Ngày 31/10 tới, sân bay Berlin-Branenburg sẽ chính thức đi vào hoạt động và sân bay Tegel – biểu tượng một thời của thủ đô nước Đức – sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 8/11. Trên thực tế, chính quyền thành phố đã có kế hoạch dừng hoạt động Tegel từ lâu, vì nó cũ, chật chội và không còn đáp ứng được nhu cầu, nhưng vì sân bay Berlin-Brandenburg bị chậm tiến độ gần 10 năm nên Tegel vẫn còn đó.
Bất chấp kích cỡ có phần nhỏ bé, Tegel là sân bay bận rộn thứ 4 của nước Đức, và nó cũng là một biểu tượng của thủ đô trong thế kỷ 20 đầy ắp những sự kiện lịch sử. Sau Thế chiến II, khu vực quận Tegel thuộc sự kiểm soát của quân đội Pháp, và đến khi lãnh đạo Liên Xô khi đó là Joseph Stalin ra lệnh phong tỏa Berlin, một sân bay đã nhanh chóng được xây dựng ở khu vực này để đáp ứng nhu cầu không vận hàng hóa.
Đường băng 2.500 m của Tegel khi đó dài nhất châu Âu, và sân bay bắt đầu đón những chiếc vận tải cơ C-54 của Mỹ vào tháng 11/1948. Sau khi cuộc cấm vận của Liên Xô kết thúc, Tegel trở thành sân bay chính của Tây Berlin vì sân bay còn lại là Templehof có kích cỡ quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng.
Tòa nhà điều hành với phong cách kiến trúc brutalist (thô mộc) được xây dựng vào năm 1974 và trở thành biểu tượng của sân bay Tegel. Với việc PanAm và British Airways chuyển trụ sở tới Tegel vào cuối năm 1975, sân bay này càng đông đúc hơn. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, vị trí gần gũi của Tegel so với trung tâm Berlin khiến nó trở thành sân bay chính thức của chính phủ mới, nơi đón các nhà ngoại giao và nguyên thủ quốc gia.
Chính vì sự gia tăng hành khách với số lượng lớn, sân bay Tegel đã phải hoạt động vượt nhiều lần công suất thiết kế. Chỉ được xây dựng để phục vụ 2,5 triệu hành khách mỗi năm, nhưng đến năm 2019 sân bay này phải gồng mình chào đón 24 triệu lượt hành khách.
Một nhà ga mới được xây dựng vào năm 2007, nhưng điều đó vẫn không giúp sân bay thông thoáng hơn mà thậm chí còn chật chội hơn. Thêm vào đó, các cơ sở vật chất và trang bị công nghệ rõ ràng là đã lỗi thời.
Hơn nữa, mặc dù nằm gần trung tâm thành phố, nhưng các phương tiện công cộng đến sân bay Tegel không thật sự tiện lợi. Nó được thiết kế vào thời gian khi mà xe hơi là phương tiện chủ yếu, vì vậy lái xe đến sân bay thì dễ hơn là đi các phương tiện công cộng.
Mặc dù không phải là một sân bay hiện đại với kiến trúc bằng kính và những màn hình LCD cỡ lớn, Tegel – cũng giống như Berlin – có nét hấp dẫn riêng của nó, với các chi tiết mộc mạc và giản dị.
Tình trạng quá tải là điều mà sân bay Tegel đã phải đối mặt trong cả thập kỷ qua.
Sau khi dừng hoạt động, khu vực sân bay Tegel sẽ được phát triển thành một tổ hợp nghiên cứu khoa học công nghệ, dự kiến mang lại việc làm cho hơn 18.000 người.
Nguồn: zingnews
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC