Đức kêu gọi tăng cường ngăn chặn tin giả trước thềm bầu cử

Đức kêu gọi tăng cường ngăn chặn tin giả trước thềm bầu cử

Bộ trưởng Nội vụ Đức, bà Nancy Faeser đã yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội tăng cường nỗ lực ngăn chặn thông tin sai lệch trước thềm cuộc bầu cử vào tháng tới.

1 Duc Keu Goi Tang Cuong Ngan Chan Tin Gia Truoc Them Bau Cu

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser. (Ảnh:© Bernd von Jutrczenka / DPA)

Ngày 22/1, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội tăng cường nỗ lực ngăn chặn thông tin sai lệch trước thềm cuộc bầu cử vào tháng tới, trong đó có việc xác định rõ các video quảng cáo chính trị và gắn nhãn các nội dung được chỉnh sửa bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong cuộc gặp với các đại diện của Google (sở hữu YouTube), Meta (sở hữu Facebook và Instagram), Microsoft, mạng xã hội X và TikTok thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc), bà Faeser đã bày tỏ lo ngại về vấn đề thông tin sai lệch, đặc biệt trong bối cảnh tranh cãi gia tăng xung quanh việc điều tiết các nền tảng trực tuyến tại Mỹ.

Đơn cử như việc Meta chấm dứt chương trình kiểm duyệt thông tin tại Mỹ, vốn được đưa ra để hạn chế sự lan truyền của thông tin sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội của công ty này.

Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cho biết sẽ hợp tác với Tổng thống Mỹ Donald Trump để chống lại các vấn đề liên quan đến kiểm duyệt thông tin trên mạng, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới, bao gồm cả châu Âu.

Bên cạnh đó, tỷ phú Elon Musk, sở hữu X, được biết đến với việc sử dụng nền tảng của mình để ủng hộ đảng AfD cực hữu tại Đức, là một trong những cố vấn chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà Faeser cho biết với tình hình hiện tại, các nhà điều hành nền tảng cần nhận thức rõ nghĩa vụ tuân thủ luật pháp châu Âu và tăng cường kiểm tra các nội dung vi phạm, thay vì nới lỏng công tác kiểm soát.

Bà cho rằng các hành vi phạm tội như đe dọa giết người phải được báo cáo nhanh chóng và nhất quán cho cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời phải bị xóa ngay lập tức trên các nền tảng. Bên cạnh đó, các quảng cáo chính trị phải được nhận diện rõ ràng, các video được chỉnh sửa bằng AI cũng phải được gắn nhãn.

Quan chức này cũng cho rằng các thuật toán được các nền tảng sử dụng để quản lý nội dung mà người dùng đăng lên phải đảm bảo minh bạch hơn để tránh việc chúng tiếp tay cho các quá trình cực đoan hóa nguy hiểm, đặc biệt là trong giới trẻ.

Trước đó, bà Faeser từng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xảy ra các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử quốc hội liên bang vào ngày 23/2 tới.


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan