Phận người nơi xa xứ: Tết buồn

Phận người nơi xa xứ: Tết buồn

Chị buồn tê tái. Bây giờ nhìn chị, tóc bạc gần hết cả mái đầu, chân tay yếu... chả ai nhớ, hay ngờ được đây là người con gái xuân sắc, đã từng để bao anh theo đuổi.

1 Phan Nguoi Noi Xa Xu Tet Buon

Nhờ có người quen, họ hàng xa, xin cho chị vào làm công nhân quốc phòng, với chân "nấu ăn" ở một xí nghiệp quân đội. Thế rồi, thế nào mà chị lại đồng ý làm vợ anh "tiếp phẩm", hơn chị tới cả con giáp, cùng đơn vị.

Hai vợ chồng được phân căn phòng chưa tới chục mét vuông ở khu gia binh... khi đứa con trai đầu lòng ra đời, cảnh sống của gia đình chị thật tù túng, chật chội.

2 Phan Nguoi Noi Xa Xu Tet Buon

Cây thông không sợ tuyết

Chị lại quyết định "thoát ly" lần nữa, chị để chồng con ở nhà, chị xin đi xuất khẩu lao động, sang Nga. Lúc mới sang Tây, do thay đổi môi trường, khí hậu, ăn uống tốt... chị như đẹp hơn, "gái một con mòn con mắt".

Nhiều anh chàng cùng nhà máy ở Nga, nơi chị làm công nhân, đã có vợ và cả "trai tơ" đến theo, tán tỉnh chị. Họ nhiệt tình, mua tặng chị cái này cái kia, giúp trang trí, sửa phòng ở nơi kí túc xá... nhưng chị chưa nhận lời ai. Các anh "giãn" ra dần, chỉ còn có "Phong" là người cùng quê, vẫn kiên trì, chưa chịu bỏ cuộc.

Phong kể với chị... anh là người có vợ có con rồi, nhưng không được hạnh phúc, nên bỏ sang Nga, đi lao động kiếm tiền, ôm mộng làm giàu.

Phong đối với chị luôn nhẹ nhàng, ga lăng, ngoài thời gian ở nhà máy, anh ta còn chạy chợ, đặt hàng kí gửi, mua hàng giá rẻ để gửi về Việt Nam.

Phong thường rủ chị đi cùng để săn hàng "bàn là ấm điện", chỉ dẫn cho chị cách làm ăn, Phong bảo - Quý mến, tin tưởng chị, một người "đồng hương" nơi đất khách.

Chưa tới một năm, Tết đầu tiên xa nhà, ở nơi miền đất lạnh, chị nhận được tin - Ở Ta, chồng mình cặp kè với người khác. Chị buồn lắm.

...

Thế là chị đã "cặp" với Phong được hơn hai năm, từ sau lúc anh chồng ở bên Ta, ký đơn li dị. Nhìn chị với Phong, chả ai bảo là "bồ bịch", vì hai người đẹp đôi, tình tứ, luôn chiều chuộng lẫn nhau... thể hiện cả ở chỗ nhiều người. Phong hết hạn hợp đồng lao động trước chị một năm. Trước khi Phong về, chị dồn tiền để Phong đóng hàng, gửi hàng biển (Công ten no), với niềm tin hy vọng vào lời hứa "Tết năm sau, anh sẽ cưới em..." của Phong. Phong về Ta, đã mấy tháng rồi mà chả có tin tức gì... Tết đến, chị nghe tin từ bạn bè, về cùng đợt với Phong "Phong đang sống vui vẻ với gia đình, với vợ con của mình...". Chị sốc và buồn khổ lắm.

...

Đã bao cái "Tết buồn" với chị ở nơi xứ lạnh... chị chả tính đếm nữa. Sau cú sốc với Phong, hết hợp đồng lao động, chị quyết định ở lại Nga làm ăn, vì về Việt Nam, thì đối diện làm sao được với những "éo le" đời mình.

Ở Nga, chị làm đủ thứ việc, cũng "cặp" qua lại đôi người nữa, nhưng chỉ sơ, không thân, kiểu góp gạo thổi cơm chung, thế thôi. Thời gian cứ trôi trôi, chị quá lứa mất rồi. Tết này chị chỉ một mình, vẫn đón năm mới ở Nga... chị biết về Ta, cũng chả ai đón Chào chị nữa.

Có lần về chơi, chị muốn đến thăm đứa con trai, mà nhà chồng cũ cũng từ chối. Dành dụm được ít tiền, gửi về cho cô em giữ hộ, nghĩ là sẽ có cái "sổ hưu" để dưỡng già, nào ngờ cô em chơi đào "tiền ảo" mất cả, cũng "mất liên lạc" luôn.

Có lẽ vẫn còn nơi để chị đến, để tìm chỗ "nương tựa"... chị nghĩ tới "Niệm Phật Đường", nơi cộng đồng người Việt ở đây tu tập, sinh hoạt Đạo tràng, trao đổi giao lưu kiến thức về Phật Pháp. Chị sẽ đi, rồi sẽ an vui thôi mà!

Theo Chuyện Làng quê

Vũ Xuân Trường


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan