Bên cạnh hầu hết các trường hợp có việc làm, thu nhập ổn định thì vẫn có nhiều công nhân vỡ mộng phải bỏ về nước. Ảnh: Anh Tâm
Vỡ mộng đổi đời
Để có tiền đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình đã phải bán hết tài sản để vợ hoặc chồng được một suất ra nước ngoài làm việc. Thế nhưng, khi vỡ mộng trở về địa phương thì không còn tài sản, không còn tư liệu sản xuất, cuộc sống của nhiều gia đình đã rơi vào cảnh bế tắc...
Tháng 10.2023, vợ chồng anh Giàng A Lử (SN 1995), chị Lầu Thị Si (SN 1996) ở thôn Háng Khúa, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đăng ký đi xuất khẩu lao động theo dạng hợp đồng có thời hạn tại Nga. Theo thông tin từ đơn vị tuyển dụng (Công ty Cổ phần quốc tế Long Hưng và Công ty Cổ phần Hợp tác nhân lực quốc tế Vinaco), công việc họ sẽ làm tại Nga là trong lĩnh vực may công nghiệp (thợ may, kỹ thuật, thợ cắt...).
Chế độ làm việc của lao động theo cam kết của đơn vị tuyển dụng là 8 - 10 giờ/ngày (bao gồm cả thời gian tăng ca). Ngoài ra, một tháng được nghỉ từ 3 - 4 ngày; được bao ăn, ở, được đi chợ và đi ra ngoài. Tiền lương, đối với lao động chưa có tay nghề 3 tháng đầu mỗi tháng được hưởng từ 12 - 13 triệu đồng, các tháng tiếp theo từ 23 - 35 triệu đồng.
Tin tưởng vào một công việc tốt, có chế độ đãi ngộ cao, vợ chồng anh Lử đã bán nhiều tài sản để lấy tiền đi xuất khẩu lao động. Theo anh Lử, chi phí để đi xuất khẩu lao động tại Nga mỗi người hết khoảng 50 triệu đồng trong đó phải đặt cọc trước 15 triệu đồng, số tiền còn lại trừ dần sau khi sang Nga làm việc.
Thế nhưng, sau khi sang Nga được 7 tháng, thực tế công việc và tiền lương, chế độ nghỉ ngơi lại hoàn toàn không giống như cam kết tuyển dụng. Thực tế, thời gian làm việc kéo dài đến 16 giờ/ngày; một tháng chỉ được nghỉ một ngày vào cuối tháng. Ngoài ra, ăn, ở cũng bị trừ lương khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, tiền lương của 2 vợ chồng anh Lử từ tháng 10.2023 - 3.2024 không quá 6 triệu đồng/người/tháng, thậm chí có tháng chỉ được 600 nghìn đồng...
Hàng chục lao động phải bỏ về
Cũng tương tự như trường hợp của vợ chống anh Lử, anh Giàng A Mùa (SN 1989) ở thôn Háng Khúa, xã Sín Chải cũng được tuyển dụng đi xuất khẩu lao động tại Nga.
Tuy nhiên, sau khi sang tới Nga, công việc của anh lại không đúng theo thông báo tuyển dụng.
Thời gian làm việc kéo dài từ 8 giờ sáng đến 24 giờ đêm; thậm chí có ngày tăng ca phải làm đến 3 - 4 giờ sáng và không được ra ngoài. Mức lương cũng không được trả như cam kết trước đó của đơn vị tuyển dụng. Bức xúc vì chế độ làm việc, tiền công không được trả đúng như hợp đồng, Giàng A Mùa đã phải gọi điện về vay tiền họ hàng rồi bỏ trốn về nước.
“Khi chúng tôi có ý định về nước, chủ doanh nghiệp tại Nga cũng không giữ, nhưng họ bảo ai về thì phải có 70 triệu đồng để làm các thủ tục.
Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, chúng tôi đã tham gia vào nhóm cộng đồng người Việt Nam tại Nga và được giới thiệu làm hộ chiếu tại đại sứ quán. Sau đó, tôi đã gọi điện về vay tiền người thân để làm các thủ tục và mua vé xe, vé máy bay hết 30 triệu đồng để về nước” - anh Giàng A Mùa cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, từ cuối năm 2023 đến nay, tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã có 25 trường hợp lao động đăng ký đi xuất khẩu tại Nga thông qua tư vấn của Công ty Cổ phần Quốc tế Long Hưng và Công ty Cổ phần Hợp tác nhân lực quốc tế Vinaco.
Trong đó đã có 19 người hoàn thiện thủ tục để sang Nga. Tuy nhiên đến nay đã có đến 16/19 người phải bỏ về nước. Để có thể trở về nước, những người này đã phải cầu cứu sự giúp đỡ từ gia đình, người thân. Nhiều lao động vì không được trả tiền lương nên không có tiền mua vé máy bay phải nhờ người nhà bán tài sản, vay mượn anh em họ hàng gửi tiền sang Nga để sớm được trở về quê hương.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Quyết Định - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Tủa Chùa - cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Phòng LĐTBXH huyện đã 2 lần tổ chức đối thoại và làm việc với các bên liên quan, tuy nhiên vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Gần đây nhất là ngày 6.9.2024, tại cuộc làm việc theo lịch hẹn thì đơn vị tư vấn tuyển dụng lại không có mặt. “Để giải quyết vấn đề này cần có đầy đủ tài liệu của các bên liên quan, do vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp tục yêu cầu 2 đơn vị tư vấn tuyển dụng cung cấp bổ sung các chứng cứ hợp pháp để minh chứng vi phạm của các bên liên quan. Từ đó mới có căn cứ để đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý theo quy định” - ông Hoàng Quyết Định nói.
Nguồn: Báo Lao Động
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC