1. Dọn sạch nhà bếp mỗi khi chuyển nhà
Bạn có thể đã nghe câu nói "lấy mọi thứ trừ bồn rửa nhà bếp." Nhưng ở Đức, khi dọn nhà, bạn có thể phải bê luôn cả cái bồn.
Nếu căn bếp có sẵn từ thời người thuê trước và cũng không bao giờ được chi trả bởi chủ nhà, căn bếp thuộc trách nhiệm của bạn.
Điều đó có nghĩa rằng khi người thuê nhà mới muốn mang theo thiết bị nhà bếp của riêng họ (trường hợp nay không hiếm), bạn phải tự xử thôi, nếu không, chủ nhà có thể bắt bạn trả tiền để di dời.
Việc này đặc biệt gây khó chịu cho những người di chuyển xa không thể mang theo máy rửa chén và tủ lạnh. Nếu bạn không chuẩn bị, bạn sẽ phải bán lại những thiết bị nhà bếp với giá quá thấp so vs số tiền bạn từng bỏ ra để mua.
Và nếu bạn đến Đức mà không mang theo đồ đạc, bên cạnh đồ nội thất, bạn buộc phải chi một đống tiền cho lò nướng, tủ lạnh, bồn rửa và máy rửa chén.
2. Phải trả phí giấy phép truyền hình - ngay cả khi bạn không sở hữu tivi
Ngày nay, rất ít người trong chúng ta có TV, hoặc không có khả năng mua một cái nếu vừa mới chuyển đến Đức. Vả lại, bạn còn có Netflix, Amazon Prime và hàng tỉ lựa chọn trên internet kia mà.
Nhưng vì lý do nào đó, mỗi gia đình người Đức phải trả một giấy phép truyền hình và đài phát thanh, bất kể bạn có sở hữu một cái tivi hay không.
Mức phí 17,50 € mỗi tháng cũng không hoàn toàn là rẻ, nhưng đừng hi vọng bạn có thể lách luật. Chính quyền sẽ sớm vào cuộc, gửi thư đe doạ tịch thu xe, cho dù bạn chẳng sở hữu lấy một chiếc.
3. Phim lồng tiếng
Vì bạn bị buộc phải trả tiền cho các đài truyền hình công cộng, bạn mong muốn được nhận lại một dịch vụ tốt.
Đài phát thanh truyền hình Đức thực sự đắt nhất trên thế giới, với 23 đài truyền hình và 63 đài phát thanh có ngân sách hàng năm khoảng 8,4 tỷ euro, nhiều hơn BBC của Anh, cung cấp rất nhiều chương trình trên truyền hình và radio.
Loạt phim tội phạm Tatort có lẽ là chương trình nổi tiếng nhất ở Đức – công chiếu liên tục từ năm 1970. Truyền hình Đức bị ám ảnh bởi loạt phim trinh thám, nhưng bên cạnh đó và các chương trình chuyên đề hàng ngày, bạn còn ít lựa chọn.
Và khi họ phát sóng một bộ phim bom tấn, nó sẽ được lồng tiếng. Sao họ không chèn phụ đề cơ chứ? Thực sự không ai muốn xem James Bond khi Daniel Craig có giọng nói của một nhân viên kế toán Đức buồn tẻ.
4. Bán 20 loại dưa chua, nhưng không có đồ ăn châu Á
Ngày đầu tiên đặt chân lên nước Đức, bạn sẽ choáng ngợp trước những siêu thị mới, bởi suy cho cùng mua sắm ở nước ngoài luôn thú vị. Nhưng thật đáng buồn, cảm giác này sẽ sớm biến mất.
Thứ nhất, cách bố trí trong các cửa hàng của Đức hiếm khi hợp lý. Nếu bạn muốn mua tortellini, bạn sẽ phải đi đến quầy thịt để mua loại nhân thịt và sau đó qua quầy đồ chay để mua loại có nhân phô mai.
Nhìn chung, hàng hoá cũng kém phần đa dạng. Nếu bạn hài lòng với việc chỉ ăn các món Âu, bạn sẽ sống tốt, nhưng nếu muốn tìm thực phẩm Á Đông cơ bản, bạn sẽ phải lặn lội đến khu chợ cho người châu Á.
Một vấn đề khác là rượu. Điểm cộng là chúng rẻ, nhưng ở nhiều siêu thị, nếu bạn muốn có một chai rượu mạnh, bạn phải thông báo ngay từ đầu. Nhân viên sau đó sẽ đi đến tủ đồ uống có khóa, tìm loại bạn cần và quay trở lại quầy thu ngân. Sự việc sẽ khó xử hơn khi đằng sau bạn là hàng dài người đang chờ thanh toán. Họ sẽ khiến bạn phải hối hận chỉ vì một chai whisky.
5. Bồn cầu kiểu Đức
Một chiếc bồn cầu tiêu chuẩn ở Đức
Phòng tắm của Đức cũng chẳng hay ho là mấy, thậm chí là kinh khủng. Vấn đề không nằm ở vệ sinh hay kích thước mà là các trang thiết bị.
Vòi hoa sen thường được đặt ngay trên bồn tắm và được gắn vào tường theo cách khiến bạn phải thực hiện động tác squat để làm ướt tóc.
Nhiều nhà tắm còn thiếu quạt thông gió. Trừ khi bạn mở cửa sổ (tất nhiên không phải vào tháng 12), bằng không, phòng tắm sẽ tràn ngập hơi nước và chúng cứ dính mãi mãi vào tường.
Nhưng tồi tệ nhất vẫn là loại bồn cầu bạn có thể thấy trên khắp nước Đức. Bồn cầu kiểu Đức có một bệ đỡ phân, là nơi kiểm tra tình trạng phân và phát hiện các nguy cơ bệnh tật. Thế nhưng, chẳng cần giải thích tại sao nó sẽ làm bạn ngán ngẩm, trừ khi bạn muốn nghiên cứu chất thải của mình.
6. Siêu bình tĩnh trước hoả hoạn
Đây lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn. Đức không có luật liên bang về chuông báo cháy, vì vậy mỗi tiểu bang lại có luật riêng. Vào mùa hè năm 2016, Berlin, Brandenburg và Saxony là những bang cuối cùng áp dụng luật này.
Tuy nhiên, nó không đơn giản như vậy. Tại Berlin, tất cả các công trình mới phải có chuông báo cháy từ năm 2017, nhưng luật áp dụng cho các tòa nhà hiện tại không có hiệu lực cho đến năm 2021.
Vì vậy, mặc dù Đức cuối cùng đã đưa ra luật, vẫn có thể sẽ không có chuông báo cháy nếu bạn sống ở thủ đô trong 4 năm nữa.
7. Thẩm vấn bạn khi bạn mua thuốc cảm
Các hiệu thuốc thường đặt hàng loạt câu hỏi để xem liệu bạn có thực sự cần thuốc hay không.
Ở Đức, “apotheken” (các hiệu thuốc) nằm trên hầu hết mọi đường phố, nhưng họ không có nhiều loại thuốc mua tự do, và thường thẩm vấn xem liệu bạn có thực sự cần thuốc trước khi tính giá cao trên trời.
Đúng là không phải bàn cãi về chuyên môn của một dược sĩ được đào tạo 5 năm, nhưng nếu bạn chỉ muốn một viên aspirin, có nhất thiết phải rườm rà như thế không?
Chúng ta cũng không thể quên rằng các hiệu thuốc không mở cửa vào Chủ Nhật. Nếu đột nhiên chứng đau nửa đầu hành hạ bạn vào ngày này, bạn thực sự sẽ phải vật lộn.
8. Nói không với nghỉ bù
Tại hầu hết các nước châu Âu, nếu Giáng sinh rơi vào ngày chủ nhật, bạn sẽ được nghỉ bù vào thứ Ba, nhưng không phải ở Đức. Ở đây, nếu ngày nghỉ lễ rơi vào cuối tuần, đó chỉ là một điều không may. Và kỳ lạ, việc bỏ phiếu cho thấy hầu hết người Đức nghĩ mọi chuyện nên diễn ra như thế.
Nhân tiện nói về nghỉ lễ, tại sao Bavaria được nghỉ 13 ngày mà Berlin chỉ có 9? Họ có ánh mặt trời, những ngọn núi, Oktoberfest và giờ là nhiều ngày nghỉ hơn? Thật chẳng công bằng chút nào!
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC