Nhiều bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng người Việt ở San Jose, sau khi lành bệnh đã tìm cách giúp đỡ người khác, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ngày 12 Tháng 8 , chồng chị Phượng nhập viện do bị nhiễm Covid-19 và không thở được.
Ngay ngày hôm sau, 13 Tháng 8, đến phiên chị Phượng phải vào nhà thương. Chị kể: “Họ sắp xếp cho vợ chồng tôi ở chung một phòng trong bệnhviện. Sau một tuần, chồng tôi được chuyển đi.
Từ đó tôi không nghe được tin tức gì về bệnh tình của chồng. Do tôi có sẵn bệnh suyễn, nên bị nặng hơn anh.”
Ngày 12 Tháng 9, khi bác sĩ đã làm hết cách để cứu sống chồng chị Phượng nhưng không thành công, anh được rút ống thở
“Hôm ấy, bác sĩ mở Facetime cho tôi… nhìn mặt chồng lần cuối trước khi họ rút ống,” chị Phượng nói trong đau đớn.
Người quả phụ trẻ chưa bước sang tuổi 40 không thể lo được hậu sự cho chồng vì khi ấy chị vẫn còn đang được điều trị trong bệnh viện.
Mãi gần một tuần sau, vào ngày chồng chị được đưa đi hỏa táng, thì chiều tối hôm ấy chị mới được bác sĩ cho về nhà.
Khi kể lại câu chuyện, chị Phượng cứ nói đi nói lại một câu: “Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao chồng tôi lại ra đi. Anh là người khỏe mạnh,đâu có bệnh như tôi. Sao anh lại bỏ tôi sớm như thế chứ!”
Cái mất đột ngột của chồng khiến chị Phượng rơi vào trầm uất khi vẫn đang phải chiến đấu với Covid-19. Chị bị stress rất nặng. Chỉ sau hơn một tháng nằm trong bệnh viện, đôi chân của chị bị teo lại, khiến chị đi không vững.
Chị mất 25 pound, nhưng thân trọng có thể lấy lại, còn mất mát không gì bù đắp được, là sự ra đi không bao giờ trở lại của người chồng chị một mực yêu thương – cha của ba đứa con, mà đứa nhỏ nhất mới lên sáu.
Cũng may, chị Phượng còn nhờ được con. Đứa lớn chăm đứa nhỏ. Chị dần bình phục, một phần nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt ở thành phố San Jose nơi chị đang sống.
Nguồn: Nguoi-viet.com
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC