Bản thân tôi khuyến khích các anh chị hội đủ điều kiện nên ra đi vì:
1. Xu hướng toàn cầu hóa các hoạt động kinh tế của thế giới, trong đó có sự dịch chuyển nguồn lực lao động là điều tất yếu.
2. Khi bạn ra sống ở nước ngoài thì quan niệm của bạn về ranh giới địa lý quốc gia chỉ là một khái niệm tương đối. Bạn sẽ có cái nhìn thoáng và rộng hơn so với ở trong nước.
3. Đất nước Việt Nam chỉ có hơn 300 ngàn km vuông mà dân số gần 90 triệu người, quá thiếu tài nguyên đất đai cho cư dân. Vậy sao chúng ta không di chuyển đến những nơi rộng lớn hơn và nhiều tài nguyên hơn để sinh sống. Theo tôi, đó cũng là một cách để truyền bá dòng giống Việt Nam và văn hóa Việt Nam ra toàn cầu.
4. Khi bạn sống ở nước ngoài và bạn gửi tiền về cho người thân hay chuyển về làm ăn ở Việt Nam thì đó là một kênh ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Hiện nay số người Việt ở nước ngoài mỗi năm chuyển về Việt Nam hơn 7 tỷ dollar. Con số đó là không nhiều nhưng có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Nếu các bạn tìm hiểu con số tương tự như vậy của Philippines thì thấy ý nghĩa lớn lao.
5. Con cái của các bạn được thừa hưởng nền giáo dục tốt của các nước phát triển. Điều đó là lợi ích trước mắt và cũng là lợi ích tiềm tàng cho đất nước khi thế hệ con cháu chúng ta trở về Việt Nam làm việc.
Nếu các anh chị ra đi, hãy chuẩn bị cho mình cả về vật chất lẫn tinh thần để có thể thích ứng với cuộc sống mới. Cần xem xét những thay đổi đột ngột sau:
1. Luật pháp mới – ở Canada luật pháp rất nghiêm minh, người dân tự giác chấp hành pháp luật.
2. Hệ thống quản lý nhà nước và cách làm việc mới – mọi thứ về hành chính, nhà nước đều làm việc qua điện thoại, internet, thư cho nên bạn phải có khả năng để làm việc theo cách đó.
3. Thời tiết – nói chung thời tiết ở đây là lạnh, băng tuyết nhiều. Tuy nhiên, nhờ có hệ thống sưởi ấm tốt ở mọi nơi nên bạn sẽ sống được một cách thoải mái.
4. Ngôn ngữ – bạn phải thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp mới làm việc chuyên môn được. Chính phủ cung cấp các chương trình tiếng Anh miễn phí cho dân nhập cư để hội nhập. Lưu ý là dân cư ở đây phần nhiều là người nhập cư nên giọng nói của họ rất khác nhau.
Việc làm ở Canada không dễ dàng như nhiều người nghĩ. Ở đây, nếu bạn có việc làm thì bạn có tất cả, nếu không, bạn sẽ không có gì cả. Cần lưu ý:
1. Tất cả bằng cấp và kinh nghiệm của bạn ở Việt Nam là con số không. Vì yêu cầu chuyên môn và luật pháp ở đây rất cao, cho nên, bạn chỉ có thể làm việc chuyên môn được nếu bạn được đào tạo ở Canada và Mỹ. Bạn nên chấp nhận lao động chân tay hay làm việc gì đó thấp hơn khả năng của bạn, rồi học lên từ từ. Chính phủ Canada hỗ trợ tối đa cho người dân học tập.
2. Văn hóa của dân Canada là văn hóa học suốt đời, tùy theo nhu cầu công việc, vì chi phí học sau phổ thông rất cao, dân Canada không ai đi học lấy một cái bằng để đó rồi đi làm việc khác hoặc làm việc không tương xứng với đào tạo như bên Việt Nam.
3. Khi bạn đi phỏng vấn, người ta luôn hỏi bạn về North American Work Experience, cho nên, bạn phải tranh thủ làm việc tình nguyện theo chuyên môn của mình để lấy điểm trước nhà tuyển dụng. Làm việc tình nguyện cũng phải đăng ký khá lâu, phải làm các hồ sơ theo yêu cầu, và làm việc nghiêm túc như một người làm hưởng lương.
4. Khoảng 80% việc làm ở Canada được gọi là hidden jobs. Nghĩa là hấu hết đều qua giới thiệu. Cho nên, bạn phải xây dựng cho mình một mối quan hệ tốt.
Đó là vài ý kiến để các anh chị tham khảo. Chúc các anh chị thành công.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC