Ông Nguyễn Quang Tuấn , nguyên Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố.
Liên quan tới vấn đề hiện nay lãnh đạo các bệnh viện tại Việt Nam thường là bác sĩ giỏi về chuyên môn chứ không phải nhà quản lý chuyên nghiệp, nhiều người đặt câu hỏi, điều này có khiến cho sai phạm dễ xảy ra hơn, hoặc làm thất thoát nhân tài hay không?
Một cựu cán bộ hơn 30 năm làm công tác quản lý tại Bộ Y tế chia sẻ: "Việc quản lý một bệnh viện dù lớn hay nhỏ đều rất khó. Nhất là những bệnh viện tuyến trung ương có tới hàng nghìn con người thì càng khó khăn hơn gấp bội lần.
Đặc biệt, với cơ chế tự chủ bệnh viện chưa thật rõ ràng, nhiều thách thức như hiện nay lại càng khó khăn vì mang trên vai gánh nặng kiếm tiền để lo cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên làm việc trong bệnh viện…
Bệnh viện Tim Hà Nội.
Việc tự chủ tự thu tự chi, tổ chức đấu thầu theo những quy chế phức tạp nếu không làm tốt, không nắm vững các quy định có thể mắc phải sai lầm. Bên cạnh đó, các công ty dịch vụ, bán trang thiết bị có nhiều mánh khóe nếu người lãnh đạo không tỉnh táo, không am hiểu về quản lý tài chính thì có thể xảy ra vi phạm quy chế đấu thầu.
Khi những thầy thuốc giỏi bị xử lý hình sự và ra trước vành móng ngựa thì nhiều người thấy ngậm ngùi, tiếc nuối, đặc biệt những bệnh nhân đã được chính những bác sĩ đó tận tình cứu chữa, thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Nếu giám đốc bệnh viện vừa làm chuyên môn vừa quản lý bệnh viện thì càng dễ "sảy chân". Ở nước ngoài, giám đốc quản lý bệnh viện thường là người đã học rất bài bản về tài chính – quản trị, bác sĩ giỏi thường chỉ giữ cương vị giám đốc về chuyên môn.
Ở Việt Nam, trái lại, giám đốc bệnh viện lớn thường là bác sĩ phải có bằng cấp ít nhất tiến sĩ hoặc thạc sĩ về chuyên môn và sau đó có học thêm các bằng cấp về quản lý hành chính, chính trị. Ở Việt Nam có một quan điểm rất "tệ" là giám đốc bệnh viện mà không có bằng cấp về chuyên môn cao hoặc tay nghề giỏi thì nói nhân viên trong viện sẽ không phục.
Do vậy, người lãnh đạo bệnh viện sẽ phải lựa chọn hoặc chuyên tâm cho công tác quản lý hay công tác chuyên môn khám chữa bệnh. Tôi còn nhớ thầy Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách và một số giáo sư giỏi của ngành y tế khi được đưa lên hoặc gợi ý đưa lên làm lãnh đạo Bộ Y tế đều đã từ chối không làm để tập trung tốt cho công tác chuyên môn. Hay như GS Trịnh Hồng Sơn cũng đã từ chối làm giám đốc bệnh viện Hữu Nghị để ở lại Việt Đức làm chuyên môn.
Một bác sĩ khi lên làm quản lý sẽ phải học hỏi thêm các kiến thức về vấn đề quản lý bệnh viện và cũng sẽ phải đánh đổi chuyên môn yêu thích của mình để tập trung vào quản lý.
Tuy nhiên cũng không loại trừ rằng trong một số trường hợp, vi phạm về quản lý tài chính bệnh viện do bản thân người lãnh đạo không vượt qua được những cám dỗ về vật chất.
Chúng ta nên có cơ chế quản lý bệnh viện rõ ràng hơn và quy định người điều hành bệnh viện cần phải có chuyên môn quản lý bệnh viện và không nhất thiết phải có chuyên môn giỏi chữa bệnh. Nên hướng tới mô hình bệnh viện có giám đốc điều hành và giám đốc chuyên môn".
|
Ngọc Minh
Nguồn: toquoc.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC