Vào ngày 18-9-2005, khi các phòng bỏ phiếu đóng cửa và kết quả thăm dò được công bố trên truyền thông như “gáo nước lạnh” giội vào phe Bảo thủ do bà Angela Merkel lãnh đạo. Trước đó vài ngày, các cuộc thăm dò đều dự đoán đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng “chị em” với CDU là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) sẽ giành được hơn 40% phiếu bầu. Thế nhưng, với kết quả giành được 35,2% phiếu bầu, đây là thành tích thấp kỷ lục của CDU và CSU. Tại quốc hội mới, liên minh CDU-CSU chỉ hơn đối thủ có 4 ghế.
Theo hiến pháp Đức, liên minh lớn nhất trong Hạ viện sẽ được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ. Để tập hợp lực lượng, CDU liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD)… Nhờ đó, bà Angela Merkel được Hạ viện bầu làm thủ tướng vào ngày 22-11-2005 với đa số phiếu ủng hộ. Lần đầu tiên kể từ năm 1949, một phụ nữ được bầu làm người đứng đầu chính phủ Đức.
Trước khi trở thành Thủ tướng Đức, bà Merkel từng là bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Helmut Kohl ở nhiều vị trí khác nhau, đầu tiên là ở Bộ Thanh niên, sau đó là Bộ Môi trường và tiếp tục sự nghiệp kinh doanh trong 8 năm. Năm 1998, Angela Merkel trở thành Tổng thư ký của CDU. Hai năm sau, bà nắm quyền lãnh đạo đảng với sự ủng hộ của Thủ tướng Helmut Kohl. Ông Helmut Kohl thường gọi Merkel là “Das Mädchen” (Cô gái nhỏ), có thể làm những điều mà nhiều nam giới không dám làm.
Việc chấp nhận một phụ nữ đến từ Đông Đức, con gái của một mục sư Tin lành, chưa có con, nắm quyền lãnh đạo đảng CDU là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, lúc đó nhiều người cho rằng, đưa bà Merkel lên là một giải pháp tạm thời. Thậm chí, ba năm sau đó, không ai có thể nghĩ rằng bà Merkel sẽ sánh ngang kỷ lục của ông Helmut Kohl về thời gian cầm quyền, là người được Tạp chí Forbes liên tục bình chọn là “Phụ nữ quyền lực nhất thế giới” cũng như là “Người bảo vệ thế giới tự do” cách đây 4 năm. Trong 15 năm qua, Thủ tướng Merkel đã làm việc với 4 đời tổng thống Pháp và 3 đời Tổng thống Mỹ.
Nếu Thủ tướng Helmut Kohl đi vào lịch sử như một người châu Âu vĩ đại và cha đẻ của sự thống nhất nước Đức hay Thủ tướng Gerhard Schröder là cha đẻ của những cải cách xã hội quan trọng thì rất khó tìm được từ chuẩn xác để nói về nhà lãnh đạo Angela Merkel. Là nhà đàm phán xuất sắc, biết chế ngự cảm xúc, Angela Merkel được ví như là thủ tướng của các cuộc khủng hoảng. Thách thức đầu tiên khi bà mới nhậm chức là năm 2005, Hà Lan và Pháp bác bỏ dự thảo Hiến pháp châu Âu, buộc bà và các nhà lãnh đạo châu Âu ngày đêm bàn bạc tìm ra một giải pháp thay thế. Khi cuộc khủng hoảng tài chính ập đến năm 2008, với kỹ năng đàm phán và sức bền trong các “cuộc chạy marathon” ở Brussels, bà Merkel đã cứu Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ ra khỏi Khu vực đồng euro.
Trên trường quốc tế, bà Merkel được đặt biệt danh là “Madame No” (Bà nói Không). Với sự quyết liệt của bà Merkel, Đức đã đạt được thỏa thuận lịch sử với Pháp và sau đó là các đối tác khác về kích thích tài chính châu Âu và gộp nợ. Trong tất cả cuộc khủng hoảng, Angela Merkel được nhiều người đặt cho biệt danh là “Mutti” (Mẹ). Bà trở thành “bà mẹ quốc dân”, mang đến cho người Đức ấn tượng tốt về một nữ thủ tướng giản dị, thường ăn món tự chọn trong khách sạn khi tham gia các hội nghị thượng đỉnh EU hay đi mua sắm ở Berlin. Bà điều hành đất nước bằng sự ôn hòa, cẩn thận và chú trọng đến đối thoại. Tuy nhiên, bà cũng là người có thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Ví dụ, sau khi thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 xảy ra vài ngày, Chính phủ Đức quyết định từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân. Một quyết định khẩn cấp khác đánh dấu kỷ nguyên cầm quyền của bà Merkel là việc bà tuyên bố không đóng cửa biên giới khi hàng trăm nghìn người tị nạn đổ về châu Âu vào đầu tháng 9-2015. Câu nói “Wir schaffen das” (Chúng ta sẽ đến đó) của Thủ tướng Merkel đã đi vào lịch sử bởi sự đồng cảm và quyết định nhân văn của bà đối với người tị nạn.
Nước Đức năm 2020 bị chia rẽ nhiều hơn so với năm 2005 bởi đại dịch Covid-19 hoành hành. Mặc dù các cuộc biểu tình chống lại những biện pháp ngừa Covid-19 xảy ra ở nhiều nơi nhưng sự ủng hộ bà Merkel không giảm. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, 74% người dân Đức vẫn tín nhiệm bà Merkel trong vai trò là Thủ tướng Đức. Tuy nhiên, bà Merkel đã tuyên bố không tái tranh cử vào năm tới và bà sẽ từ chức vào mùa thu năm 2021. Cho đến lúc đó, cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của “bà mẹ quốc dân” này.
Nguồn: qdnd.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC