Đối với những người dân Việt Nam, Tết nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm, tiễn đưa năm cũ và chào đón một năm mới đến. Tết là dịp cho mọi người sum họp và đoàn tụ, dù đi xa đến đâu, có công việc như thế nào thì đều cố gắng “về nhà”….
Nhưng với tôi, đó là một niềm mong mỏi không thể nào thực hiện được, khi đang ngồi gõ những dòng này ở một nơi cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất, nước mắt tôi không biết tự khi nào đã thẫm ướt đẫm cả chiếc máy tính…
Tết – chỉ một chữ thôi nhưng đối với những người con xa quê hương như tôi thì nó thật thiêng liêng biết mấy. Tết – đó là dịp những người con dù ở đâu trên thế giới này đều hướng về một nơi – nguồn cội.
Vậy mà không hiểu sao có một số người lại có ý muốn bỏ Tết. Có lẽ, họ sẽ không bao giờ thấy trân trọng cái Tết như những người con xa quê như chúng tôi.
Lại một mùa Táo quân nữa lại đến – như cách báo hiệu một năm mới nữa đã về
Một điều trong 1001 những điều làm nên một cái Tết ở Việt Nam không thể nào không nhắc đến Táo quân. Đây có thể được coi là một chương trình quốc dân, chương trình mà mọi người dân Việt Nam đều mong chờ vào ngày 30 Tết. Cả nhà quây quần bên mâm cơm, xem Táo Quân, chầm chậm đón chờ chiều cuối năm sắp qua đi….
Thấy Táo quân là thấy Tết!
Bên này bán cầu, không khí ấy hình như cũng đang được bủa vây. Ngồi lướt newfeed Facebook, khắp các bảng tin đến các trang báo lớn, nhỏ đều ngập tràn tin tức về Tết, bữa cơm tất niên, giao thừa,.. khiến cho tôi cồn cào lên nỗi nhớ nhà.
Đối với những du học sinh như tôi. Tết – đó chỉ là những bữa tiệc online trên facebook, Zalo, Instagram. Đó chỉ là những hình ảnh góp nhặt được gửi từ bạn bè, người thân, động viên chúng tôi – Tết sau sẽ về nhé!
Có lẽ, những ngày bình thường dù có cảm thấy cô đơn, chạnh lòng bao nhiêu thì chắc hẳn cũng sẽ không bao giờ tôi cảm thấy thật tủi thân, cô đơn, hụt hẫng như một ngày chiều cuối năm như hôm nay.
Chầm chậm như một thước phim – Ngày này của 4 năm về trước…
Đường xá giờ nào tấp nập quá. Chợ Tết hôm 30 thật rộn rã. Lũ trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới, cười vang một góc chợ. Bên kia, đào, quất rực rỡ khoe sắc màu. Năm mới đến ai cũng hân hoan, vui vẻ.
Chiều 30 nhớ nồi nước mùi hương nhu, vỏ bưởi lẫn mùi già… thường gội đầu và tắm tất niên mà mẹ nấu cho, nhớ lúc hai mẹ con lúi húi cùng nhau nấu bữa cơm tất niên, nhớ nồi măng của mẹ, nhớ phút giao thừa bên cậu ấy. NHỚ…..
Cảm giác như rất gần thế nhưng lại không chạm được đến. Dù ở đây, sau khi tan học, tôi cũng ra quán bán đồ Việt Nam mua gà và bánh chưng về ăn cho đỡ thèm thuồng cái hương vị quê hương. Dù ở đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, tôi cũng có thể xem trực tiếp được Táo quân.
Thế nhưng dù có được “mô phỏng” giống cỡ nào thì vẫn không thể nào thay thế được cái “mùi Tết” quê nhà KHÔNG BAO GIỜ lẫn được.
Chiều 30 là nhà nhà quây quần bên mâm cơm Tết, cùng xem táo quân
Nhớ niềm háo hức đi sắm đồ trang hoàng nhà cửa, niềm hạnh phúc những ngày cuối năm tỉ mỉ gói bánh chưng rồi kiên nhẫn trông nồi bánh chưng, được tự tay vớt chiếc bánh chưng mà mình gói ra.
Nhớ cái mùi hương thoang thoảng, không khí se se lạnh, bỗng đâu lất phất những hạt mưa phùn.
Nhớ cái mùi của những đào, quất, hay những phong bao lì xì. Lũ trẻ con dắt díu nhau đi chúc Tết, mọi người được nghỉ xả hơi sau một năm làm việc bận bịu và vất vả.
“Ôi nhớ chiều ba mươi Tết, chen giữa đào hoa tươi thắm, đường phố đông vui chờ đón Tân niên, là phút thiêng liêng lắng nghe thơ người.
Con chỉ muốn được đón giao thừa ở VIỆT NAM!
Nguồn: Tin nhanh online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC