‘Người trẻ nước ngoài đọc sách, chúng ta cà phê, nhậu nhẹt’

‘Người trẻ nước ngoài đọc sách, chúng ta cà phê, nhậu nhẹt’

“Trong khi người nước ngoài dành thời gian rảnh cho tập thể dục, đọc sách, nhiều bạn trẻ nước mình lãng phí cho tụ tập, cà phê, chém gió, nhậu nhẹt”, diễn giả Nguyễn Bá Ngọc nói.

Chia sẻ bài viết Những thứ có lẽ Việt Nam có nhiều nhất thế giới trên mạng xã hội, ông Nguyễn Bá Ngọc – Chủ tịch Công ty NBN Media, Trưởng khoa PR, Trường cao đẳng Việt Mỹ, cho rằng, chúng ta đang có nhiều quán cà phê và những người ngồi lê trong quán ngày này qua ngày khác, không chịu làm gì.

Ông cũng cho rằng, nhiều bạn trẻ thích nhậu nhẹt, karaoke, lên Facebook “chém gió”…

Trả lời phỏng vấn của Zing.vn, diễn giả này bày tỏ thêm quan điểm cá nhân về những nhận định trên.

– Dựa trên tiêu chí nào để ông đánh giá như vậy?

– Chủ yếu tôi dựa trên các con số thống kê mà một phần mọi người đã biết rải rác. Phần nữa là quan sát, ghi nhận trực tiếp theo thói quen của một doanh nhân, đồng thời từng là nhà báo nhiều năm.

Về chuyện nhậu, nhiều số liệu thống kê cho thấy Việt Nam dẫn đầu về việc sử dụng rượu bia. Chúng ta tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia năm 2015; là nước có mức tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới.

1 Nguoi Tre Nuoc Ngoai Doc Sach Chung Ta Ca Phe Nhau Nhet

Song điều tệ hại hơn cả lại là bia rượu được tiêu thụ thông qua những văn hoá uống tệ hại nhất thế giới, là hệ thống quán nhậu đa số bẩn, bê tha và ép nhau uống đến say xỉn…

Còn về chuyện lang thang trên mạng xã hội và chém gió vô bổ, thống kê mới nhất của Global Web Index đầu 2016 cho thấy người Việt đứng thứ 12 thế giới về thời gian dùng Facebook với 2,3 giờ mỗi ngày. Mỹ đứng thứ 16 và Nhật xếp vị trí 28.

Trong khi đó, tính về tổng thu nhập quốc nội và thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam chỉ xếp thứ 8/10 các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Một số “đặc sản” như người bán vé số, quán chè chén vỉa hè (cộng ghi đề), hệ thống nhà nghỉ… đều là thứ nếu bình tâm xem xét thấy lợi bất cập hại.

Bên cạnh đó, trên thực tế, bằng những trực quan của bản thân trong quá trình sống và làm việc tại Việt Nam và đi công tác, du lịch nhiều quốc gia khác, tôi thấy cũng không khó khăn để cảm nhận những điều này đúng hay không.

– Theo ông, những người thường xuyên la cà quán xá, hay ngày đêm lên mạng “chém gió” tập trung độ tuổi nào?

– Tôi không phê phán những người sử dụng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cho mình trong các quán cà phê. Khá nhiều người dù bận rộn, họ vẫn có sở thích gặp bạn bè hay chia sẻ cảm xúc trên mạng xã hội. Song, họ sử dụng những thứ giải trí ấy có chừng mực và mục đích rõ ràng, trong khoảng thời gian hợp lý.

Trái lại, một số gần như dành cả ngày cho việc tụ tập, lên mạng “chém gió”. Theo thống kê của Facebook và quan sát cá nhân, độ tuổi lên Facebook nhiều nhất từ 18-24. Có thể dễ dàng thấy chân dung của họ: 18 đến 21 tuổi thường là sinh viên, cần học, đọc, nghiên cứu, làm thêm, công tác xã hội… thì lại lang thang lên Facebook và “chém gió bạt ngàn”.

21 đến 24 tuổi, người trẻ mới ra trường, cần học hỏi thực tế rất nhiều, tập trung công việc để cố gắng hoà nhập và làm gì đó hữu ích cho xã hội, song cũng lại dành quá nhiều thời gian lang thang trên Facebook. Đấy là những điều đáng tiếc…

– Trong bài viết, ông cũng nhắc tới việc mở nhiều cửa hàng tạp hoá, phòng giao dịch ngân hàng… Tại sao ông lại cho rằng, điều này là đáng báo động, trong khi nó đem đến sự tiện lợi cho người dân?

– Đúng là việc mọc ra những cửa hàng, chi nhánh giao dịch đem đến sự thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, cùng một khu vực, nếu có quá nhiều dịch vụ gần như nhau sẽ là sự lãng phí không nhỏ và cũng không tốt cho cả dân sinh lẫn cho cạnh tranh. Rõ ràng, đó không phải những phương án dịch vụ tối ưu cho việc phát triển đất nước.

Tôi cho rằng, xã hội muốn tiến bộ, cần đầu tư cho việc tạo ra sản phẩm, thay vì đổ xô làm chung một công việc đem lại hiệu quả không cao, cũng như không có cơ hội cho việc phát triển tư duy mỗi người.

– Ông có so sánh gì về tình trạng trên với một số quốc gia khác?

– Ở nước ngoài, bạn không dễ tìm ra nhiều quán cà phê, hàng tạp hoá… tại một khu vực. Đó là do chính sách của chính quyền và của chính các ngân hàng nhằm tối ưu hoá lợi ích cho cả người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh và rộng hơn cho cả quốc gia.

Ngoài ra, có thể dễ dàng nhận thấy việc lê la quán xá vô bổ tại nước ngoài là điều ít xảy ra so với Việt Nam. Trong khi họ dành thời gian rảnh tập thể dục, thể thao, đọc sách và những thói quen lành mạnh khác, nhiều bạn trẻ nước mình lại lãng phí cho tụ tập, cà phê, chém gió, nhậu nhẹt…, nhất là nhậu nhẹt rất có hại cho trí lực quốc gia, mang lại nhiều hậu quả cả cho mỗi cá nhân và cả gia đình họ.

Bởi vậy, tôi thiết nghĩ điều này nên được điều chỉnh sớm bằng các chính sách và lộ trình hợp lý. Tôi nghĩ là nên làm luôn, vì đã quá muộn rồi.

Theo Zing


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan