Bà Trần Tố Nga (ngoài cùng bên phải). (Ảnh: Linh Hương/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, chiều ngày 30/1, hàng trăm người đã tập trung tại thủ đô Paris-Pháp để bày tỏ sự ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxine trong Chiến tranh Việt Nam, sau khi Tòa đại hình thành phố Evry (ngoại ô Paris) có phiên tranh tụng vụ kiện của bà Trần Tố Nga, người Pháp gốc Việt, chống lại các công ty sản xuất chất khai quang độc hại mà quân đội Mỹ đã sử dụng.
Bà Trần Tố Nga, 78 tuổi, đã nhiễm chất độc da cam vào năm 1966, khi bà là phóng viên của Thông tấn xã giải phóng. Việc nhiễm chất độc da cam đã khiến bà mất đi người con đầu do dị tật tim, hai con gái sau và các cháu ngoại cũng bị dị tật bẩm sinh.
Năm 2014, bà Tố Nga đã đệ đơn kiện tại Pháp nhằm vào các công ty sản xuất chất độc da cam của Mỹ, bao gồm các công ty đa quốc gia Dow Chemical và Monsanto hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer của Đức. Bà Tố Nga yêu cầu bồi thường thiệt hại cho vấn đề sức khỏe, bao gồm căn bệnh ung thư của và dị tật của các con. Nếu tòa án Pháp ra phán quyết có lợi cho bà, bà sẽ là nạn nhân dioxine Việt Nam đầu tiên được bồi thường. Cho đến nay, chỉ có những cựu binh Mỹ và một số quốc gia khác tham gia chiến tranh mới được bồi thường.
Hệ thống tư pháp của Pháp cho phép công dân khởi kiện về các sự kiện diễn ra ở nước ngoài. Được hỗ trợ bởi tổ chức phi chính phủ Collectif Vietnam-Dioxine và các luật sư của văn phòng luật Bourdon-Forestier, bà Tố Nga quyết tâm theo đuổi vụ kiện, nhằm đạt được công lý vì những người dân thường Việt Nam là nạn nhân của chất độc da cam/dioxine, cũng như sự công nhận về những tác hại của hóa chất khai quang đối với môi trường.
Lực lượng quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc da cam để làm rụng lá rừng Việt Nam và phá hoại mùa màng của quân giải phóng miền Nam.
Từ năm 1962 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 11 triệu gallon chất khai hoang trên khắp các vùng rộng lớn ở miền Nam Việt Nam. Dioxin tồn tại trong đất và trong trầm tích dưới đáy hồ và sông qua nhiều thế hệ. Hơn 4 triệu người dân Việt Nam đã tiếp xúc với chất diệt cỏ và có tới 3 triệu người đã bị bệnh do chất này, bao gồm con cái của những người bị phơi nhiễm trong chiến tranh.
Trong phiên tranh tụng ngày 25/1 tại Tòa đại hình Evry, các luật sư của các công ty hóa chất đã phủ nhận trách nhiệm pháp lý khi tuyên bố rằng chất độc da cam được sản xuất theo lệnh của chính phủ Mỹ dành riêng cho mục đích quân sự. Các luật sư của bà Tố Nga đã bác bỏ lập luận trên và nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ đã không trưng dụng hóa chất mà đã mua từ các công ty sản xuất thông qua một quá trình đấu thầu. Tòa án dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày 10/5./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: Vietnam+
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC