Bài viết này sẽ giới thiệu về đồng tiền tại Đức, ký hiệu tiền Đức hay các mệnh giá đồng tiền Đức Euro. Ngoài ra, bài viết cũng đề cập đến cách thức mua sắm chi tiêu khi sinh hoạt tại Đức. Bài viết này sẽ đặc biệt hữu ích cho những bạn lần đầu tiên đến Đức. Hi vọng sẽ giúp các bạn hiểu được về sự khác nhau giữa tiền tệ cũng như cách sử dụng tiền giữa Đức và Việt Nam.
Giới thiệu về đồng tiền Đức
Đồng tiền chính thức của Đức ngày nay là Euro. Ngoài Đức, có 18 nước khác trong Châu Âu cũng sử dụng Euro làm đồng tiền chính thức. Bao gồm: Áo, Bỉ, Síp, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Ireland, Ý, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha. Các nước này còn gọi là khu vực đồng tiền chung Châu Âu Eurozone.
Ngoài ra, tại một số địa điểm trong các nước thuộc khu vực EU, các bạn cũng có thể sử dụng đồng Euro để thanh toán. Nhưng thường sẽ được trả lại bằng tiền địa phương và tỉ giá sẽ không tốt bằng các địa điểm đổi tiền chính thức.
Tiền Đức ký hiệu là gì ?
Giống như các nước khác trong khối Eurozone, tiền Đức là đồng Euro. Ký hiệu tiền Đức là €. Người Việt ở Đức hay gọi tắt là “đồng”.
Tiền Đức bằng bao nhiêu tiền Việt ?
Vấn đề với nhiều du học sinh là giá trị của tiền Đức như thế nào. Làm thế nào để đối từ giá trị tiền Đức sang tiền Việt ?
Một vấn đề các bạn phải lưu ý là tỷ giá giữa đồng Euro và Việt Nam đồng (VND) thường có sự dao động và không cố định. Có thể theo ngày và theo tình hình quốc tế. Do vậy, các bạn cần biết thông tin chính xác khi làm thủ tục sang Đức. Hiện tại , tỷ giá tại tháng 10/2017 là 1€ ≈ 26.500VND.
Các mệnh giá tiền Đức – Euro
Tiền mặt tại Đức gồm 2 loại: tiền xu (Münzen) và tiền giấy (Noten).
Tiền xu Đức
Tiền xu gồm 8 mệnh giá: 1 cent, 2 cent, 5 cent, 10 cent, 20 cent, 50 cent, 1€, và 2€. Trong đó 1€ bằng với 100 cent. Tiền xu thường được sử dụng trong khi mua vé tàu, mua đồ ăn ở máy bán hàng tự động, trả tiền đỗ xe…
Bạn cũng có thể trả tiền xu ở siêu thị. Tuy nhiên nên tránh trả nhiều tiền lẻ quá làm phiền người bán hàng.
Tiền giấy ở Đức
Tiền giấy gồm có các mệnh giá 5€, 10€, 20€, 50€, 100€ và 500€. Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày rất ít khi sử dụng tiền giấy 500€.
Mỗi quốc gia sử dụng đồng Euro trong Eurozone đều có thể tự in đồng Euro. Vì vậy, đôi khi bạn thấy cùng một mệnh giá nhưng họa tiết đồng tiền có thể khác nhau. Tuy vậy, các bạn không phải lo lắng về giá trị sử dụng. Tất cả các đồng tiền này đều có giá trị sử dụng như nhau.
Chuyển tiền từ Đức về Việt Nam
Số lượng người Việt hiện đang sinh sống học tập và làm việc tại Đức là tương đối lớn. Do vậy, nhu cầu chuyển tiền từ Đức về Việt Nam và ngược lại là tất yếu. Dưới đây là một số cách chuyển tiền mà các bạn có thể tham khảo:
Chuyển tiền trực tiếp từ Đức về Việt Nam
Các bạn có thể tìm người có nhu cầu chuyển tiền từ Việt Nam sang Đức và trao đổi tiền. Cách này tiết kiệm hơn nhiều vì không mất phí ngân hàng. Tuy nhiên bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin người trao đổi. Tránh trường hợp bị lừa đảo và mất tiền oan.
Chuyển tiền từ Đức về Việt Nam qua ngân hàng
Một cách khác là chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng. Tất nhiên là người gửi cần phải có tài khoản ngân hàng. Việc chuyển tiền có thể thực hiện tại các quầy giao dịch hoặc trực tiếp qua hệ thống online-banking. Bạn phải nhớ cung cấp ít nhất một thông tin để nhận dạng người nhận tiền. Nếu người nhận tiền có mở tài khoản thì chỉ cần điền số tài khoản là đủ. Nhưng nếu người nhận tiền không có số tài khoản thì nhất định phải có số CMND. Hoặc bất kỳ một giấy tờ tuỳ thân nào có dán ảnh.
Ngoài ra bạn cũng nên cung cấp các thông tin liên lạc của người nhận cho bên ngân hàng. Để ngân hàng có thể liên lạc nhanh chóng khi tiền được chuyển đến. Mức phí cho mỗi giao dịch có thể thay đổi tùy theo quy định của mỗi ngân hàng.
Trong trường hợp bạn có thẻ Visa, việc chuyển tiền có thể tiến hành nhanh chóng mà không phải mất thời gian chờ đợi.
Chuyển tiền qua Western Union
Chuyển tiền qua hệ thống Western Union là một cách nhanh chóng và thuận tiện vì bạn không nhất thiết phải có tài khoản ngân hàng. Khách hàng chỉ cần đến điểm giao dịch Đại lý Weatern Union gần nhất, điền đầy đủ thông tin vào Phiếu Gửi Tiền. Phần còn lại đã có giao dịch viên Western Union đảm trách thực hiện.
Sau khi điền đầy đủ thông tin mà WU yêu cầu thì Đại Lý Western Union cung cấp 10 chữ số cho bạn. Sau đó bạn nhắn người thân ra ngân hàng mà bạn gửi để nhận tiện. Khi đi nhớ mang theo chứng minh thư và đọc 10 chữ số này để nhận tiền.
Cách sử dụng và tiêu tiền tại Đức
Rút tiền tại các ATM
Việc rút tiền có thể diễn ra một cách dễ dàng tại các cây ATM trên toàn nước Đức. Đa số các ngân hàng đều không tính phí rút tiền khi bạn mở tài khoản ở ngân hàng đó. Nếu bạn rút tiền từ cây ATM của ngân hàng khác thì bạn có thể mất phí. Phí này sẽ luôn được thông báo trước khi bạn rút tiền. Nếu bạn đồng ý thì có thể rút tiền và mất chi phí đó. Trong trường hợp không đồng ý, bạn có thể hủy bỏ không rút tiền. Phí dao động từ 3-5 Euro tùy vào số lượng tiền bạn rút và ngân hàng nào.
Nếu ngân hàng của bạn nằm trong nhóm 4 ngân hàng liên kết thì bạn có thể rút tiền mà không bị mất phí. 4 ngân hàng liên kết này bao gồm Deutsche Bank, Post Bank, Hypoverein Bank và Commerzbank.
Nhiều trường hợp sinh viên Việt Nam mở tài khoản Vietinbank tại Việt Nam để làm thủ tục du học vì thủ tục nhanh và đơn giản. Tuy nhiên Vietinbank hiện tại chỉ có ở Frankfurt và khi rút tiền ở hầu hết các ATM bạn sẽ mất phí. Do vậy, khi đã sang Đức bạn có thể mở ngân hàng thuộc nhóm 4 ngân hàng trên. Điều này giúp bạn thuận tiện khi rút tiền mà không hề bị mất phí.
Mua sắm và thanh toán tại Đức
VIỆC THANH TOÁN TẠI ĐỨC
Việc thanh toán tại Đức tương đối linh hoạt. Bạn có thể thanh toàn bằng tiền mặt, thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Tất cả các siêu thị, khu mua sắm đều có POS để thuận lợi cho việc thanh toán bằng thẻ. Ở các cửa hàng nhỏ và quán cafe đa số cũng trang bị POS để phục vụ thanh toán bằng thẻ. Dù vậy, có một số quán sẽ chỉ nhận tiền mặt. Do đó bạn vẫn cần phải chuẩn bị sẵn tiền mặt nếu ở Đức.
VIỆC SỬ DỤNG TIỀN XU TẠI ĐỨC
Việc sử dụng tiền xu rất phổ biến tại Đức. Phần lớn các máy bán hàng tự động tại Đức chấp nhận cả tiền xu và tiền giấy. Ngoài ra một số máy còn chấp nhận cả thanh toán bằng thẻ. Các bạn lưu ý: khi mua đồ bằng máy tự động thì đa số mày chỉ chấp nhận tiền xu có mệnh giá từ 5 cent trở lên. Bạn cũng có thể thoải mái trả tiền xu các mệnh giá nhỏ khi mua đồ tại các cửa hàng, siêu thị mà không gặp phải sự khó chịu của người bán hàng.
Tương tự với trường hợp mua vé bus khi người lái xe đồng thời là người bán vé. Một số nhà vệ sinh công cộng có thể có cửa tự động và bạn phải trả phí 50 cent để sử dụng. Ví dụ nhà vệ sinh tại nhà ga xe lửa München – München Hauptbahnhof. Và khi bạn muốn sử dụng xe chở đồ dùng trong các siêu thị, các kauf, bạn thường phải sử dụng đồng xu mệnh giá 1€ để cược và sẽ nhận lại khi trả lại xe.
SỬ DỤNG TÚI ĐI CHỢ THAY VÌ TÚI NYLON
Nước Đức khuyến khích việc giảm thiểu sử dụng túi nylon. Túi nylon khi đi mua đồ tại Đức thường bị tính thêm tiền. Có thể từ 10 cent đến 25 cent. Một lời khuyên cho các bạn sắp sang Đức là nên tự chuẩn bị túi đựng đồ cho mỗi lần đi mua hàng.
CHUẨN BỊ THỰC PHẨM CHO CHỦ NHẬT VÀ NGÀY LỄ
Ở Đức, các siêu thị, cửa hàng và trung tâm mua sắm đều đóng cửa vào ngày chủ nhật và ngày lễ. Do vậy với những ngày lễ dài ngày, bạn nên đi chợ trước đề phòng thiếu đồ ăn.
Về vấn đề “Pfand” tại Đức
Nước Đức cũng rất khuyến khích việc tái chế các loại chai lọ. Có thể khi đi mua đồ, bạn thấy hóa đơn có thêm một khoản tiền “pfand”. Khoản tiền này có thể từ 8 cent đến 25 cent cho mỗi vỏ chai hoặc vỏ lon.
Tuy nhiên không phải bất kỳ vỏ chai hay lon nào cũng có khoản tiền này. Chỉ những vỏ có biểu tượng “pfand” chịu chi phí này. Nếu trên vỏ chai hay vỏ lon của các bạn có biểu tượng này, đừng vội vứt cái vỏ đó đi. Các bạn có thể tích lại và mang đến các máy trả pfand thường có sẵn tại các siêu thị để trả và nhận một hóa đơn tương ứng với một khoản tiền mà bạn có thể dùng để thanh toán khi mua đồ tại chính siêu thị đó.
Có một trường hợp ngoại lệ là các vỏ chai bia bằng thủy tinh. Tuy không có biểu tượng “pfand” nhưng các bạn vẫn có thể mang đến trả (tại máy hoặc tại Kasse) và nhận lại khoản tiền tương ứng.
Theo Duhocvietduc
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC