Sara Zasker, một nhà văn Mỹ đang sống tại Berlin, Đức chia sẻ những điều khiến cô ngạc nhiên về cách người Đức nuôi dạy con:
Lần đầu tiên đến một sân chơi tại Berlin, tôi đã cảm thấy hoảng: Tất cả các bố mẹ Đức ngồi tụ tập một chỗ uống cà phê, chẳng để ý gì đến con cái họ đang treo người trên một con rồng gỗ dài 6 mét đặt trên một hố cát. Tại sao không có những chiếc đệm mềm đặt ở dưới để đỡ nhỡ trẻ ngã? Sao không ai chú ý đến nguy cơ của trẻ? Nhỡ con họ bị thương thì sao?
“Trời ơi, cẩn thận!”, tôi kêu to bằng thứ tiếng Đức lơ lớ nhưng cả trẻ lẫn các bậc phụ huynh đều chẳng mảy may để ý đến tôi.
Trái ngược với quan niệm người Đức nghiêm khắc, hầu hết các bố mẹ Đức tôi từng gặp đều không hề như vậy. Họ coi trọng sự độc lập và tính trách nhiệm. Những bố mẹ này tại công viên không lơ là con cái, họ tin tưởng chúng.
Dưới đây là một số điều lạ lùng mà các bố mẹ Đức làm với con cái họ:
Không nhắm vào việc tập đọc
Các trường mầm non ở Berlin không chăm chăm vào học thuật. Thực tế, các thầy cô giáo và bố mẹ khác không khuyến khích tôi dạy con đọc. Tôi được người ta bảo rằng đó là điều trẻ sẽ cùng nhau học khi chúng bắt đầu vào tiểu học. Mẫu giáo là thời gian cho việc chơi và học các kỹ năng xã hội. Nhưng ngay cả ở năm đầu tiểu học, việc học thuật cũng không quá nặng nề. Trẻ tiểu học chỉ học nửa ngày và ngắt quãng với hai lần nghỉ để vui chơi ngoài trời. Nhưng bạn đừng nghĩ cách tiếp cận việc học một cách buông lỏng này đồng nghĩa với một nền giáo dục kém cỏi. Theo một đánh giá năm 2012 do tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển thực hiện, trẻ 15 tuổi Đức có khả năng đọc, làm toán và nghiên cứu khoa học cao hơn hẳn mức trung bình trên thế giới, trong khi những người trẻ Mỹ thì đứng tụt phía sau khá xa, dù có áp lực học hành nhiều hơn.
Mỗi em bé Đức khi vào lớp một sẽ được dự một bữa tiệc lớn ở trường và tặng một “cây kem khổng lồ”. Ảnh: Vebidoo.
Khuyến khích trẻ thử nghiệm với lửa
Một lần, con gái lớp hai của tôi mang về nhà một thông báo từ trường với vẻ rất háo hức. Đó là đề tài các con làm các thí nghiệm với lửa. Chúng tôi đã cùng đốt nến và một số thứ khác, một cách cẩn thận. Nó thật rực rỡ. Con tôi là đứa trẻ duy nhất trong lớp chưa được bố mẹ cho phép thực hiện nhiệm vụ bắn pháo hoa vào đêm giao thừa.
Để trẻ đi một mình đến mọi nơi
Trẻ cũng có thể tự đi chơi ở quanh khu vực mình sống. Một số bé thậm chí có thể bắt tàu điện ngầm một mình. Tất nhiên, bố mẹ Đức cũng lo ngại về sự an toàn nhưng họ thường tập trung vào giao thông chứ không lo về nạn bắt cóc.
Theo các nhà nghiên cứu, đi bộ mà không có sự giám sát của bố mẹ, hay như người Đức gọi là “di chuyển độc lập”, rất tốt cho trẻ.
Mở tiệc khi trẻ bắt đầu đi học
Một trong những người bạn của tôi kể với tôi rằng, có ba sự kiện lớn nhất trong đời một người ở Đức là lễ Einschulung tức là bắt đầu vào lớp một, Jugendweihe đánh dấu mốc trưởng thành ở trẻ vị thành niên và kết hôn.
Tại Berlin, bắt đầu vào lớp một là một lễ hội lớn tại trường – vào một ngày thứ bảy. Vào buổi lễ, trẻ sẽ nhận được một gói đồ hình chiếc kem khổng lồ, với đầy đủ mọi thứ, từ bút chì đến đồng hồ, kẹo. Tiếp đó là một bữa tiệc khác trẻ vui cùng gia đình và bạn bè. Lễ Einschulung là điều trẻ mong đợi cả năm. Nó là dấu hiệu một bước ngoặt lớn trong đời, và bắt đầu việc học đầy nhiệt huyết, hy vọng.
Lễ Jugendweihe – lễ trưởng thành – diễn ra khi trẻ bước sang tuổi 14. Nó gồm một buổi lễ tương tự, có tiệc, quà tặng, đánh dấu giai đoạn tiếp theo của sự phát triển.
Trẻ Đức được khuyến khích ra ngoài trời chơi hằng ngày. Ảnh minh họa: Huffingtonpost.
Đưa trẻ ra ngoài trời hằng ngày
Theo người Đức, chẳng có gì gọi là điều kiện xấu chẳng hạn như thời tiết không tốt mà chỉ có quần áo không phù hợp. Giá trị của thời gian chơi ngoài trời cũng được củng cố ở trường. Có rất nhiều khu vui chơi ở Berlin. Bất kể trời lạnh giá hay xám xịt, các bố mẹ vẫn nai nịt cho con và đưa trẻ hoặc để bé tự đi, tới công viên hay khu vui chơi ngoài trời.
Trở lại chuyện con rồng gỗ tôi nói ở đầu bài – từ khi chuyển tới đây, tôi đã cố gắng học theo cách dạy của các bố mẹ Berlin và con gái 8 tuổi của tôi đã trèo hết con rồng gỗ. Nhưng tôi vẫn ngại không dám cho con đi bộ một mình ở khu ngoại ô mình sống.
Tôi tiến từng bước nhỏ. Tôi đã để con tự đi đến tiệm bánh. Nó nằm ngay dưới tầng. Lần đầu tiên con làm việc này, khi hớn hở về đến nhà, bé tự hào đưa cho tôi những chiếc bánh cuộn mà mình vừa tự mua.
Tôi nghĩ chẳng cần nói cho con biết bà mẹ người Mỹ của bé đã nhoài người trên ban công, dõi theo từng bước con đi trên đoạn đường ngắn đó.
Vương Linh (Theo Time)
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC