Cô gái khoe được tiêm vắc xin Pfizer nhờ 'ông ngoại' trên Facebook cá nhân - Ảnh chụp màn hình
Câu chuyện nóng nhất, gây phẫn nộ nhất và buồn đau nhất trong cộng đồng hôm nay chính là câu chuyện về những màn khoe được tiêm vắc xin "xịn" nhờ quan hệ.
Từ "ông ngoại" lâu nay luôn được người Việt cất lên với bao kính trọng, trìu mến, yêu thương thì hôm nay chắc hẳn trở thành một từ đầy ám ảnh với "khổ chủ" và một từ đầy chua xót với bất cứ ai có bố có mẹ, có "ông ngoại".
Sau đó là đến từ "chú em": "Tối qua chú em gọi điện 'đầu tuần em tổ chức tiêm vắc xin cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của tập đoàn, mời anh tham gia. Có hai loại Pfizer & Moderna anh thích loại nào thì tiêm loại đó... bọn em sẽ lo loại vắc xin tốt tiêm cho anh và người thân không hạn chế số lượng'…".
Vũ Phương Anh - Hoa khôi trường báo và cũng là cái tên hot nhất hiện tại khoe được tiêm vắc xin Pfizer nhờ 'ông ngoại' |
Dòng chia sẻ trên mạng xã hội của một "ông anh" cộm cán có tài khoản Facebook G.X.N này tiếp sau cô hoa khôi khiến lòng chính trực của bao người tiếp tục bị xúc phạm.
Coi chống dịch là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết, ngay từ khi có dịch COVID-19, Chính phủ đã luôn lựa chọn những chiến lược và giải pháp để đảm bảo tất cả người dân đều được bảo vệ bình đẳng trước đại dịch, từ những nơi cách ly tập trung được "bao cấp" cho công dân tới chính sách tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân.
Ngay từ đầu Chính phủ đã thống nhất quan điểm tiêm phòng COVID-19 miễn phí cho toàn dân cho dù ngân sách khó khăn phải kêu gọi người dân cùng ủng hộ, đóng góp tự nguyện, dù nhiều doanh nghiệp tuyên bố muốn "tự lo" vắc xin cho nhân viên của tổ chức mình.
Ở đây không chỉ là câu chuyện Nhà nước lo chăm sóc y tế miễn phí cho toàn dân trước đại dịch mà còn để đảm bảo sự công bằng trong việc tiêm vắc xin COVID-19, để bất kỳ ai không kể giàu nghèo, địa vị xã hội đều được tiếp cận với vắc xin bình đẳng.
Trong khái niệm bình đẳng ấy bao gồm cả việc ưu tiên tiêm trước cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch như bộ đội, công an, y, bác sĩ, phóng viên báo chí phải đi lại tác nghiệp giữa dịch bệnh… và ưu tiên cho người dân vùng dịch.
Khi TP.HCM rơi vào vòng xoáy nặng nề của dịch COVID-19 với hàng ngàn ca mắc mỗi ngày, vắc xin đương nhiên được ưu tiên cho người dân thành phố này, cả nước đều đồng lòng, vui vẻ ủng hộ sự ưu tiên ấy, như cả nước đồng lòng nhường cơm sẻ… máy thở với bà con Sài thành.
Nhưng rồi những gáo nước lạnh buốt lần lượt giội vào lý tưởng bình đẳng bác ái mà toàn xã hội đang gây dựng trong đại dịch.
Cô hoa khôi và một ông "hồn nhiên" lên mạng xã hội khoe nhờ "ông ngoại", "chú em" mà mình vừa được tiêm "vắc xin Mỹ", khiến người người phẫn nộ.
Không phẫn nộ sao được khi giữa lúc hàng triệu người dân đang phải gồng mình giữa "chảo lửa" dịch bệnh, phải đấu tranh dữ dội ở lằn ranh sống chết, cô hoa khôi, "ông anh" kia vẫn nhờ mối quan hệ để được đặc quyền tiêm vắc xin "xịn" và sớm hơn người khác.
Rồi cái việc xin - cho tồi tệ ấy những tưởng ai ai cũng phải tìm cách giấu cho kín, nhưng ngạc nhiên là những anh, những cô ấy lại lên chốn công cộng khoe cả thiên hạ với lòng tự hào ngấm ngầm "ta đây" lắm quan hệ.
Quá bất nhẫn, vô cảm hay chỉ đơn giản là có những người thích khoe cho oai? Nhưng ngay cả khi chỉ khoe cho oai chứ không có ý gì, thì nó đã rất "có ý". Bởi làm thế nào mà những con người hẳn có học thức đầy đủ có thể hoàn toàn "hồn nhiên" đi khoe điều xấu mình đã làm với đồng loại mà không biết đấy là điều xấu.
Khi người ta làm điều xấu mà thấy nó bình thường và mang đi khoe, điều đó đáng buồn, đáng giận biết bao, nhất là trong hoàn cảnh ngặt nghèo của dịch bệnh đang là thách thức lớn tới nhân phẩm con người.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC