“Phương tiện giao thông công cộng tại đây quá khủng khiếp. Trong bối cảnh COVID-19 vẫn lây lan mạnh, tốt nhất là nên tránh xa các loại phương tiện đó”, hãng tin Reuters dẫn lời Robert Perez, một kỹ sư ô tô chuyển từ Argentina sang thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) sinh sống.
Người đàn ông 33 tuổi này vừa mua một chiếc xe Seat Toledo 2001 màu đỏ với giá 2.370 USD (54 triệu đồng) từ OcasionPlus – công ty chuyên mua bán xe đã qua sử dụng của Tây Ban Nha.
Theo dữ liệu phân tích của công ty nghiên cứu IHS Markit và thị trường xe hơi trực tuyến AutoScout24, thị trường ô tô đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt về số lượng người đăng ký xe ô tô cũ tại châu Âu, cũng như sự gia tăng đột biến trong tìm kiếm trên Internet về các loại xe cũ.
Quản lý công ty chuyên bán xe cũ Nawaie Motoring ở ngoại ô Hayes, phía Tây London, Tổng giám đốc Ameen Sultani tiết lộ những chiếc xe cũ với giá bán dưới 4.000 USD luôn đắt hàng.
Ông cho biết giá của những chiếc xe phần lớn đã được sử dụng hơn 10 năm đã tăng 25% khi người dân tìm kiếm những lựa chọn hợp túi tiền thay thế việc đi tàu ngầm hay xe buýt.
Tại Pháp, dữ liệu phân tích của HIS cho thấy số lượng đăng ký xe đã qua sử dụng tăng gần 16% trong quý III của năm nay, trong khi số lượng đăng ký xe mới giảm hơn 5%. Cũng trong năm 2020, xe đã qua sử dụng trên 15 năm chiếm tỷ trọng đăng ký xe cũ cao hơn so với năm 2019.
Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, con số còn nhảy vọt một cách đáng kể. Số lượng đăng ký xe đã qua sử dụng tại đây tăng gần 25%.
Cristian Lopez, 34 tuổi, đã mua được một chiếc xe cũ với số tiền mặt anh tiết kiệm được trong lúc đất nước bị phong tỏa vì dịch COVID-19. “Số tiền đủ để tôi mua một chiếc ô tô giá rẻ”, Lopez chia sẻ thêm anh đã có một chiếc Renault Clio 2005 màu xám với giá 3.600 euro để lái xe đến lớp học quản lý du lịch sau khi mất việc.
Trái ngược với sự gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển, số người tham gia phương tiện công cộng đã giảm một cách đáng kể.
Số người sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở Tây Ban Nha đã giảm 92% trong tháng 4 so với cùng thời điểm năm 2019. Tại Anh, trước khi lệnh phong tỏa gần đây nhất của quốc gia có hiệu lực từ đầu tháng 11, lượng người sử dụng đường sắt chỉ còn bằng 1/3 so với năm ngoái, trong khi mức sử dụng ô tô cá nhân là gần 90%.
Hồi tháng 9, Thị trưởng London Sadiq Khan đã kêu gọi gói hỗ trợ trị giá 5,7 tỷ bảng Anh cho các nhà điều hành vận tải của thành phố khi lượng hành khách tiếp tục giảm. Đức và Pháp cũng có chương trình hỗ trợ cho các tuyến đường sắt của nhà nước.
Tình trạng có quá nhiều phương tiện cá nhân tham gia giao thông cũng gây ra mối lo ngại về ô nhiễm môi trường. Sam Chetan-Welsh - nhà vận động chính trị của tổ chức GreenPeace – cho biết điều các chính phủ cần làm bây giờ là giảm bớt lưu lượng giao thông trên đường bằng cách “đem đến cho người dân niềm tin sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách an toàn trong mùa dịch”.
Nguồn: Báo Tin tức
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC