Chợ Tết Hà Nội, Việt Nam, ngày 07/02/2021. AP - Hau Dinh
Pháp : Những chiếc bánh chưng ấm tấm lòng
Trong căn nhà ở ngoại ô Paris, chị Lại Ngọc Bích rửa lá, chuẩn bị thịt và đậu để gói bánh chưng tặng sinh viên khó khăn phải đón Tết xa nhà. Tết đến, dịch vẫn còn, chị muốn gửi chút hương vị quê nhà với hy vọng các em phần nào bớt nguôi ngoai nhớ gia đình.
« Tôi có quen biết một số em sinh viên Việt Nam. Thời điểm này rất là khó khăn đối với các em, bởi vì các em phải bươn chải, lo cuộc sống của mình.
Tôi nghĩ là khi gói bánh cho gia đình thì sẽ gói dư vài chiếc để tặng các em. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế. Cuối cùng tôi quyết định sẽ cố gắng gói 50 cái để tặng cho 50 em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tự bươn chải kiếm sống, không có học bổng, cũng như bị trầm cảm, bị ốm đau hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.
Tôi nghĩ là một cái bánh chưng rất là nhỏ bé nhưng tôi cũng rất mong muốn nó trở thành một món quà nhỏ, một món quà Tết, ấm áp, có thể phần nào giúp các em quên đi được sự cô đơn, lạnh giá cũng như là buồn bã nơi xứ người trong hoàn cảnh Tết đến Xuân về xa gia đình ».
59 chiếc bánh đã được chuyển tới các bạn sinh viên ngày 08/02/2021, nhiều hơn dự định ban đầu của chị.
« Để thực hiện dự định của mình, tôi đã post trên Facebook cá nhân một bài nhỏ và nhờ bạn bè, cùng với những em sinh viên mà tôi quen biết để giới thiệu. Khi đó thì tôi đã có 36 suất bánh. Sau đó có một bạn bên hội sinh viên Việt Nam đã giúp tôi lập danh sách và tập hợp thêm được 16 em nữa. Danh sách 50 bạn nhận bánh diễn ra chóng vánh trong vòng 1 ngày ».
Mẻ bánh chưng thứ nhất chị Lại Ngọc Bích làm tặng 59 bạn sinh viên tại vùng Ile-de-France (Pháp) đón Tết Tân Sửu 2021. © RFI / Tiếng Việt
Tết đậm chất Việt tại Matxcơva, Nga
Hàng năm có đến 1/3 cộng đồng người Việt tại Nga về Việt Nam đón Tết. Do dịch Covid-19 nên Tết Tân Sửu 2021 là năm người Việt ở lại Nga ăn Tết đông nhất, theo thông tín viên Hoàng Dung tại Matxcơva :
« Năm nay, không ai về được nên ai cũng nghĩ đến làm sao để bù đắp cho nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà bằng việc tổ chức Tết thật to. Cho nên vào thời điểm này, có thể nói là các mặt hàng thức ăn, thực phẩm Việt Nam thuần túy, đặc biệt là lá dong tăng lên chóng mặt, rất đắt : một cân lá dong giá 1.300 rúp, có nghĩa là khoảng 17-18 đô la cho một cân chỉ được khoảng 30 lá.
Theo thông lệ truyền thống của người Việt tại Nga, trên bữa ăn cuối năm bao giờ cũng phải có đầy đủ tất cả các món ăn thuần túy của Việt Nam vào ngày Tết : từ con gà trống thiến có đủ cả mào cả chân cho đến bánh chưng, hoa đào.
Do năm nay không có chuyến bay nên không có hoa đào và cây quất, thì sẽ được bù đắp bằng những cành mai, cành táo của Nga, với những bông đào, bông mai được làm bằng giấy. Có thể nói không khí chuẩn bị Tết của người Việt ở Nga rất tấp nập và nhộn nhịp ».
Để cảm nhận được không khí này và để vơi bớt phần nào nỗi nhớ, nơi nên đến nhất vào dịp này là những khu vực đông người Việt sinh sống và kinh doanh, theo lời khuyên của thông tín viên Hoàng Dung :
« Ví dụ trung tâm quần thể đa chức năng Hà Nội-Matxcơva (INCENTRA), ở đó người Việt vừa sống, vừa làm việc, bán hàng ở đó, là nơi được trang trí không khí có thể nói là rực rỡ nhất.
Một số trung tâm có nhiều người Việt buôn bán khác thì không được trang trí đẹp như vậy. Nhưng không khí người Việt đi mua hàng để chuẩn bị Tết có thể thấy rõ nhất ở những nơi nào bán thực phẩm Việt Nam.
Đó là khu chợ mà người Việt vẫn gọi là « chợ Liu » thực ra là chợ Matxcơva hoặc là « chợ Chim » mà thực ra là chợ Vườn.
Trung tâm đó có rất đông người Việt và khu bán hàng khô, bán thực phẩm của họ đang tràn ngập thực phẩm cho bữa cơm tất niên của bà con ».
Chợ hoa quả đón Tết 2021 tại Singapore. © © RFI / Tiếng Việt / Quỳnh Nguyễn
Việt - Hàn : Tuy gần… mà xa
Người Việt tại Hàn cũng trải qua một năm đầy biến động vì đại dịch Covid-19. Do các biện pháp hạn chế di chuyển, hầu hết ở lại đón Tết tại xứ sở kim chi. Thông tín viên Trần Công tại Seoul ghi lại một số cảm nhận của người Việt ở Hàn Quốc.
« Tết Nguyên đán (seollal) là kỷ nghỉ lớn thứ hai tại Hàn Quốc, sau Tết Trung thu. Đối với chị Thương và chị Hiền lập gia đình tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19, không đưa được các con về quê ăn Tết, chị Thương chuẩn bị một số món ăn truyền thống Việt.
« Không về được Việt Nam, tôi cũng mua bánh chưng, làm giò, mua ít đồ như miến, măng, mộc nhĩ, mứt Tết về ăn để cho có vị của quê hương. Nhà đi theo đạo Thiên Chúa nên không cúng khấn, nhưng anh em gia đình cũng tụ họp, cũng nấu những món truyền thống của Hàn Quốc để ăn cùng với gia đình ».
Chị Hiền làm dâu trưởng và sống với mẹ chồng. Giống ở Việt Nam, sáng mồng 1 Tết, con cháu đến chúc thọ ông bà :
« Đến Tết, gia đình cũng mua những món truyền thống của Tết bên Hàn, cũng chuẩn bị vào 30 Tết. Khi chuẩn bị xong, đến sáng hôm sau, các anh chị chồng cũng đến cùng ăn Tết với cả nhà mình. Buổi sáng, họ cũng đặt một mâm cơm để cúng. Khi cúng xong, các con cháu cũng được thừa lộc ».
Không câu nệ « ăn » Tết, anh Thắng và vợ, làm việc tại Hàn Quốc, lại muốn dành thời gian nghỉ ngơi vì đồ ăn có thể dễ dàng đặt trên mạng, giao đến tận nhà :
« Tết bên này chỉ nghỉ ngày mồng 1. Từ mồng 2 trở đi cũng hoạt động trở lại bình thường, nên nếu có bạn bè rủ nhau ăn uống thì cũng có thể ra ngoài ăn được ».
Thiện, một thanh niên làm việc trong ngành xây dựng, đón Tết xa quê với đồng nghiệp người Việt nhưng tuân thủ quy định cấm tụ tập đông người :
« Vì dịch bệnh nên nói chung đón Tết chắc cũng với ít người, nhỏ lại, không như mọi năm, mình có thể tụ tập, ăn uống, đi chơi thoải mái, đi mua sắm bình thường. Nhưng năm nay, do dịch bệnh nên cấm tụ tập trên 5 người nên cũng không được thoải mái như các năm trước ».
Hàn Quốc đón rất nhiều du học sinh Việt Nam và thường về nhà vào dịp Tết. Lần đầu đón Tết xa nhà trong bối cảnh dịch bệnh, Huy đặt mua một số món ăn truyền thống Việt Nam, nhưng với chàng sinh viên trường đại học Khoa học Quốc gia Seoul, điều quan trọng là phải giữ được tinh thần lạc quan :
« Nói chung cũng không phấn khởi cho lắm. Về tâm lý, tất nhiên năm ngoái là 100% còn năm nay không được 100%, mà mình sẽ vẫn phải thích nghi thôi, không có lựa chọn nào khác ».
Hương, sinh viên được học bổng sau đại học, cũng mua chiếc bánh chưng, khúc giò để bớt phần nào nỗi nhớ khi nhìn những tấm ảnh Tết trước đó ở Việt Nam.
« Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ không khí Tết, đồ ăn truyền thống của Việt Nam vào ngày Tết. Để chuẩn bị cho Tết năm nay ở đây, thực ra cũng không có gì nhiều bởi vì ở bên này, mình cũng không thể nào mua được đào, quất hay đồ trang trí nhà cửa ngày Tết được, nên em cũng chỉ mua một chút bánh chưng với cả khúc giò để có mâm cơm ngày Tết để gợi nhớ lại ngày Tết ở Việt Nam ».
Nhìn chung với các sinh viên và người lao động Việt tại Hàn Quốc, Tết tại Hàn không phải là một dịp lễ quan trọng như ở quê nhà. Tuy nhiên, với nhiều cô dâu Việt, mặc dù luôn coi Hàn Quốc là quê hương thứ hai, nhưng việc không thể đưa con cháu về Việt Nam để tận hưởng không khí háo hức, vui tươi của Tết Nguyên đán, thực sự đem đến những cảm xúc khó tả ».
Người Việt tại Singapore chuẩn bị củ kiệu, dưa món đón Tết
Là một nước Đông Nam Á với đa số là người gốc Hoa, Tết Nguyên đán là một ngày lễ quan trọng ở Singapore. Thông tín viên Quỳnh Nguyễn nói về không khí Tết tại đảo quốc Sư Tử :
« Năm nay, người dân Singapore đón năm mới trong dè dặt và cẩn trọng. Mỗi gia đình chỉ được phép đón tiếp 8 người trong 1 ngày. Mọi người sẽ phải sắp xếp lịch thăm viếng nhau cho phù hợp. Khu vực Chinatown đã được trang hoàng để đón Năm mới, mặc dù không có hội chợ Tết, và có rất ít các gian hàng bán đồ Tết.
Vào dịp Tết những năm trước, nhiều người Việt ở Singapore đã về nước, đoàn tụ gia đình, chuẩn bị đón năm mới. Năm nay, cho dù chính phủ đã tổ chức nhiều chuyến bay cứu trợ đưa dân về nước, nhưng còn rất nhiều người vẫn không thể về được.
Chị Mai Khanh, qua thăm gia đình vào tháng 03/2020, chuyến đi dự định dài 3 tuần đã kéo dài thành 1 năm và chị cũng chưa biết khi nào sẽ được về. Chị sẽ trải qua cái Tết đầu tiên ở Singapore :
« Nói chung, năm nay vì dịch bệnh, không về Việt Nam được nên ở đây ăn Tết với gia đình em gái, thì thấy Tết bên đây cũng nhộn nhịp, người dân cũng mua sắm bông, hoa. Nhà mình cũng muốn mua đào, mua cúc để trưng cho có không khí Tết. Rồi nhà cũng gởi đồ từ Việt Nam qua, nào là bưởi này, hạt dưa, hạt bí, bánh tráng. Nói chung là đủ thứ mứt, nhất là mứt chùm ruột nữa nha, rồi mứt dừa ».
Các nhóm bạn tụ tập để làm bánh chưng, bánh tét chung với nhau. Chị Mai Khanh cũng chuẩn bị một vài món ăn truyền thống ngày Tết :
« Trước Tết, mình làm củ kiệu, dưa món, dưa cải, kim chi. Khoảng 28 Tết, mình kho thịt, kho trứng, rồi măng nấu giò heo. Đến 30 Tết, làm khổ qua, cá thác lác. 28 Tết mình cũng bắt đầu gói bánh chưng, bánh tét. Trước đó, cỡ 26 Tết, nhà cũng làm bánh thơm, kẹo đậu phộng ».
Ai không muốn tự làm các món ăn đều có thể đặt mua dễ dàng. Có nhiều gian hàng tạp hóa của Việt Nam nằm rải rác ở Singapore ».
Chị Mai Khanh chuẩn bị đồ ăn đón Tết Tân Sửu 2021 tại Singapore. © © RFI / Tiếng Việt / Quỳnh Nguyễn
Tết Tân Sửu của Cộng đồng Người Việt ở Úc trong đại dịch
Ngược xuống Nam bán cầu, thông tín viên Hoàng Hằng tại Sydney cho biết cộng đồng người Việt Nam đón Tết Nguyên Đán ở Úc trong ánh nắng hè chói chang thay vì chìm trong những tia nắng vàng dịu nhẹ của mùa Xuân Việt Nam.
« Tết vẫn luôn là thời khắc gợi nhiều cung bậc cảm xúc thiêng liêng nhất trong tâm khảm của những người con mang hồn Việt dù họ là ai, đang sinh sống ở bất kỳ nơi đâu trên địa cầu. Những giây phút mong ngóng để được về trở về quê hương trong những ngày Tết; hay miên man khắc khoải với những hoài niệm in dấu Tết Việt xưa; hay nổi đau đáu mong mỏi tổ chức để lưu giữ những phong tục tập quán ngày Tết cho thế hệ trẻ là nỗi lòng chung của những người con Việt Nam tại Úc trong tình cảnh đại dịch toàn cầu năm nay.
Úc đã và đang trải qua một năm đầy khó khăn và bất ổn, mặc dù vậy, không khí tấp nập bán mua vẫn len lỏi trong từng gian hàng ở các khu chợ Việt như mọi năm: Cabramatta, Bankstown, Marrickville, Footscray, Springvale… Những hương sắc ngày Tết sum vầy, đầm ấm, thiêng liêng vẫn được các gia đình Việt gìn giữ và phát huy bằng nhiều cách khác nhau.
Tết Tân Sửu, 2021, đánh dấu năm thứ hai, cộng đồng Việt nam tại Úc cùng với nhiều sự hỗ trợ đã vận động thành công cách gọi “Lunar New Year” thay vì “Chinese New Year”. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn không chỉ đối với cộng đồng người Việt mà còn các sắc tộc Á Châu khác đang sinh sống trên xứ sở chuột túi xinh đẹp mỗi độ Xuân về.
Với gần 300,000 người Việt sinh sống chủ yếu ở hai thành phố lớn Sydney (New South Wales) và Melbourne (Victoria), Hội chợ Tết là một trong những sự kiện văn hóa đặc trưng, có ý nghĩa kết nối cộng đồng dành riêng cho bà con người Việt tham gia đón Tết hàng năm. Lễ hội văn hóa này thu hút hàng triệu du khách tham gia với các gian hàng ẩm thực Á Châu, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, múa lân... Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của virus corona và vẫn phải tuân thủ các biện pháp giới hạn, nhiều sự kiện cộng đồng Việt Nam ở các tiểu bang, vùng lãnh thổ bị hủy bỏ, hoặc thu nhỏ quy mô tổ chức hoặc được chuyển sang hình thức trực tuyến.
Tại Sydney, tuân thủ những giới hạn và đảm bảo an toàn cho mọi người, cộng đồng không tổ chức Hội chợ Tết ở Fairfield hay Bankstown như mọi năm. Thay vào đó, với mong muốn duy trì, tôn vinh bản sắc truyền thống Tết Việt và gắn kết mối quan hệ cộng đồng, Lễ đón Xuân sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Cộng Đồng vào ngày 13/02/2021. Ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do NSW, cho biết :
« Tuân thủ theo các biện pháp của bộ Y Tế đưa ra về đại dịch, chúng tôi không thể tổ chức được Hội chợ Tết như bình thường, với quy mô lớn như hàng năm. Nhưng để giữ không khí của chợ Tết, năm nay thay vào đó, chúng tôi sẽ tổ chức buổi lễ đón Xuân. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể, những trang trí lộng lẫy, không khác gì những năm trước vào dịp Tết. Năm nay chúng tôi cũng làm tương đương như vậy, với một mô hình nhỏ hơn, nhưng không kém phần quan trọng, cũng đầy đủ tất cả yếu tố để cho đồng hương đến cảm thấy được có một mùa Xuân khá là trọn vẹn trong mùa đại dịch này ».
Tại Melbourne, nhóm các nhà lãnh đạo trẻ cộng đồng người Việt Victoria đã nỗ lực mang linh hồn của mô hình Hội chợ Tết hàng năm vào Chương trình Hội Chợ Tết Tân Sửu trực tuyến phát sóng cuối tuần 6 và 7/02/2021.
Chương trình bao gồm một số đoạn phim tài liệu ngắn về văn hóa Việt Nam và phong tục Tết cổ truyền, biểu diễn văn nghệ, trình diễn nấu ăn, biểu diễn múa lân, đốt pháo, các sinh hoạt nghệ thuật và thủ công dành cho trẻ em, cũng như hàng loạt các cuộc thi hấp dẫn khác. Chương trình thu hút hàng chục ngàn người xem trực tuyến qua website, Youtube và Facebook.
Ngoài ra, dù phải tuân thủ các giới hạn, cộng đồng người Việt không kém phần háo hức đợi chờ tham gia một số chương trình sự kiện văn hóa đa sắc tộc trên khắp các tiểu bang và vùng lãnh thổ Úc Châu bắt đầu diễn ra từ tuần thứ 2 của tháng 2/2021 ».
Thu Hằng
RFI
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC