Ông Tập Cận Bình đi Việt Nam: thương mại, đường sắt, Biển Đông và gì nữa?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Việt Nam trong hai ngày 14-15/4 giữa bối cảnh cuộc chiến thuế quan đang thu hút nhiều sự quan tâm.

1 Ong Tap Can Binh Di Viet Nam Thuong Mai Duong Sat Bien Dong Va Gi Nua

Ông Tô Lăm trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 8/2024

Chuyến đi của nhà lãnh đạo Trung Quốc diễn ra theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường.

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam, diễn ra chưa đầy một năm sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Lần gần nhất ông Tập thăm khu vực là chuyến đi Việt Nam vào tháng 12/2023.

Không chỉ Việt Nam, chuyến công du của ông Tập lần này còn đến hai quốc gia Đông Nam Á khác là Campuchia và Malaysia.

"Ông Tập Cận Bình đang đáp trả việc Tổng thống Trump áp đặt các mức thuế quan rộng rãi, đe dọa không chỉ lợi ích kinh tế của Trung Quốc mà còn của các đối tác thương mại trong khu vực. Ông sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Campuchia, Malaysia và Việt Nam về cách họ có thể cùng nhau giảm thiểu tác động của thuế quan của Trump," Giáo sư Carlyle Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam lâu năm từ Đại học New South Wales (Úc), nhận định với BBC News Tiếng Việt.

Giáo sư Thayer nói thêm nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đến thăm Malaysia vì nước này là chủ tịch ASEAN năm 2025 và đang tích cực kêu gọi cuộc họp của các bộ trưởng Kinh tế ASEAN để vạch ra phản ứng chung đối với thuế quan.

Ông Tập được cho sẽ tìm cách chứng minh với nhóm này rằng Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy, trong khi Mỹ thì không.

Tại hội nghị công tác đối ngoại về quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc diễn ra trong hai ngày 8-9/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố cam kết tăng cường quan hệ chiến lược với các nước láng giềng, nhấn mạnh việc quản lý khác biệt một cách phù hợp và thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng.

Đây là phát biểu công khai đầu tiên của ông Tập kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang vào ngày 2/4. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực đang ở "mức tốt nhất trong lịch sử hiện đại".

"Ông ấy đã chọn thời điểm rất tuyệt vời. Chính sách thuế quan của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp đến sự tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế của các quốc gia ASEAN. Chính quyền Trump đang buộc tất cả các nước Đông Nam Á phải đến Washington để nhượng bộ. Trung Quốc sẽ không ngốc nghếch như vậy," Giáo sư, Tiến sĩ Zachary Abuza từ trường National War College (Mỹ), bình luận với BBC.

Trong khi Campuchia và Malaysia vốn có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Việt Nam đặc biệt nhận được nhiều quan tâm hơn trong chuyến công du lần này của ông Tập, theo nhận định của Tiến sĩ Satoru Nagao từ Viện Hudson (Mỹ) với BBC.

Ông Tập Cận Bình sẽ thảo luận gì ở Việt Nam?

2 Ong Tap Can Binh Di Viet Nam Thuong Mai Duong Sat Bien Dong Va Gi Nua

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Trung Quốc và Việt Nam dự kiến ​​sẽ ký khoảng 40 thỏa thuận vào thứ Hai ngày 14/4, các quan chức giấu tên nói với Reuters.

Chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình tại Việt Nam có thể bao gồm tuyến đường sắt kết nối miền Bắc Việt Nam với Trung Quốc - dự án mà hai nước đã thống nhất phát triển nhằm tăng cường kết nối và thương mại.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình phê duyệt việc sử dụng máy bay COMAC của Trung Quốc. Một nguồn tin trong ngành tại Việt Nam cho hay việc chính thức bật đèn xanh cho mẫu máy bay chở hành khách này có thể trùng với thời điểm chuyến thăm của ông Tập.

Reuters đưa tin hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air sẽ lần đầu tiên khai thác máy bay COMAC ARJ21-700, còn được gọi là C909, trên các tuyến bay nội địa khoảng giữa tháng Tư.

Một số nhà quan sát nhận xét thương mại sẽ là trọng tâm của chuyến thăm, đặc biệt khi Việt Nam đang ở "thế khó" ngay ngã ba đường giữa Mỹ và Trung Quốc - ngay lúc cả hai cường quốc này chưa cho thấy dấu hiệu xuống thang căng thẳng, với các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau lớn đến mức mà nhiều chuyên gia tin rằng có khả năng xóa sổ phần lớn thương mại giữa hai nước.

Chuyến thăm hồi tháng 12/2023 của ông Tập tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tương tự.

Thời điểm đó, Hà Nội vừa mới nâng cấp quan hệ ngoại giao với Washington nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden lên Đối tác Chiến lược Toàn diện - ngang với Bắc Kinh.

Kết quả, hai nước đã đồng ý xây dựng "cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc", ngầm khẳng định Việt Nam vẫn coi trọng quan hệ với người láng giềng phương Bắc.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới khoảng 30% GDP. Việt Nam đang gấp rút thực hiện hàng loạt biện pháp xoa dịu ông Trump nhằm giảm thiểu mức thuế đối ứng 46% áp lên quốc gia này - dù đang tạm hoãn trong 90 ngày vào hôm 9/4 đối với Việt Nam và hàng chục quốc gia khác.

Trong khi đó, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ xếp sau Mỹ. Tính đến năm 2024, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ sáu tại Việt Nam, với 4.922 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký lũy kế đạt 29,55 tỷ USD.

Là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và FDI, bài toán khó của Việt Nam là phải cân bằng giữa hai siêu cường này, nhất là khi cả Mỹ và Trung đang trả đũa nhau trong cuộc chiến thuế quan.

Trong một bài viết hôm 11/4 của Reuters, nguồn tin và tài liệu chính phủ mà hãng thông tấn này tiếp cận được cho thấy Việt Nam sẵn sàng mạnh tay xử lý nghiêm hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển sang Mỹ qua lãnh thổ của mình.

Việt Nam cũng tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các hoạt động "gian lận thương mại" nhưng không nói cách thức cụ thể. Quốc gia này từ lâu bị xem là "sân sau" để Trung Quốc tuồn hàng sang Mỹ nhằm tránh thuế.

"Thương chiến ảnh hưởng đến quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội theo nhiều cách khác nhau. Miền Bắc Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng miền Nam Trung Quốc. Và Trung Quốc có thặng dư thương mại khổng lồ với Việt Nam, chủ yếu là các bộ phận mà Việt Nam lắp ráp để xuất khẩu sang Mỹ.

Tôi cho rằng người Trung Quốc sẽ không hài lòng với mức thuế gần đây mà Việt Nam áp đối với nhôm và thép của Trung Quốc dù họ phải nhận ra rằng Việt Nam đã bị trừng phạt vì vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua đường Việt Nam để lách thuế," Tiến sĩ Abuza nói.

Bên cạnh các vấn đề xung quanh thương chiến hiện nay, các khía cạnh về an ninh cũng có thể được đề cập đến trong chương trình nghị sự, nhất là khi ông Tập sẽ ghé Campuchia - nơi có dự án Kênh đào Phù Nam-Techo và Căn cứ Hải quân Ream mà Việt Nam đã bày tỏ quan ngại.

Tiến sĩ Abuza nhận định Việt Nam lo lắng về bất cứ điều gì Trung Quốc làm ở Lào và đặc biệt là Campuchia.

"Hà Nội rõ ràng lo ngại về việc Bắc Kinh xây dựng hàng loạt đập trên sông Mekong, và điều đó đã ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng như thế nào, bao gồm cả an ninh lương thực. Bắc Kinh khó có khả năng nhượng bộ về vấn đề này," ông Abuza nói.

Tuy nhiên ông lưu ý rằng Thủ tướng Campuchia vừa mở cửa căn cứ hải quân Ream, khẳng định rằng sẽ mở cửa cho tất cả và không phải là căn cứ của Trung Quốc. Một tàu Nhật Bản sẽ đến thăm trong hai tuần tới, và đang chuẩn bị cho một tàu Mỹ vào mùa thu. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để sắp xếp một chuyến thăm của Hải quân Việt Nam đến đó.

Đồng tình với ông Abuza, Giáo sư Carlyle Thayer nhấn mạnh điều quan trọng là Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chính thức khai trương Căn cứ Hải quân Ream trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, thay vì mời ông Tập đến dự lễ khai trương chính thức.

Cả hai chuyên gia đều chung ý kiến rằng một chủ đề quan trọng khác trong chuyến thăm là Biển Đông - khu vực thường xảy ra tranh chấp.

"Vấn đề này luôn được nêu ra khi các nhà lãnh đạo đảng từ Trung Quốc và Việt Nam gặp nhau. Cả hai bên đều nhận ra rằng Biển Đông là một vấn đề gây khó chịu lớn trong quan hệ song phương. Cả hai bên sẽ tái cam kết đối thoại và tham vấn để giải quyết vấn đề này," Giáo sư Thayer bình luận.

Ông Thayer cho rằng Trung Quốc đã đối xử với Việt Nam khá nhẹ nhàng so với sự hung hăng của họ với Philippines. Tuy nhiên, vào tháng Hai, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về "các hoạt động xây dựng của Việt Nam trên các đảo và bãi đá ngầm bị chiếm đóng trái phép".

"Biển Đông là một vấn đề thực sự gây khó chịu trong quan hệ song phương. Tôi nghĩ phía Việt Nam đang tự hỏi việc Trung Quốc gần đây phân định biên giới ở Vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa gì đối với hiệp định năm 2000 của họ," Tiến sĩ Abuza trả lời.

Tuy nhiên, đối với Tiến sĩ Satoru Nagao, các cuộc đàm phán về Biển Đông khó cho ra kết quả cụ thể vì Việt Nam vẫn muốn duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc.

"Họ có thể chỉ sẽ thảo luận về những vấn đề dễ dàng đạt được sự đồng thuận," ông Nagao dự đoán, và nói thêm rằng ngay cả khi Trung Quốc không tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thì không ai có thể trừng phạt họ.

Quan hệ với ông Tô Lâm

Chuyến công du của ông Tập cũng diễn ra trong thời điểm Việt Nam đang khẩn trương thực hiện một loạt cải cách quy mô lớn, từ tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh thành cho tới thúc đẩy kinh tế tư nhân do chính Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng trong "kỷ nguyên vươn mình".

Đây là những cải cách mà các nhà quan sát cho rằng vị lãnh đạo đương nhiệm Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tạo dựng dấu ấn cho chính mình, đặc biệt là tách rời khỏi di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định dù mối quan hệ giữa đảng Cộng sản hai nước vẫn tốt đẹp, Tổng Bí thư Tô Lâm lại chưa có sự kết nối chặt chẽ với ông Tập Cận Bình như người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng từng có - vốn được xây dựng sau nhiều năm nắm vị trí lãnh đạo đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, trả lời phỏng vấn với SCMP hồi tháng 7/2024 rằng một mối quan hệ khắng khít giữa ông Trọng và ông Tập hình thành nhờ cam kết của họ đối với chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hồi tháng 8/2024, không lâu sau khi lên chức tổng bí thư, ông Tô Lâm đã thăm Trung Quốc đầu tiên.

Giáo sư Alexander L Vuving, từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng chuyến đi của ông Tô Lâm là để trấn an Bắc Kinh về bất kỳ bước tiến triển nào trong quan hệ Việt-Mỹ trong bối cảnh ông công du Mỹ khoảng một tháng sau đó.

Với việc nắm giữ cùng lúc hai chức danh then chốt là chủ tịch nước và tổng bí thư, ông Tô Lâm được coi là "đồng cấp" với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và việc hai lãnh đạo đồng cấp gặp nhau được đánh giá là bước quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân hai ông cũng như phát triển quan hệ hai nước.

"Một điều đáng lưu ý là ông Tô Lâm rõ ràng phần nào mô phỏng bản thân theo ông Tập Cận Bình. Giống như ông Tập, ông Tô Lâm đã loại bỏ sự phản kháng đối với sự lãnh đạo của mình từ các cấp cao của Đảng. Tôi nghĩ ông ấy sẽ tìm cách vi phạm các quy định của Đảng bằng cách nhất thể hóa chức tổng bí thư và chủ tịch nước tại đại hội 14," Tiến sĩ Abuza bình luận.

Nguồn: BBC


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan