''Vận động đừng về ăn Tết là vô cảm với người xa quê''

''Vận động đừng về ăn Tết là vô cảm với người xa quê''

Một số địa phương vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết hoặc gây khó dễ bằng yêu cầu cách ly dài ngày là vô cảm và tạo tiền lệ xấu, theo TS Nguyễn Đức Lộc.

1 Van Dong Dung Ve An Tet La Vo Cam Voi Nguoi Xa Que

Trước việc nhiều địa phương có thư ngỏ, văn bản vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết "nếu không cần thiết", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội (Viện Social Life), nhận định những lời kêu gọi kiểu này không tạo cảm xúc tích cực cho xã hội, còn có thể gây tâm lý kỳ thị người ở xa về với cộng đồng tại địa phương.

"Điều đó có thể khiến người dân bức xúc khi chính quyền vô cảm với nỗi nhọc nhằn của lao động xa quê", ông đánh giá.

2 Van Dong Dung Ve An Tet La Vo Cam Voi Nguoi Xa Que

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc. Ảnh: H.P

Chuyên gia phân tích, Tết là dịp quan trọng để người Việt thăm nom cha mẹ, cúng giỗ tổ tiên, thực hiện những nghi thức với người còn sống lẫn người đã khuất, cũng chính là lúc xốc lại tinh thần với người lao động.

Nhiều năm nghiên cứu về lao động di cư, ông nhận thấy tập quán của nhóm này là luôn có nhu cầu trở về nhà mỗi dịp cuối năm. Bình thường khi không có dịch, họ sẵn sàng chi nhiều triệu đồng tiền vé tàu, xe, máy bay để trở về nhà. Có dịch, người lao động lại càng muốn về bởi đã cầm cự quá lâu khi đợt dịch thứ tư kéo dài.

Theo ông, trở về hay ở lại là lựa chọn của mỗi người dân, chính quyền không có lý do gì để kêu gọi họ đừng trở về. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, đã cơ bản phủ vaccine mũi hai và đang tăng tốc phủ vaccine mũi 3. Những người về quê đa phần đã được tiêm vaccine đủ liều.

3 Van Dong Dung Ve An Tet La Vo Cam Voi Nguoi Xa Que

Người dân mua vé về quê tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) dịp Tết dương lịch 2022. Ảnh: Phạm Chiểu

TS Nguyễn Đức Lộc nhìn nhận, nếu họ không thể về quê, ở lại phòng trọ hoặc cô đơn giữa thành phố lớn còn tạo ra một cảm xúc tồi tệ hơn. Càng tìm cách giữ chân lại càng tạo ra cảm xúc tiêu cực cho người dân, dễ dẫn tới những hành vi không đoán định được, nhất là với người yếu thế. Dòng lao động ồ ạt hồi hương là một bài học, khi mà nhiều địa phương không tổ chức đưa đón bài bản, cách ly, để người dân tự phát đi xe máy về.

"Khi chính quyền ra lời kêu gọi hay quy định thì phải tính toán có hiệu quả, nếu không tốt nhất là đừng đưa ra những thông điệp không phù hợp", ông nói.

Vị chuyên gia đề xuất, thay vì vận động hoặc ra quy định làm khó người dân, chính quyền các địa phương có thể xây dựng một thông điệp khác, là "đón Tết an toàn". Người lao động vừa thấy an lòng khi có quê hương ở phía sau, vừa truyền cảm xúc tích cực, người dân sẽ ý thức hơn.

Trải qua hai năm đại dịch, người dân cũng đã khá quen thuộc với khai báo y tế, thậm chí chủ động xét nghiệm khi về quê, ý thức phòng dịch cho cả bản thân lẫn người nhà. Người về quê nên khai báo đầy đủ, thông báo cho chính quyền địa phương biết, không trốn tránh hoặc đi đường ngang lối tắt mất an toàn. Thay vì thăm nom ông bà, họ hàng, đi chơi, thì hạn chế tới chỗ đông người hoặc tập trung nhậu nhẹt.

4 Van Dong Dung Ve An Tet La Vo Cam Voi Nguoi Xa Que

Dịp Tết Nhâm Dần, người lao động dự kiến được nghỉ 9 ngày. Ảnh: Ngọc Thành

Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng chủ trương chống dịch hiện nay là kiểm soát rủi ro chứ không "ngăn sông cấm chợ". Các tỉnh cần thực hiện đúng chủ trương này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như an sinh xã hội.

Địa phương vận động hay ra quy định làm khó người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt. Vừa qua, Chính phủ đã "thổi còi" địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về.

Việc này Bộ Y tế đã có quy định cụ thể, như không yêu cầu giấy xét nghiệm đối với việc đi lại; người dân di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác, không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (thời hạn tối đa là 7 ngày)....

Công điện của Chính phủ về đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã yêu cầu ngành Giao thông phải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra tình trạng không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe; bảo đảm linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh... Vì vậy, theo ông Phu, các tỉnh nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn.

Người dân đi lại khai báo y tế, thực hiện 5K, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập... Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp khi ca mắc chưa giảm mà tăng mỗi ngày. Nếu không thực hiện các biện pháp quyết liệt thì sau Tết, dịch dễ bùng lên.

Cách Tết Nguyên đán gần một tháng, hàng loạt địa phương vì lo ngại bùng dịch đã vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết hoặc ra quy định yêu cầu lao động về sớm để cách ly. TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) gửi thư ngỏ vận động người thân sinh sống, học tập, công tác xa tạm thời không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết.

Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, ông Nguyễn Lợi Đức cũng gửi thư ngỏ về việc chung tay cùng cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nội dung tương tự bức thư của TP Thanh Hóa.

Tháng trước, tỉnh Vĩnh Phúc ra công văn, ngoài yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính, còn kêu gọi các gia đình vận động người thân đang học tập, làm việc xa quê hạn chế đi về tỉnh dịp Tết dương lịch lẫn Tết Nguyên đán. Chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các địa phương vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh "khi không thật sự cần thiết".

UBND xã Chiềng Yên (Vân Hồ, Sơn La) yêu cầu lao động làm việc ngoài địa bàn về trước Tết 22 ngày để cách ly phòng dịch, sau phải điều chỉnh công văn.

Hồng Chiêu - Lê Hoàng

Nguồn: vnexpress.net


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan