á ở khu cô sống cũng từng bị ném đá vỡ cửa kính 3 lần nhưng cảnh sát vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Trong khi đó, một người gốc Việt ở quận Cam (Nam California) cho Thanh Niên biết cộng đồng người Việt ở đây không bị kỳ thị vì Covid-19 do người Việt thể hiện tốt nỗ lực phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang ở nơi đông người, tổ chức may, quyên góp khẩu trang, tặng thực phẩm cho cộng đồng.
Mỹ sẽ điều tra những vụ tấn công người gốc ÁNgày 25.2, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ điều tra làn sóng tấn công người gốc Á đang gia tăng ở nước này, theo Reuters. Trong buổi họp báo, quyền Thứ trưởng Bộ Tư pháp John Carlin gọi các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á là “kinh khủng”. Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào “I am not a virus” trên mạng xã hội, tổ chức Asian Australian Alliance phối hợp với hàng loạt tổ chức khác khắp thế giới thiết lập website mới để mọi người có thể báo cáo về những vụ kỳ thị. |
Châu Yên - Lan Khanh - Phúc Duy
Nguồn: thanhnien.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC