Giống như mọi người Việt Nam đang sinh sống học tập và làm việc tại LB Nga, cộng đồng khoảng 1.500 người Việt tại thành phố Vladivostok (tỉnh Primorie), thủ phủ vùng Viễn Đông nước này hơn 1 năm qua đã trải qua những ngày tháng khó khăn khi Nga là một trong những quốc gia "điểm nóng" dịch bệnh.
Tuy nhiên, chính những hoạt động phòng chống dịch và vượt qua khó khăn trong thời gian qua đã cho thấy cộng đồng người Việt tại LB Nga nói chung cũng như tại Vladivostok nói riêng là một khối đoàn kết, giàu tinh thần tương thân, tương ái, đồng thời giúp nâng cao hình ảnh của cộng đồng người Việt Nam trong mắt bạn bè Nga.
Có 3 ngành nghề chính phổ biến trong cộng đồng người Việt tại Vladivostok là kinh doanh ở các chợ, lĩnh vực xây dựng và dịch vụ làm đẹp.
Giãn cách xã hội là điều bắt buộc trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thậm chí dịch vụ làm đẹp đã có lúc buộc phải đóng cửa khi dịch bệnh này lây lan rộng, khiến các chủ cửa hàng người Việt gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như không có nguồn thu nhập nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, trả lương cho các nhân viên và duy trì cuộc sống gia đình. Khi chính quyền địa phương cho phép các hiệu cắt tóc được mở cửa trở lại thì những khó khăn vẫn còn chất chồng.
Sử dụng khẩu trang và diệt khuẩn thường xuyên là biện pháp hiệu quả phòng dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Nga nói chung và tỉnh Primorie nói riêng mấy tháng gần đây đang có xu hướng được cải thiện, với số ca mắc mới giảm từng ngày và ít hơn số ca khỏi bệnh, số người tiêm vaccine phòng COVID-19 ngày một tăng (đạt mức 4 triệu lượt), các ngành dịch vụ bắt đầu có cơ hội dần khôi phục hoạt động, trong đó có dịch vụ làm đẹp. Các số liệu mới nhất thực sự khiến cả chủ và khách của các dịch vụ làm đẹp đều yên tâm hơn, khi số ca dương tính với virus SARS-COV-2 trên toàn lãnh thổ LB Nga đã lần đầu tiên thấp hơn 10.000 trường hợp trong nhiều tháng qua, riêng tỉnh Primorie chỉ phát hiện hơn 70 ca nhiễm mới trong ngày 9/3.
Khôi phục hoạt động trong điều kiện bình thường mới như vậy, các cửa hàng làm đẹp của bà con người Việt tại Vladivostok như cắt tóc, gội đầu, làm móng... đã xác định những việc cần làm, trước hết là chấp hành tốt các quy định của chính quyền sở tại về đảm bảo an toàn phòng dịch, chủ động phát khẩu trang miễn phí, cung cấp dung dịch sát khuẩn ở vị trí thuận lợi, đo nhiệt độ cho khách hàng trước khi mời vào salon. Bên cạnh đó, những cửa hàng này cũng xác định việc cần chuyên nghiệp hóa dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, đầu tư thiết bị, dụng cụ và đào tạo nhân viên bài bản, đổi mới hình thức phục vụ… Nhưng quan trọng nhất là phải tạo niềm tin cho khách về an toàn vệ sinh dịch tễ cũng như vấn đề phòng chống cháy nổ, chỉ như thế mới thu hút được khách hàng trở lại với dịch vụ của mình.
Đảm bảo phòng dịch cho khách hàng cần trở thành ưu tiên của các hiệu chăm sóc sắc đẹp. Ảnh: TTXVN phát
Trao đổi với phóng viên , anh Nguyễn Văn Đạt, người đã sinh sống và làm việc 20 năm tại Nga, chủ chuỗi cửa hàng làm đẹp “Vanil” ở Vladivostok, chia sẻ:
“Đã xác định làm ăn lâu dài tại Nga, ngay từ đầu chúng tôi luôn cố gắng chấp hành tốt pháp luật sở tại cũng như các quy định của chính quyền, trước hết là trong phòng chống dịch COVID-19 như đảm bảo khoảng cách 1,5m, sử dụng khẩu trang, găng tay, diệt khuẩn thường xuyên.
Việc đó không chỉ đáp ứng yêu cầu của chính quyền, mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính chúng tôi. Với gần 20 nhân viên phục vụ mỗi ngày cả trăm lượt khách hàng, trong suốt thời gian bùng phát dịch bệnh vừa qua, không có nhân viên nào trong chuỗi 3 salon của “Vanil” bị mắc bệnh. Chúng tôi xác định phải cố gắng đảm bảo phòng dịch một cách tối đa. Với 90% khách hàng là người bản xứ, ban đầu, một số khách không chịu đeo khẩu trang, nhưng chúng tôi đã kiên trì giải thích và khi họ hiểu ra thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn".
Chuyên nghiệp hóa dịch vụ chăm sóc sắc đẹp là xu hướng tất yếu. Ảnh: TTXVN phát
Anh Đạt cũng cho biết:
"Nếu một người nhiễm bệnh là chúng tôi phải đóng cửa ít nhất 14 ngày. Mặc dù việc chữa bệnh COVID-19 được chính quyền Nga đảm bảo miễn phí, nhưng để duy trì cuộc sống, trả lương cho nhân viên (từ 7 đến 11 triệu đồng/tháng) là cả một vấn đề lớn. Chúng tôi xác định phải cố gắng đảm bảo phòng dịch một cách tối đa".
Anh Nguyễn Anh Nam, một người đã gắn bó với mảnh đất Vladivostok hơn 10 năm nay, chia sẻ về triển vọng phát triển của dịch vụ làm đẹp trong giai đoạn hậu COVID-19: "Với cuộc sống hiện đại ngày nay, chuyên nghiệp hóa là một xu hướng tất yếu. Bên cạnh mức giá phải chăng, các dịch vụ làm đẹp tại Vladivostok cũng cần chú ý hơn đến khâu tiếp cận khách hàng, thái độ phục vụ, đặc biệt không được chủ quan trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng, dù tình hình dịch bệnh đang tiến triển tốt lên".
Dung dịch sát khuẩn luôn được bố trí ở vị trí thuận lợi cho khách hàng. Ảnh: TTXVN phát
Ở Nga, những người như anh Nam, anh Đạt luôn có sự đồng hành của Mạng lưới người Việt tại Nga chống đại dịch COVID-19, được Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga thành lập tháng 4 năm ngoái nhằm hỗ trợ người Việt ở Nga chống dịch. Đây là mô hình kết nối sức mạnh giữa cơ quan đại diện và cộng đồng trong việc hỗ trợ cộng đồng người Việt phòng chống COVID-19.
Mạng lưới đã hình thành 5 nhóm công tác với nòng cốt là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cùng với các thành viên tích cực trong cộng đồng, cũng như sự tham gia của đội ngũ y, bác sĩ đang sinh sống, học tập và làm việc tại LB Nga cũng như tại Việt Nam.
Suốt gần 1 năm qua, thông qua việc kết nối người Việt tại các tỉnh, thành phố của Nga, từ Moskva, St. Peterburg, Kazan tới Voronezh hay vùng Viễn Đông, hoạt động của mạng lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga vượt qua đại dịch.
Mạng lưới người Việt tại Nga chống COVID-19 đã đoàn kết, phát huy được sức mạnh tập thể, giúp đỡ được nhiều cá nhân và gia đình có nhiều khó khăn, hoạn nạn, đồng thời làm tốt công tác ngoại giao nhân dân, tăng thêm hình ảnh đẹp của người Việt trong lòng nhiều người Nga.
Từ những tâm sự chân thành của những người Việt đang sinh sống và làm ăn ở mảnh đất Viễn Đông xa xôi của nước Nga, có cơ sở để hy vọng trong bối cảnh bình thường mới, các doanh nhân, tiểu thương, bà con người Việt làm dịch vụ tại Nga sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng đi mới để vượt qua giai đoạn khó khăn, xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh và đoàn kết, luôn hướng về quê hương, đất nước.
Hồng Quân
Nguồn: baotintuc.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC