Lệnh cấm của hội đồng địa phương về bơi khoả thân - cũng như các hoạt động khác như yoga khoả thân - đã đưa thị trấn trở lại không khí như thời chưa có virus corona.
Tin tức này giành được vị trí trên bản tin hàng đêm của đài truyền hình quốc gia và thậm chí còn có nhiều thời gian phát sóng hơn tình hình virus corona tại điểm nóng lớn nhất là Mỹ.
Thành viên hội đồng ủng hộ khoả thân Thomas Held, 54 tuổi, thừa nhận rằng sự quan tâm trong việc này rất "kỳ lạ".
"Tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều quan trọng hơn để quan tâm", ông nói với Washington Post.
Cũng như các nước châu Âu khác, nơi mà virus corona đã được kiểm soát tương đối, người dân Đức nhanh chóng quay về cuộc sống bình thường với những thói quen cũ và nhiều vấn đề thường nhật.
Châu Âu sau đại dịch
Bốn tháng trước, không nhiều người Đức tin rằng mùa hè năm 2020 có thể giống bình thường. Thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo rằng 70% dân số - 58 triệu người - có thể bị nhiễm bệnh và đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Thế chiến II.
Đức đang trải qua sự thiệt hại kinh tế nặng nề nhất kể từ sau chiến tranh, và đã ghi nhận hơn 9.000 người thiệt mạng do virus. Tuy nhiên, Đức không phải là trường hợp tệ nhất trong đại dịch.
"Chúng tôi không quan tâm cho lắm về những gì xảy ra cách 6.000 km", nhà tâm lý học Andreas Mojzisch thuộc Đại học Hildesheim cho biết. "Hầu hết người Đức đều không biết ai đã nhiễm bệnh".
Việc nới lỏng các hạn chế tại Đức cũng góp phần tạo ra cảm giác rằng cuộc khủng hoảng đã kết thúc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Jens Spahn đã cảnh báo về sự tự mãn đó và nhấn mạnh rằng: "Virus vẫn còn đó". Lệnh cấm các cuộc tụ họp lớn vẫn còn hiệu lực, người dân bị bắt buộc đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng. Họ phải duy trì khoảng cách 1,5 m với nhau.
Tuy nhiên, hầu hết hạn chế khác liên quan đến virus đã được nới lỏng. Đường phố ở thủ đô Berlin và những vườn bia ở Bavaria đã quay lại nhịp độ trước khi có đại dịch.
Những quốc gia khác ở châu Âu cũng nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
Sau khi chính phủ Czech dỡ bỏ hầu hết biện pháp chống dịch, Prague đã phê chuẩn "bữa tiệc tối lớn nhất thành phố cho đến nay". Hàng nghìn người đã tụ tập trên cầu Charles vào 30/6, chia sẻ đồ ăn và cũng nói lời tạm biệt với khủng hoảng virus corona.
Một cuộc biểu tình tại Ba Lan thu hút hàng nghìn người. Ảnh: Waldemar Deska.
Tại Ba Lan, một chiến dịch tranh cử tổng thống khốc liệt đã thu hút hàng nghìn người biểu tình trong những tuần gần đây. Hai ứng cử viên, gồm Tổng thống đương nhiệm Andrzej Duda và Thị trưởng Warsaw, ông Rafal Trzaskowski, đều bắt tay cùng những người ủng hộ họ.
Các chuyên gia sức khoẻ và tâm lý học cho rằng ở một mức độ nào thì hành vi thoải mái này là hợp lý. Mối đe doạ của virus ở châu Âu đã giảm, và việc nới lỏng các hạn chế là điều tất yếu.
Mojzisch, nhà tâm lý học, cho rằng rất nhiều người châu Âu mong muốn trở lại cuộc sống bình thường, sau khi bị hạn chế trong thời gian dài.
Điều này khác với sự bất chấp ở Mỹ, nơi một số quan chức và cá nhân đang phớt lờ mối đe doạ của virus, ngay cả khi nó đang lây lan với tốc độ đáng báo động ở nhiều bang.
Các thành phố và thị trấn ở Đức dần quay lại dáng vẻ trước khi đại dịch xảy ra. Ảnh: AFP.
Tranh cãi về quyền bơi khoả thân trong hồ
Với tư cách cá nhân, Held phản đối lệnh cấm bơi khoả thân.
Bơi khoả thân từ lâu đã được xã hội chấp nhận ở các vùng khác của miền đông nước Đức và Lychen, một thị trấn có khoảng 3.000 người nép mình giữa những hồ nước trong vắt.
"Ai muốn bơi khoả thân thì khoả thân. Còn những người không ủng hộ thì thôi", Martin Hansen, 60 tuổi, chủ một nhà nghỉ và là người phản đối lệnh cấm này.
Vào tháng 5, sau khi làn sóng virus corona đầu tiên đã qua tại khu vực này, hội đồng thị chấn Lychen chuyển sự chú ý của mình từ các lệnh giãn cách xã hội đến các quy định tắm hồ.
Đối với một số thành viên hội đồng, việc các cư dân khỏa thân bơi lội, tập yoga và chơi bóng chuyền đã gây khó chịu. Thị trưởng và hội đồng chuyển sang cấm tất cả các hoạt động khoả thân tại những điểm tắm công cộng nổi tiếng.
Sự phẫn nộ của người dân được thể hiện qua một lá thư nặc danh cho thị trưởng, đe doạ sẽ đầu độc các hồ trong thị trấn nếu quyền tắm khoả thân bị xâm phạm.
Cảnh sát đã công bố một cuộc điều tra với vụ này. Các đoàn làm phim và cánh nhà báo đã xuống Lychen.
Lệnh cấm đã bị tạm thời bị vô hiệu, nhưng dự kiến sẽ sớm trở lại.
Martin Hansen, cư dân Lychen, người phản đối lệnh cấm tắm khoả thân. Ảnh: Washington Post.
Thị trưởng Karrola Gundlach từ chối yêu cầu phỏng vấn từ Washington Post với lý do không muốn đưa tin trên phương tiện truyền thông. Ông cũng thêm vào rằng: "Chẳng có ích gì khi mọi người từ khắp nơi trên thế giới gửi email cho tôi và chỉ tôi phải làm gì".
Những người chỉ trích cho rằng lệnh cấm này vi phạm quyền tự do của họ. Vụ việc có thể là ảnh hưởng của căng thẳng do virus corona mang lại, giáo sư tâm lý học xã hội Rainer Greifeneder tại Đại học Basel nhận định.
Theo giáo sư, lệnh cấm bơi lội dường như quá nhỏ nhặt để trở thành một vấn đề quốc gia. Tuy nhiên, những vấn đề mà thế giới thực sự cần quan tâm, như là biến đổi khí hậu, thì quá to tát để họ có thể nắm bắt. Như vậy, tranh cãi xung quanh việc tắm khoả thân có vẻ dễ dàng xử lý hơn.
Nguồn: Nguyễn Việt Linh/ zing.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC