Xuất khẩu lao động năm 2021: Nâng cao chất lượng lao động sẵn sàng xuất cảnh

Xuất khẩu lao động năm 2021: Nâng cao chất lượng lao động sẵn sàng xuất cảnh

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã phải cố gắng tìm mọi nguồn lực để duy trì hoạt động vì doanh thu sụt giảm

Trong nhiều năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng như các địa phương trong cả nước đều xác định xuất khẩu lao động là con đường giải quyết việc làm và tạo thu nhập cao, hiệu quả, nên rất chú trọng công tác này.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, cả nguồn cung và nguồn cầu lao động nước ngoài đều trong trạng thái chưa xác định rõ được thời gian kết nối trở lại.

Để có thể nhanh chóng vực dậy thị trường xuất khẩu lao động ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và đạt chỉ tiêu mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 90.000 chỉ tiêu năm 2021, các địa phương, công ty xuất khẩu lao động cần có sự chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ.

132 1 Xuat Khau Lao Dong Nam 2021 Nang Cao Chat Luong Lao Dong San Sang Xuat Canh

Do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cả nguồn cung và nguồn cầu lao động nước ngoài đều trong trạng thái chưa xác định rõ được thời gian kết nối trở lại. (ảnh minh họa)

Sau ngành hàng không, khách sạn và du lịch, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã phải cố gắng tìm mọi nguồn lực để duy trì hoạt động vì doanh thu sụt giảm.

Bà Phan Thị Hải Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo nhân Lực Á Châu cho biết, năm 2020, công ty chỉ đưa được hơn 100 người lao động xuất cảnh đi làm việc ở thị trường Nhật Bản, giảm 1 phần 3 so với kế hoạch đặt ra. Số lao động tuyển mới theo đơn đặt hàng năm cũng giảm mạnh chỉ được gần một trăm lao động. Trước thực trạng này, công ty tăng cường chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng và từng bước nâng cao thu nhập cho lực lượng đi làm việc ở nước ngoài khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Bà Phan Thị Hải Anh hy vọng năm 2021, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và hoạt động xuất khẩu lao động sẽ có thể hồi phục: "Thời điểm này, đơn hàng của chúng tôi về vẫn liên tục. Đối tác có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Số lượng tồn đọng đơn hiện tại gần 30 đơn mà chúng tôi vẫn chưa thể triển khai được. Mong muốn nếu như tình hình Tết ra mà dịch được kiểm soát, nguồn được cung cấp đầy đủ, chúng tôi kỳ vọng vào số lượng bay 400 đến 500 lao động. Chúng tôi có những xưởng may liên kết song hành với việc định hướng nghề nghiệp giáo dục và ngoại ngữ, có các buổi thực hành cũng như là làm việc tại các cơ sở nghề nghiệp giống như các xưởng may, xưởng dệt, xưởng cơ khí, để các bạn duy trì tay nghề, đảm bảo khi được bay sang Nhật không bị ảnh hưởng đến tay nghề đã có trước đây được tuyển chọn".

Hiện, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Hậu quả mà dịch bệnh gây ra đã và đang tác động lên mọi mặt của đời sống, xã hội. Và những khó khăn đó cũng không phải là ngoại lệ đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động của Việt Nam. Từ thực tế đó, năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giảm hơn so với chỉ tiêu năm 2020 là 40.000 lao động. Thị trường xuất khẩu lao động tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Để từng bước phục hồi hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình và trạng thái bình thường mới tại Việt Nam, cũng như tại các quốc gia tiếp nhận lao động, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các công ty tư vấn, tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương về phòng, chống dịch Covid-19; kết hợp đào tạo trực tuyến đối với lao động chưa thể tập trung đào tạo trực tiếp; đồng thời chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cở sở chính sách, quy định của nước sở tại để bảo đảm người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết: "Cục sẽ phối hợp cơ quan chức năng tìm kiếm thị trường lao động ngoài nước có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Bên cạnh đó, cũng sẽ hợp tác với các nước trong vấn đề giải quyết ký thỏa thuận, Hiệp định để phối hợp giữa Việt Nam và các nước trong vấn đề giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động một cách kịp thời, bảo vệ được quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nâng cao chất lượng lao động nghề đi làm việc, vừa đáp ứng được nhu cầu bên nước ngoài về trình độ ngành nghề cũng như ngoại ngữ. Người lao động có được vị thế tốt, có thu nhập cao và có thể tiếp thu được kiến thức, kỹ năng, trình độ ở nước ngoài sau này về làm việc trong nước dễ kiếm được việc làm hơn".

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần vào việc giải quyết việc làm mà còn góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình. Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài, thay đổi cuộc đời như chia sẻ của chị Đào Thị Chi, quê ở Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đi lao động xuất khẩu ở Nhật Bản hiện đang làm cho một công ty đào tạo lao động sang Nhật Bản:

"Quyết định đi Nhật là một may mắn. Tôi cũng hỗ trợ được cho gia đình mình một phần chi phí.

Tôi cũng có những khoản tích góp để có thể tự trang trải chi phí học tập cho chính bản thân mình, có cơ hội tìm hiểu và được làm việc trong môi trường năng động hơn. Thay vì nếu như không đi thì có thể tôi làm một người nông dân giống bố mẹ hoặc làm công nhân nhưng mà đi rồi thì mình học tập được nhiều kiến thức mới và không phải làm nông nghiệp giống bố mẹ.

Tôi là người đầu tiên của xã đi sang Nhật. Sau 3 năm đi mình truyền được niềm tin cũng như là thay đổi của mọi người. Ví dụ như xã của mình hiện tại có tới 80 % thanh niên đi sang Nhật làm việc".

Trong khi chờ đợi các nước đối tác và trong nước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, các địa phương và các công ty xuất khẩu lao động đã và đang tập trung đào tạo cho người lao động về trình độ tay nghề, ngoại ngữ.

Khi đủ điều kiện có thể cung ứng ngay cho những thị trường lao động có yêu cầu. Và không để bị động, ngành Lao động, các đơn vị xuất khẩu lao động cũng đã khảo sát, nắm danh sách, hoàn cảnh những lao động đang chờ xuất cảnh, để có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Có thể nói xuất khẩu lao động là một giải pháp tích cực trong mục tiêu quốc gia về vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đây cũng là nguồn lao động có tay nghề, trình độ, ý thức kỷ luật nên đây cũng chính là nguồn nhân lực thay đổi đời sống của gia đình, đồng thời cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước./.

Thu Hiền

Nguồn: vov.vn


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan