Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, mỗi năm khi Tết cổ truyền của Việt Nam đến gần, những nữ doanh nhân Việt kiều tại Vương quốc Bỉ đều thu xếp công việc, chuẩn bị những món đồ Tết để hương vị nồng ấm của quê hương tràn đầy trong gia đình của mình.
Chị Nguyễn Thị Minh Thu giới thiệu giò lụa Việt Nam.
Là Giám đốc Công ty Vietnam Export (VINAMEX) ở Brussels, chị Nguyễn Thị Minh Liên luôn tất bật, nào việc công ty, nào chăm sóc gia đình, các con, rồi học hỏi, tìm hiểu các tiêu chuẩn của châu Âu để đưa hàng từ Việt Nam sang, cách vận hành hệ thống kế toán, hành chính của Bỉ và thói quen, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng...
Mùa Hè năm 2021, VINAMEX đã ghi dấu ấn đặc biệt khi mang được trái vải thiều Việt Nam đến với bà con Việt kiều tại Bỉ. Rồi những mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như sấu, thanh long, ổi, sầu riêng…, đều được VINAMEX nhập khẩu để phục vụ cộng đồng người Việt Nam và cũng để giới thiệu với bạn bè quốc tế những cây trái nhiệt đới tuyệt vời của đất Việt. Bận là vậy, nhưng vào dịp Tết nguyên đán, Minh Liên luôn cố gắng để cả gia đình vẫn có một ngày Tết sum vầy và các con luôn nhớ về quê hương của ông bà, cha mẹ là đất nước Việt Nam thân yêu.
Đêm giao thừa, cả gia đình đi lễ tại Nhà thờ thường trực Cộng Đoàn Việt Nam ở Brussels, nghe cha xứ chúc Tết, rồi hái lộc đầu xuân và nhận lì xì bằng những lời chúc phúc của Chúa. Sáng mùng Một, cả nhà gọi điện về Việt Nam chúc Tết gia đình nội ngoại hai bên. Đây là cách mà chị dạy các con nhớ về văn hóa Việt. Chính vì thế, hai cậu con trai của Minh Liên, cháu lớn 12 tuổi, cháu bé 9 tuổi, vẫn nói thạo tiếng Việt dù được sinh ra và lớn lên ở Bỉ. Các cháu đều hiểu, ngày Tết cổ truyền là dịp trọng đại nhất trong năm của gia đình.
Ngày 29/1, cả gia đình chị Minh Liên sẽ cùng các bạn, là những cựu nghiên cứu sinh Việt Nam tại Bỉ, tập trung gói bánh chưng tại "Làng đại học" Louvain-La- Neuve, cách thủ đô Brussels khoảng 30 km. Dịch COVID-19 hoành hành trong suốt hai năm qua đã khiến mọi người không được gặp nhau. Cùng nhau gói bánh và luộc bánh để được hít hà mùi của lá dong, của đỗ, gạo, của hạt tiêu... thứ mùi đặc trưng của ngày Tết khiến ai cũng nao nao, nhắc nhở mỗi người về tình yêu, giá trị gia đình và sự sum vầy.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Minh Thu, chủ siêu thị Spars ở vùng Zonhoven, cách thủ đô Brussels gần 200 km, vùng nói tiếng Hà Lan và rất ít người châu Á sinh sống, ngày Tết Việt thiêng liêng hơn bao giờ hết. Có chồng là người Bỉ và các con mang hai dòng máu Bỉ-Việt, nhưng chị Thu vẫn giữ những phong tục tập quán của người Việt Nam trong gia đình. Những năm trước, khi chưa có dịch bệnh, cứ đến Tết là gia đình chị lại về Việt Nam sum họp. Cả bốn cô con gái của chị đều mê bánh chưng và đều hiểu phong tục của người Việt Nam là dịp Tết phải đi thăm hỏi, chúc sức khỏe họ hàng. Từ hai năm nay, dịch bệnh không về được Việt Nam, ngày Tết bao giờ chị cũng đặt vài chiếc bánh chưng, làm mâm cơm thắp hương cho ông bà và sau đó cả nhà cùng ăn mừng năm mới.
Quầy hàng Việt Nam tại siêu thị Spars của chị Nguyễn Thị Minh Thu ở vùng Zonhoven của Bỉ.
Luôn mong muốn quảng bá về đất nước thân yêu của mình cho những người dân trong vùng, tại siêu thị của mình, chị Minh Thu dành một không gian đẹp để bày bán gia vị, thực phẩm Việt Nam như nem, bún khô, phở khô, nước mắm Phú Quốc, giò, chả, mộc nhĩ, nấm hương. Khách hàng đến siêu thị chủ yếu là người Bỉ và châu Âu nên chị thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn món ăn Việt Nam để quảng bá cho ẩm thực Việt Nam. Chị còn nhập một số đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như đồ gốm sứ Bát Tràng và hướng dẫn cho khách hàng cách bày biện, trang trí những thứ đồ này trong gia đình. Từ lúc còn xa lạ với hàng hóa, thực phẩm Việt Nam, giờ đây khách hàng trong vùng rất yêu thích hàng Việt Nam.
Còn chị Đào Hồng Hải, chủ chuỗi nhà hàng Hanoi Station nổi tiếng ở thủ đô Brussels, vào dịp Tết, chị đều tổ chức cho nhân viên gói bánh chưng và làm cơm tất niên với sự tham dự của tất cả các thành viên gia đình nhân viên. Một bữa cơm cuối năm đầm ấm nơi xứ người mang lại cho mọi người sự ấm áp, sẻ chia, gần gũi, gợi nhớ sự sum họp ở các gia đình Việt Nam ngày Tết.
Khởi nghiệp từ năm 2016 với nhà hàng Hanoi Station đầu tiên, đến nay chị Hồng Hải đã mở 4 nhà hàng Hanoi Station ở Brussels, lúc nào cũng tấp nập khách. Hanoi Station trở thành một thương hiệu về ẩm thực đường phố ở thủ đô của Bỉ. Ẩm thực Việt Nam nhờ đó lại càng bay xa.
Năm Nhâm Dần đang đến gần, những nữ doanh nhân người Việt tại Bỉ đều mong muốn dịch bệnh được kiểm soát tốt để các chị lại được cùng gia đình về Việt Nam vào mỗi dịp lễ tết, để cộng đồng người Việt tại Bỉ tổ chức nhiều hoạt động đón Tết cổ truyền nhằm giúp cho các thế hệ trẻ thêm hiểu về phong tục, tập quán và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
Tin, ảnh: Hương Giang (TTXVN)
Nguồn: baotintuc.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC