Tại sao trẻ Tây học dốt hơn trẻ Việt nhưng ra trường lại giỏi hơn?

Tại sao trẻ Tây học dốt hơn trẻ Việt nhưng ra trường lại giỏi hơn?

Người Việt mình ra nước ngoài thường kháo nhau, đi học 12 năm phổ thông chung thì Tây dốt lắm. Vậy mà, các cấp bậc học sau đại học có khi không đủ sức đua với “chúng nó”, nhất là xui mà gặp giống Do Thái hay hội hàn lâm gốc Đông Âu.

Rồi đến lúc đi làm, thì trăm phần trăm là phục sát đất mấy ông sếp Tây, công lực thâm hậu mà liêm minh chính trực cũng vững vàng. Chưa xét tới quan điểm sống. Cũng chỉ nói về thành phần số đông thôi, bỏ bớt thành phần cá biệt, thiểu số, và các loại thần đồng.

Cái gì đã xảy ra trong một thời gian ngắn, từ sau 18 tuổi, khiến cho thành phần 12 năm học dốt mình hay nói tới, thành nhân và thành công hơn hội học sinh khá và giỏi của chúng ta?

Thật ra, không phải người ta vào đại học rồi cuồng học lên để bù đâu các bạn ạ. Họ dành 12 năm phổ thông, và nhiều năm sau đó học chuyên môn, chỉ để làm điều họ thích. Vì vậy mình sẽ thấy họ lựa chọn nghề nghiệp rất đa dạng. Nếu họ không còn thích nữa, họ sẵn sàng xé nháp, làm lại cuộc đời. Tính thích ứng và tự thân vận động rất cao.

1 Tai Sao Tre Tay Hoc Dot Hon Tre Viet Nhung Ra Truong Lai Gioi Hon

Người Việt học dày đặc từ mẫu giáo, lên lớp 1 đã biết làm hết các phép toán cơ bản, viết thư, làm văn, thi vở sạch chữ đẹp, đến lớp 9 là đã học hết khoa học cơ bản của giáo trình 12 năm bên này.

Dành 3 năm cấp ba để tụng kinh gõ mõ luyện thi bộ đề dành cho các giải thi Olympics quốc tế. Sau khi vào đại học, trước siêng bao nhiêu thì nay lười bấy nhiêu.

Phần lớn vẫn trông cậy vào bài đọc giảng của giáo viên, các môn học khi thi toàn viết theo khuôn mẫu đã học, chữ nghĩa trả lại cho thầy. Không viết được thì chép, không chép được thì thuê người viết hộ. Cứ thế, đến khi đi làm thì ngừng luôn việc tự học. Phần lớn chọn an phận thủ thường, khi các bạn mới ở độ tuổi 24-25.

Nếu vẽ biểu đồ, thì người Việt mình học theo giáo trình của hình tháp. Khi nhỏ thì gánh khối kiến thức nặng nhất, càng lớn lại càng ít dần, đến tuổi vào đời thì gần như ngừng học.

“Bọn Tây” thì ngược lại, họ học theo hình tháp ngược.

Khoảng thời gian đầu đời khi đi học chỉ toàn chơi. Các bậc phụ huynh người Việt tha hồ sốt ruột. Học đã không xếp thứ hạng, mà đứa nào cũng được lên lớp. Gặp đứa chịu học thì không sao, mấy đứa lười lười thì vẫn được tạo điều kiện để... vừa lười vừa học mà vẫn không bị hổng kiến thức. Họ xây dựng giáo trình như những viên gạch xây nhà.

Mỗi năm trẻ vẫn học lại kiến thức cũ, nhưng cách áp dụng mới. Một concept toán cơ bản, loanh quanh suốt 9 năm chỉ có cộng trừ nhân chia. Vậy mà khi làm bài kiểm tra, có ngồi trước Google và máy tính cũng không nhờ máy giải hộ được, vì toán của họ là toán tư duy, không phải loại giải hay tính nhẩm ào ào như mưa rào.

Ai cũng biết trẻ con ở nước ngoài được khuyến khích tranh thủ cái tháp ngược, học rất ít thì chơi rất nhiều. Giờ hoạt động thể chất của tụi nó, bao gồm tắm nắng và chạy nhảy ngoài trời ít nhất 1h mỗi ngày là bắt buộc, bất luận thời tiết quá nóng hay quá lạnh. Một trẻ quên không làm bài tập về nhà, thì tự dành thời gian nghỉ giữa các tiết học để cho kịp trước khi vào bài mới.

Trong tuần có ít nhất vài tiết học bỏ trống, để mấy ông lười làm nốt các bài tập, còn các bạn đã làm xong bài dùng thời gian đó để làm cái mình thích.

Khi giải bài, tụi nó thường giải trong nhóm, bàn cãi chán chê, không có câu trả lời nào là sai cả.

Nếu chúng nó cần thêm thời gian để cãi nhau, cô giáo cũng đào đâu ra thời gian để đợi, có khi cả tuần tụi nhỏ mới giải xong. Vấn đề là ở chỗ, người Việt mình sẽ rất nóng vội. Người lớn sẽ lao vào giải cứu. Sẽ dùng hết sinh lực để giải càng nhanh, càng khó, càng nhiều càng tốt. Còn bên này, không một bài toán nào của cô có lời giải.

Trước và sau, toàn bọn học trò tự giải thích và chỉ nhau thôi. Khi nộp bài, cô cũng không vội chấm điểm. Mỗi đứa tự dò lại bài theo tiêu chí chấm điểm công khai. Xong rồi giao bài cho đứa khác trong lớp nó chấm và sửa cho. Sau đó, tuỳ đứa trẻ ấy có muốn sửa lại theo hướng dẫn của bạn không, rồi nộp cho cô bản final.

Điểm số không có tính định kiến hay may rủi ở đây. Nó hoàn toàn là kết quả của việc tư duy, tự học, học ở bạn và học theo kì vọng cá nhân đã được đặt ra.

Từ nhỏ đến lớn, học theo hình xoáy ốc, càng lớn thì năng lực tự học và học ở người khác ngày càng dồi dào. Họ học trong một thế giới mở. Ai cũng có quyền có sai lầm, và được tạo điều kiện để được góp ý, chỉnh sửa trước khi hoàn thiện.

12 năm phổ thông để rèn luyện phẩm chất đó, chứ không phải chinh phục bộ đề toán cao cấp nhanh nhất có thể. Các vị phụ huynh người Việt ở đây sẽ có hai lựa chọn, tiếp tục sốt ruột và nóng vội gửi con đi học các lớp kèm thêm, hay ... để cho lũ trẻ cãi nhau vì một bài toán nhỏ suốt cả tuần, thời gian còn lại ngoài lớp học chỉ thấy chúng nó say sưa cào cát ở ven sông :))

Nguồn: S.A.B Foundation


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan