Người Đức ngoài những “tài nhân” về âm nhạc thì còn tự hào với một vĩ nhân của nước Đức – Johann Wolfgang von Goethe. Ông là người đã được Các Mác gọi là “Người Đức vĩ đại nhất”.
Không phải ngẫu nhiên mà Johann Wolfgang von Goethe là niềm tự hào của người Đức và cũng không phải ngẫu nhiên ông được Các Mác gọi là “Người Đức vĩ đại nhất”. Bởi trên thực tế, khối lượng những tác phẩm cũng như những cống hiến của ông đối với nền nghệ thuật – văn hóa nước Đức nói riêng và văn hóa thế giới nói chung hết sức phong phú và đều là vô giá.
Johann Wolfgang von Goethe là người có ảnh hưởng lớn đến nền văn chương thế giới, đặc biệt là Châu Âu. Nhiều tác phẩm của ông đã khơi nguồn cảm hứng trong âm nhạc cổ điển Đức, kịch, thơ ca và triết học. Ông là một vĩ nhân của thế giới và là một niềm tự hào của toàn nước Đức. Cho đến nay, tại nước Đức vẫn còn ngôi nhà của Goethe – một trong những địa điểm thu hút du khách tour du lịch Đức trên thế giới.
Chân dung Goethe
Johann Wolfgang von Goethe sinh ngày 28 tháng 8 năm 1749 và mất ngày 22 tháng 3 năm 1832. Ông được coi là một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới, là một đại văn hào, đại thi hào, nhà viết kịch tiếng tăm. . Ông là một trong số ít những người được xem là nhà thông thái bởi dù là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn nhà khoa học hay họa sỹ của Đức, ông đều có được những tác phẩm ấn tượng để đời.
Johann Wolfgang von Goethe
Ông đã để lại một khối lượng thật lớn về văn học – nghệ thuật, về lịch sử, triết học, mỹ học, địa lý học, những nghiên cứu về nghệ thuật cổ Hy Lạp, những phát minh về cơ thể học, quang học, màu sắc, địa chất học, thực vật học… Tốt nghiệp tiến sĩ luật học, ông đã hoạt động và thành công trên nhiều lĩnh vực xã hội như sản xuất công nghiệp, giao thông, thương mại, hải quan, từng nhiều năm là thượng thư của triều đình Vai-ma, giám đốc nhà hát thành phố… Tóm lại ông là một con người khổng lồ sở hữu tài năng của một nghệ sĩ, một nhà tư tưởng, một nhà lãnh đạo nhà nước, một nhà khoa học.
Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, ông là tác giả của khoảng 100 tác phẩm thi ca, sân khấu, văn xuôi, tiểu luận, phê bình, dịch thuật… đưa nền văn học Đức lên một đỉnh cao mới và đến giờ vẫn chưa ai vượt qua được ông. Ông được xếp ngang hàng với Hô-me, Đăng-tơ, Sếch-xpi-a, Tôn-xtôi… Từ lúc niên thiếu đến tuổi về già, Goethe luôn luôn là một con người không ngừng lao động, sáng tạo, không ngừng vươn tới sự hoàn thiện. Bước vào bên trong nhà Goethe – nơi ông sinh sống và sáng tạo, du khách du lịch Đức sẽ có cảm giác như được quay về với thế giới của những tác phẩm thơ nổi tiếng của nhà đại thi hào của Đức và thế giới.
Nhà của Johann Wolfgang von Goethe
Hầu hết các tác phẩm của ông trường tồn với thời gian. Ông nổi tiếng từ khi còn rất ít tuổi, khởi đầu với việc cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau khổ của chàng Werther” năm 25 tuổi. Và sự nghiệp sáng tác của ông vẫn không ngừng nghỉ cho đến những ngày cuối đời. Những dòng cuối cùng của cuốn truyện thơ “Faust” – đỉnh cao của nền văn chương thế giới, đỉnh cao thi ca Đức thế kỷ XIX, đã được nhà đại thi hào hoàn tất trong những ngày tháng cuối cùng của đời mình, khi ông đã ở tuổi 83.
Nỗi đau khổ của chàng Werther
“Nỗi đau khổ của chàng Werther” là quyển tiểu thuyết đầu tay của đại thi hào – đại văn hào khi ông vừa tốt nghiệp và chỉ mới 25 tuổi. Điều đặc biệt của quyển tiểu thuyết này là nó hoàn toàn được làm bằng thơ và nhanh chóng trở thành một làn sóng mạnh mẽ khuấy động văn học Đức và thế giới. Ngay sau khi được phát hành, chỉ trong một thời gian ngắn, cuốn tiểu thuyết đã tạo nên một cú sốc mạnh với công chúng và khơi nguồn cho “cơn sốt Werther” lan tràn khắp châu Âu. Tác phẩm này được rất nhiều người đón đọc và nhanh chóng được dịch sang nhiều thứ tiếng, được phổ biến rộng rãi vượt ra ngoài biên giới nước Đức.
Bìa sách “Nỗi đau khổ của chàng Werther”
Nguồn cảm hứng của Goethe bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu của chính ông. Năm 1770, chàng sinh viên Goethe vừa tốt nghiệp trường luật Leipzig đã đem lòng yêu say đắm tiểu thư Charlotte Buff nhưng thật không ngờ rằng trước đó, nàng Charlotte đã đính hôn với Kestner – người bạn thân thiết của Goethe. Vốn là người lịch thiệp, rất trọng tình bạn, Goethe đã rút lui khỏi cuộc tình này. Nhưng nỗi đau khổ, day dứt khôn nguôi đã khiến ông đã cầm bút viết nên kiệt tác “Nỗi đau khổ của chàng Werther” năm 1774, một cuốn tiểu thuyết bằng thơ gây chấn động dư luận.
Thời đó, Werther được giới trẻ đón nhận cuồng nhiệt. Tuy nhiên đối với nhà thờ và giới chức trách thì nó như một “phần tử nguy hại”. Thậm chí, nó còn bị kết tội là cuốn sách “bênh vực cho sự tự sát, kêu gọi phá vỡ hôn nhân” và “xúi giục giết vua”. Đến năm 1775, “Nỗi đau khổ của chàng Werther” bị cấm phát hành ở nhiều thành phố của Đức và lan sang Áo, Đan Mạch.
Tác phẩm không những đã gây ra cơn sốt Werther kéo dài nhiều năm trên châu lục, thổi một làn gió mới vào tâm hồn con người thời đại này, nó còn là động lực mạnh mẽ khơi nguồn cho cả một phong trào sáng tác theo “tinh thần Werther” ở khắp trong và ngoài nước.
Werther không chỉ là hình mẫu sừng sững của nhiều tác phẩm văn học mà còn là môtip của rất nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc ở thế kỷ XVIII.
Theo TINTUCVIETDUC.DE
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC