Phải chăng sự bức bối, bí bách vì cách ly trong thời đại dịch Covid-19 lại cũng có hiệu ứng tích cực: Khiến nhu cầu về sách tuôn trào, ấm nóng trong đời sống tinh thần người gốc Việt ở châu Âu?!
Một dòng chảy ngược
Vài năm trước, hễ nghe hỏi “Sao không mang sách sang Bỉ bán?”, cơn tủi thân bỗng dâng lên. Ấy là cái tủi riêng của người viết thôi. Còn nỗi tủi chung, hẳn ai cũng hiểu, trong dòng chảy xuôi buôn hàng châu Âu về bán, mấy ai làm chuyện ngược đời nhập đồ nhà, lại là sách, sang đây?!
Tuần trước, Nguyễn Quí Quỳnh Hạnh ở thành phố Espoo (Phần Lan) nhắn cho tôi: “Công ty tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh sách xong rồi, mọi việc suôn sẻ. Hiện nay Tiệm Mọt đã có chi nhánh tại Phần Lan, Thụy Điển, Pháp và Na Uy, chuyển sách Việt toàn châu Âu”.
Quỳnh Hạnh đang cùng con gái đọc sách Việt.
Tiệm Mọt mở ra nhằm mục đích mang sách Việt đến với người Việt ở nước ngoài. Quỳnh Hạnh, bà chủ Tiệm Mọt, từng là tiếp viên hàng không tại Đài Loan (Trung Quốc), tới năm 2018 theo chồng định cư Phần Lan.
Nguồn cơn đưa sách Việt vào châu Âu bắt đầu khi vợ chồng Hạnh sinh con gái đầu lòng. “Chồng tôi thỉnh thoảng âu yếm con gái và hát những bài về Hà Nội, rồi thủ thỉ Con à, con là người Việt nhé, nhớ chưa? Tôi bỗng nhận ra rằng, càng đi xa, lại càng hiểu tình yêu của mình với quê hương đất nước sâu đậm tới mức nào. Tôi muốn con gái lớn lên sẽ ý thức mình là một phần của Việt Nam.
Ngôn ngữ cũng là cầu nối giữa cha mẹ và con cái. Nếu tôi giữ được tiếng Việt cho con, khi lớn lên và đi học ở môi trường văn hóa khác, con vẫn có thể ôm ấp và tâm sự với bố mẹ bằng tiếng Việt về thế giới ngoài kia của con”.
Đang loay hoay tìm cách giúp con vừa hòa nhập ngôn ngữ và cuộc sống ở đây, vừa giữ được tiếng Việt, Quỳnh Hạnh bỗng nhận cuộc hẹn của Neuvola - cơ quan chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ em của Phần Lan. Đây là cuộc hẹn tư vấn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ cho con như thế nào. Chuyên viên Neuvola nhấn mạnh tầm quan trọng của đọc sách và nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ, để con thấy Việt Nam có văn hóa, ngôn ngữ là di sản đáng tự hào.
Nhưng Hạnh không tìm được nguồn sách tiếng Việt tại Phần Lan, mà ở toàn châu Âu cũng khó tìm. Ý tưởng mở Tiệm Mọt nảy mầm. “Tôi muốn các bé không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam cũng có điều kiện được nghe, được đọc và học tiếng Việt. Ban đầu giới thiệu trong cộng đồng người Việt ở Phần Lan, lo không biết mọi người có hưởng ứng không. Thật bất ngờ, không chỉ nhu cầu về sách cho trẻ em mà các bạn sinh viên, công nhân, viên chức, người lớn tuổi cũng cần sách tiếng Việt”.
Cộng đồng ảo và những giá trị thật
Cũng từ nhu cầu được nghe, được đọc sách Việt của con mà Hoàng Trang, đang theo học chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Pháp đã cùng chồng gây dựng trang cộng đồng Cùng con đọc sách Việt, cuối năm 2020. Sang Pháp, do hạn hẹp về tài chính, vợ chồng cô chỉ có thể đưa con đi giải trí ở những nơi công cộng. Cuối tuần, bé Minh Anh, 4 tuổi, thường được bố mẹ cho đi thư viện chơi và mượn sách về đọc.
Nhưng Trang cảm thấy chưa ổn. “Dịch sách Pháp cho con cách nào cũng làm giản lược nội dung, không thể thú vị và sinh động bằng đọc trực tiếp sách tiếng mẹ đẻ. Hơn thế, con càng lớn, nhu cầu tìm hiểu càng tăng. Nhiều đồng hương cũng có nhu cầu về nguồn sách tiếng Việt mới và ổn định cho con cũng như cho bản thân như vợ chồng tôi”.
Qua người mở “Tiệm sách vui vẻ ở Đức”, Hoàng Trang được tư vấn những nhà cung cấp sách chính hãng, uy tín với các dòng sách dành cho trẻ em. Cô cũng chủ động tham gia cộng đồng mạng, nhóm facebook thường xuyên chia sẻ sách hay cho nhau, và tìm các bài báo tổng hợp đầu sách có từ khóa “Top 10-20 sách hay cho bé”... để chọn sách theo tiêu chí rõ ràng.
“Một tiền gà ba tiền thóc”, đó là cái khó chung của người nhập sách vào châu Âu.
Hoàng Trang kể: “Rủi ro lớn nhất thường ở khâu tính toán chi phí vận chuyển sang Pháp.
Giá sách một phần thì vận chuyển chiếm hai phần. Khi khách đặt sách không có sẵn trong kho, mình chỉ có thể báo giá dựa trên thông số về cân nặng do NXB cung cấp. Khi sách về, nặng gấp đôi, đành chịu lỗ chứ không thể báo tăng giá lại với khách. Thêm nữa, chính sách đóng/mở của các nước do Covid-19 khiến khách có thể phải chờ lâu hoặc mất kiên nhẫn dẫn đến hủy đơn hàng”.
Chuyện lãi lời từ nhập và bán sách Việt không dễ tính ra ngay, nhưng cái lợi trước mắt về giá trị cảm xúc, ý nghĩa văn hóa thì có thể đong đếm luôn được.
Trang bảo: “Thật hạnh phúc khi nghe khách hàng là các ông bố, bà mẹ kể chuyện con mình phản ứng với sách ra sao, bé được đọc truyện cho nghe từ lúc nằm nôi đến nay hình thành thói quen hóng sách, yêu sách thế nào…”. Trong những ngày ngoài khung cửa tuyết rơi trắng trời, Quỳnh Hạnh vừa đóng gói sách mới gửi đi cho khách, vừa tận hưởng niềm vui, “Có những cuốn đã ngừng xuất bản, rất khó mua mà khách lại tha thiết quá, tôi vẫn bỏ công tìm kiếm. Nhận sách, khách vui làm mình cũng xúc động. Mỗi lần nghe nhận xét “Cảm ơn em đã mang sách sang bên này, không ngờ ở đây cũng có thể mua được sách tiếng Việt”, hoặc “Từ nay có thể mua sách Việt tại Phần Lan rồi”... là động lực để tôi quyết tâm mở thêm chi nhánh Tiệm Mọt ở châu Âu”.
Sách vượt phong tỏa, đọc thoát cách ly
Nửa cuối năm 2020 cũng là thời điểm một nhóm người Việt ở Bỉ bắt đầu trao đổi, cho nhau mượn sách đọc trong những ngày kinh doanh đình trệ, giới chức văn phòng phải làm việc ở nhà vì Covid-19. Rồi “Tủ sách Việt ở Bỉ” ra đời. Không chỉ mở tủ sách sẵn có trong mỗi nhà, tới nay, hơn 200 thành viên của “Tủ sách Việt ở Bỉ” còn chia sẻ nguồn đọc, bàn luận về sở thích và nhu cầu đọc, cứ thế hình thành môi trường ý nghĩa cho những người yêu sách.
Qua tìm hiểu, hiện nguồn sách tiếng Việt nhập vào châu Âu chủ yếu là truyện cho trẻ em, sách dạy tiếng Việt, sách song ngữ về văn hóa và sách chia sẻ kỹ năng sống, dạy kinh doanh thành công.
Trang cộng đồng “Cùng con đọc sách Việt” tại Pháp đang nhập sách theo ba nhóm chính: dòng sách Ehon phát triển kỹ năng cho trẻ từ 0-6 tuổi; truyện tranh phát triển tư duy, kỹ năng cho bé hay truyện - thơ tiềm thức cũng được rất nhiều bố mẹ quan tâm; nhóm truyện cổ tích, Doraemon và văn học Việt Nam như Cái Tết của mèo con (nhà văn Nguyễn Đình Thi), tập thơ Bầu trời trong quả trứng (Xuân Quỳnh)...
Nhu cầu đọc, tưởng âm thầm, nhưng sức truyền tỏa lại vượt giới hạn. Với Quỳnh Hạnh, mở Tiệm Mọt là lúc một đời sống mới - nhận thức mới trong cô bừng lên.
“Nhờ khách hàng, mình biết thêm được bao nhiêu sách hay. Sách kinh doanh, sách phát triển kỹ năng nào đang được ưa chuộng. Rồi trường học bên này cũng liên hệ để mua sách dạy tiếng Việt. Mua không chỉ để đọc mà còn làm quà tặng bạn nước ngoài, để sưu tầm văn hóa Việt”. Rõ ràng từ đây, thứ lãi nhất từ dòng chảy ngược này chính là con của Hoàng Trang, Quỳnh Hạnh hay bao con em người gốc Việt khác sẽ cảm thấy gần gũi và hiểu quê hương nguồn cội hơn khi được thường xuyên tiếp cận nguồn sách tiếng Việt.
Tết này con không về, biết bao người gốc Việt ở châu Âu đã nhắn nhủ gia đình như thế. Nhưng sách Tết Việt đã kịp thời chuyển sang phục vụ nhu cầu đọc, tặng quà và tìm hiểu văn hóa Việt. Sách song ngữ về văn hóa Việt như Đúng là Tết (phiên bản Anh và Việt), Dệt nên triều đại, Việt Nam miền ngon... đứng đầu về lựa chọn mua làm quà tặng. Các bộ sách để đọc nhâm nhi trong Tết Tân Sửu như Giao thừa không đến muộn, Kể chuyện Tết Nguyên đán, Nhớ ơi là Tết, Tết xưa thơ bé, This is Tết, Sách Tết Tân Sửu 2021 (Đông A) đang được đóng gói gửi đi khắp châu Âu. Tiệm Mọt đã mời được tác giả cuốn Đúng là Tết ký tặng đích danh các bạn nhỏ đọc sách tại châu Âu.
Kiều Bích Hương
Nguồn: nhandan.com.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC