Ông Việt Nam ‘kẹt’ ở Mỹ, mòn mỏi chờ đợi ngày về

Ông Việt Nam ‘kẹt’ ở Mỹ, mòn mỏi chờ đợi ngày về

Là một trong số hàng chục ngàn người Việt Nam sang Mỹ và “bị kẹt,” chưa được trở về nhà vì đại dịch COVID-19, những ngày này, ông Nguyễn Phương có cảm giác như… bị giam lỏng.

1 Ong Viet Nam Ket O My Mon Moi Cho Doi Ngay Ve

Hết tiền xài, visa sắp hết hạn, không tự lái xe được, thức ăn không phù hợp, ông Phương đang rơi vào bế tắc, trong khi dịch bệnh lại đang bùng phát.

Câu chuyện dưới đây của ông Phương, chắc hẳn không phải cá biệt.Người tính không bằng Trời tính

Phóng viên nhật báo Người Việt tìm đến ngôi nhà ông Nguyễn Phương đang trú ngụ, thuộc thành phố Westminster, California, ngay trong khu Little Saigon.

“Tôi dân Sài Gòn, qua tới đây ở khu vực toàn người Việt, cũng giống như ở Sài Gòn vậy, nhưng tôi luôn trong tâm trạng bất ổn,” ông Phương nói.

Khi COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, vào đầu Tháng Giêng, tình hình dịch bệnh chưa đến nỗi căng thẳng như hiện nay. Vả lại, ai cũng nghĩ bay sang một đất nước tân tiến như Hoa Kỳ là an toàn nhất rồi.

Ông Phương cũng nghĩ vậy. Vì thế, ông liền mua vé bay sang California thăm thân nhân như đúng dự trù.

Ngày 10 Tháng Hai, ông Phương đặt chân đến phi trường quốc tế Los Angeles.

Ông kể: “Tại phi trường, nhân viên quan thuế Hoa Kỳ đóng mộc cho tôi lưu trú tại Mỹ trong vòng tối đa sáu tháng, có nghĩa tôi phải rời Hoa Kỳ trước ngày 9 Tháng Tám, nếu không muốn gặp phiền phức sau này do ở quá hạn. Nhưng thật ra tôi cũng chỉ tính qua Mỹ chơi tới cuối Tháng Ba là trở về, vì công chuyện ở nhà, tôi không thể vắng mặt lâu được.”

Ông Phương tính vậy, nhưng vào cuối Tháng Ba, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nước Mỹ “đóng cửa,” Việt Nam cũng không cho các chuyến bay từ ngoại quốc vào, ông Phương bắt đầu cảm thấy lo lắng, vì ở trong tình thế “nội bất xuất, ngoại bất nhập.”

Qua Tháng Tư, ông mừng rỡ đọc được tin trên tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco thông báo: “Đối với các công dân Việt Nam hiện đang cư trú tại các tiểu bang California, Washington, Hawaii, Oregon, Arizona, Utah, New Mexico, Colorado, Idaho, Wyoming, và Alaska thực sự có nhu cầu trở về nước trong thời điểm hiện tại vì lý do bất khả kháng, trong trường hợp không còn đường bay để về Việt Nam, đề nghị đăng ký nhu cầu theo đường dẫn dưới đây. Trên cơ sở nhu cầu đăng ký của công dân, tổng lãnh sự quán sẽ phối hợp, thông báo về cơ quan chức năng ở trong nước để cân nhắc phương án bố trí đường hàng không (theo các chuyến bay thương mại) đưa công dân về Việt Nam trong thời gian tới.”

Theo hướng dẫn, ông Phương vội vã vào ghi danh, “nộp đơn,” và… chờ đợi.

Vào thời điểm này (Tháng Tư), Hoa Kỳ đã đứng đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19 (2.4 triệu ca) và ca tử vong (122,000 người).

Suốt hai tháng kể từ ngày ghi danh, ông Phương ngày nào cũng kiểm tra email, vào trang web của tổng lãnh sự quán, nhưng chẳng có gì mới. Rất nhiều lần ông gọi điện thoại trực tiếp đến cơ quan ngoại giao này, và lần nào ông cũng chỉ nhận được câu trả lời rất ngắn gọn: “Chú cứ chờ đi nhé!”2 Ong Viet Nam Ket O My Mon Moi Cho Doi Ngay VeBệnh!

Theo quy định, khi đến Mỹ du lịch, ông Phương phải mua bảo hiểm y tế, giá $700 trong vòng sáu tháng. Ông cho biết do có một số bệnh trong người, tuy không nặng, nhưng có bảo hiểm y tế khiến ông cảm thấy yên tâm hơn.

“Lúc mua bảo hiểm, tôi hy vọng không cần dùng đến,” ông Phương nói.

Vừa pha ly trà gừng, ông Phương vừa kể: “Ở Việt Nam tôi hay uống thuốc bắc. Cũng may quanh khu Bolsa bán không thiếu thứ gì, thuốc bắc, thuốc nam gì cũng có.”

“Ngặt một điều, giá thuốc bắc ở đây đắt gấp năm lần bên Việt Nam. Nhưng đắt thì đắt, tôi vẫn phải mua uống. Gần đây tôi chuyển sang châm cứu, mỗi tuần ba lần, mỗi lần $30. Phải chịu thôi, chứ đau nhức lắm, chịu không nổi,” ông than.

“Còn bảo hiểm y tế đã mua rồi thì sao?”

Ông cười buồn, trả lời: “Tôi ít dùng thuốc tây. Vả lại, vào lúc tôi bị đau nhiều là dịch đang bùng phát, bác sĩ không khám trực tiếp cho bệnh nhân, mà vô nhà thương thì phải đóng thêm $1,000 và lại sợ ‘dính’ COVID-19.”

Lòng dạ như lửa đốt

Ông Phương tâm sự, những lần qua Mỹ ông cũng chỉ ở loanh quanh khu Little Saigon, ngày ngày nhìn thấy lá cờ vàng, lại nhớ đến người cha quá cố là một quân nhân VNCH, phóng viên chiến trường tử nạn trên chiếc phi cơ cùng Đại Tướng Đỗ Cao Trí vào đầu năm 1971.

“Tôi còn người mẹ già năm nay cũng 90 tuổi, đi lâu thế này lo lắm. Ở Việt Nam, tôi điều hành một trường mầm non tư nhân. Mới đây các trường bên Việt Nam được mở cửa trở lại, rất nhiều thứ phải chuẩn bị, nên tôi ngồi đây mà lòng dạ như lửa đốt,” ông nói.

Đầu Tháng Bảy, nghe tin Việt Nam chuẩn bị “mở cửa” nhận công dân trở về nước, ông Phương nôn nóng, liên tiếp hối thúc người em tìm mua vé về Việt Nam.

Ông Nguyễn Vinh, em của ông Phương, nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Ông anh tôi chấp nhận về Việt Nam dù phải bị cô lập 14 ngày. Tôi liên lạc hai ba nơi bán vé ở khu Bolsa. Lúc đầu có chỗ chịu bán vé từ ngày 2 Tháng Tám trở đi, nhưng họ không chắc chắn là tới ngày đó có bay được không. Tôi chần chừ. Hơn tuần sau, thấy ông anh nôn nóng quá, nên tôi gọi lại các đại lý. Lúc này không có chỗ nào bán nữa. Ai cũng nói phải chờ thôi.”

Trong khi đó, một số người “chào mời” ông Phương vé về Việt Nam với giá $2,500 tới $3,000, nhưng cũng không hứa hẹn ngày nào được bay.

“Tiền đâu mà mua vé đắt như thế! Hơn nữa, có thể đây là ‘đường dây’ lừa đảo, nên tôi không liên lạc với họ,” ông Phương nói.

Mới đây, trên trang web tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco có thông báo, khuyến cáo công dân Việt Nam: “Tạm thời không di chuyển trong nội địa Hoa Kỳ và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay cho đến khi tình hình ổn định hơn; trong trường hợp bất khả kháng, cần thận trọng cân nhắc kỹ việc khởi hành, chuẩn bị sẵn phương án dự phòng cho khả năng bị hoãn, hủy chuyến bay và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, tránh rủi ro lây nhiễm trên các phương tiện giao thông công cộng.”

Đọc xong thông báo, ông Phương càng thêm sốt ruột.3 Ong Viet Nam Ket O My Mon Moi Cho Doi Ngay Ve Nỗi lo thành người cư trú bất hợp pháp

“Vì không chuẩn bị tài chính cho một chuyến đi dài thế này, nên sau hơn bốn tháng, tài khoản trong nhà băng của tôi không còn, chưa tính chi phí chữa bệnh toàn đi vay mượn. Tôi không biết sự chờ đợi mòn mỏi này kéo dài đến khi nào,” ông Phương nói.

Mấy tháng qua, cuộc sống hàng ngày của ông Phương chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc bốn bức tường trong phòng, điện thoại, Facebook, chăm sóc vườn cây nhỏ sau nhà người em, và thời gian dài nhất là… ngủ, vì chẳng có chuyện gì khác để làm.

Cũng may mà gần tháng nay, kể từ khi California được mở cửa từ từ, ông Phương có cách “giết thời gian” là ra quán cà phê ngồi ngắm người đi qua, kẻ đi lại.

Ăn uống cũng là vấn đề nan giải đối với ông Phương.

Canh chua, cá kho tộ là món ăn ông ưa thích nhất, nhưng từ ngày sang Mỹ, chưa ngày nào ông được thưởng thức đúng vị của món khoái khẩu này.

Việc đi lại cũng rất bất tiện, vì dù gia đình người nhà có xe dư, nhưng do không có bằng lái xe nên ông Phương không dám lái. Mỗi lần đi đây đi đó, ông đều phải nhờ người em, hoặc các cháu.

Và điều quan trọng không kém chính là visa của ông Phương sẽ hết hạn vào đầu Tháng Tám tới đây.

“Nếu tới ngày hết hạn visa mà tôi chưa rời Hoa Kỳ, có nghĩa tôi trở thành người cư trú bất hợp pháp. Điều mà tôi không muốn,” ông Phương cho biết.

Điều ông Phương mong muốn nhất hiện nay là sớm được trở về Việt Nam, vì gia đình và tài sản của ông là ở đó.

“Hết tiền, visa sắp hết hạn, ăn uống khó khăn, đi không được, ở cũng không xong, trong khi công chuyện ở nhà chẳng ai lo. Tôi rất mệt mỏi khi phải mòn mỏi chờ đợi thế này,” ông nói một cách buồn bã.

Sau bảy tháng, toàn nước Mỹ đã có hơn 4 triệu người nhiễm và gần 150,000 người chết vì COVID-19. Dịch bệnh làm huynh đảo cuộc sống của mọi người, trong đó có du sinh, và du khách như ông Phương.

Tuy lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười,” ông Phương vẫn nuôi hy vọng ngày Việt Nam mở cửa trở lại, để ông có thể trở về. [đ.d.]


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan