Thủ đoạn quảng bá sữa giả Rance Pharma, "mỗi sản phẩm một bác sĩ" thao túng niềm tin người tiêu dùng

Vụ sữa giả Rance Pharma đang gây phẫn nộ bởi quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi. Trong vụ việc này, các đối tượng đã lợi dụng hình ảnh bác sĩ về hưu để tạo niềm tin với khách hàng là bà bầu, người bị bệnh, trẻ em còi xương, ...

Sữa giả Rance Pharma lợi dụng hình ảnh bác sĩ

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trong các bài quảng bá sữa giả Rance Pharma, các video đăng tải trên các mạng xã hội, phía Công ty CP Dược Quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sử dụng hình ảnh các bác sĩ, chuyên gia mặc áo blouse trắng, giới thiệu sản phẩm bằng ngôn ngữ chuyên môn.

1 Thu Doan Quang Ba Sua Gia Rance Pharma Moi San Pham Mot Bac Si Thao Tung Niem Tin Nguoi Tieu Dung

Trong một đoạn clip giới thiệu dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em của Công ty CP Dược Quốc tế Rance Pharma, ThS.BS Đinh Ngọc Hoa giới thiệu về sản phẩm có chứa các thành phần “NEOGOS-P70, L-Lysine HCL, Aquamin F, Vitamin D3-MK7…”, “đã đạt chứng nhận FDA của Hoa Kỳ”.

Quảng cáo là thế, nhưng thực tế theo xác minh ban đầu của cơ quan công an, các sản phẩm sữa của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group không chứa các thành phần như công bố, chất lượng kiểm nghiệm chỉ đạt dưới 70%.

2 Thu Doan Quang Ba Sua Gia Rance Pharma Moi San Pham Mot Bac Si Thao Tung Niem Tin Nguoi Tieu Dung

Một hộp sữa giả trong vụ án. (Ảnh chụp màn hình: VTV)

Để tăng tính thuyết phục, nội dung các clip quảng cáo luôn giới thiệu những vị bác sĩ, chuyên gia này đến từ các cơ sở y tế uy tín trên cả nước như Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn… nhưng qua tìm hiểu của phóng viên, những chuyên gia này hoặc là tự xưng, hoặc là đã về hưu và không còn công tác chuyên môn tại các Viện hay Bệnh viện nêu trên nữa.

Bằng cách đánh trúng tâm lý “bác sĩ nói thì chắc chắn đúng”, nhóm sản xuất sữa giả Rance Pharma đã dựng nên một “vỏ bọc y khoa” để thao túng tâm lý người tiêu dùng. (Ảnh: Chụp màn hình)

Cụ thể, trong các clip quảng cáo về một dòng sữa dành cho trẻ em của Rance Pharma luôn có chuyên gia xưng là Ths.BS Đinh Ngọc Hoa - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

PV Báo Dân Việt đã liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để xác minh về trường hợp của ThS.BS Đinh Ngọc Hoa - người xuất hiện trên các clip quảng cáo dòng sữa dành cho trẻ em của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma với tư cách là Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn khẳng định: "Bà Đinh Ngọc Hoa hiện không phải đang công tác tại bệnh viện Xanh Pôn nên việc sử dụng chức danh và tên của Bệnh viện là hành vi cố tình gây hiểu nhầm của các doanh nghiệp".

3 Thu Doan Quang Ba Sua Gia Rance Pharma Moi San Pham Mot Bac Si Thao Tung Niem Tin Nguoi Tieu Dung

Trong clip quảng cáo, ThS.BS Đinh Ngọc Hoa vẫn xuất hiện với bảng tên giới thiệu “Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội” dù không còn công tác tại bệnh viện. (Ảnh: Chụp màn hình)

Kẽ hở pháp lý – “mảnh đất màu mỡ” để quảng bá sữa giả, thực phẩm sức khỏe giả

Việc các bác sĩ nghỉ hưu trở thành công cụ để quảng bá hàng giả, hàng kém chất lượng có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các sản phẩm giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây mất niềm tin vào các chuyên gia y tế, làm suy yếu vai trò của bác sĩ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã quy định rõ không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên tuổi của các đơn vị y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hay bài viết của họ để quảng cáo thực phẩm, nhưng trên thực tế nhiều sản phẩm quảng cáo vẫn vi phạm nhằm thao túng lòng tin của người tiêu dùng.

Trong vụ việc kể trên các đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn, trong đó có việc lợi dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ để quảng bá, buôn bán sản phẩm sữa giả Rance Pharma.

Theo xác minh của cơ quan Công an, từ tháng 8/2021, nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sữa bột đang tăng cao trên thị trường, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà cầm đầu đã thành lập 2 công ty: Công ty Rance Pharma (đặt tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (tại khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội). Dưới vỏ bọc doanh nghiệp hợp pháp, nhóm này tổ chức sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả trên quy mô lớn.

Theo điều tra, đường dây này đã sản xuất đến 573 nhãn hiệu sữa bột khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng tiêu dùng như người tiểu đường, bệnh thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai... Dù trên nhãn công bố có các thành phần cao cấp như tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca, óc chó…, thực tế sản phẩm hoàn toàn không chứa các thành phần này.

Tối 11/4, Bộ Công an đã triệt phá một đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đường dây này do hai công ty là Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group điều hành. Các nghi phạm đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.

Cơ quan công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.Từ tháng 8/2021 đến nay, họ đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả, thu lợi gần 500 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu nói trên cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Hà Linh


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan