Tập đoàn Avestos (Đức) vừa có thư gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giải quyết phát sinh trong chương trình chuyển giao bộ tiêu chuẩn nghề Đức cho Việt Nam.
Theo chương trình tuyển sinh nghề chất lượng cao, người học học tại Việt Nam nhưng vẫn được cấp bằng cao đẳng nghề của Đức
Theo Tập đoàn Avestos, trong nhiều năm qua, tập đoàn này đã hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) trong Chương trình chuyển giao bộ tiêu chuẩn nghề và đào tạo thí điểm 22 nghề theo tiêu chuẩn Đức cho gần 1.000 học viên tại 45 trường trọng điểm tại Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ có bằng được quốc tế công nhận và có thể sang làm việc tại Đức trong những ngành nghề đã được đào tạo. Ngoài ra, các trường nghề của Việt Nam cũng được chuyển giao và đào tạo chi tiết về việc triển khai, áp dụng bộ tiêu chuẩn nghề của Đức ngay tại Việt Nam.
Từ năm 2019 đến năm 2021, phía Đức đã hoàn thành tốt các công việc theo quy định của Việt Nam.
Hiện nay, chương trình đang trong giai đoạn cuối cùng là tổ chức thi và cấp bằng cho học viên, đồng thời hướng dẫn các trường tại Việt Nam về cách tổ chức công việc này theo đúng tiêu chuẩn được Đức công nhận.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Avestos và đối tác ủy quyền tại Việt Nam mới chỉ nhận được một phần nhỏ trong số các khoản thanh toán đã đến hạn và quá hạn.
Ngoài ra, trong bối cảnh có một số khó khăn về pháp lý liên quan đến đối tác ủy quyền tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, tập đoàn này đã tham gia một số cuộc họp với các đơn vị liên quan để bàn hướng giải quyết phát sinh nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả hợp đồng nói trên.
Các bên đều thống nhất cao về việc sẽ nghiệm thu toàn bộ khối lượng công việc đã thực hiện từ trước đến nay, có sự tham gia của đối tác ủy quyền tại Việt Nam. Tiếp theo sẽ là việc chuyển phần công việc còn lại sang bên pháp nhân mới do Tập đoàn Avestos thành lập hoặc chỉ định.
Pháp nhân mới sẽ tiếp nhận thanh toán đối với cả phần công nợ còn tồn đọng và các nghĩa vụ tài chính còn lại theo hợp đồng tổ chức thực hiện các công việc còn lại theo đúng kế hoạch, đảm bảo kết thúc thành công hợp đồng đã ký trước đó.
Dù đã thống nhất định hướng sơ bộ, nhưng đến nay việc tháo gỡ khó khăn và phối hợp giải quyết phát sinh giữa các bên vẫn đang đi vào bế tắc.
Đối tác Đức có thể phá sản
Trong thư gửi Thủ tướng, lãnh đạo Tập đoàn Avestos nêu rõ: “Nếu vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ đi đến thất bại, gây lãng phí hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách Việt Nam. Các trường nghề cũng không thể thực hiện được ước muốn tiếp nhận chuyển giao các tiêu chuẩn nghề Đức. Hàng nghìn học viên nghề sẽ bị bơ vơ, không thể hoàn thành chương trình và không được cấp chứng chỉ nghề của Đức theo kế hoạch”.
Do đã vay mượn chi phí trước rất nhiều cho chương trình như thuê hàng trăm lượt chuyên gia sang Việt Nam, tổ chức đi lại ăn ở cho chuyên gia, tổ chức đào tạo tại 45 trường trên khắp lãnh thổ Việt Nam… mà chưa được thanh toán đầy đủ nên Tập đoàn Avestos có nguy cơ đi đến phá sản.
Đầu tháng 10.2022, hàng chục chuyên gia Đức đã tới Việt Nam để tổ chức thi tốt nghiệp theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã yêu cầu tạm dừng chương trình, khiến phía Đức tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian chờ đợi tại đia phương.
Trước khó khăn trên, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH và các bên liên quan phối hợp tìm hướng giải quyết. Cho đến nay, tập đoàn này cho biết, chưa nhận được thông tin tích cực từ phía Việt Nam.
Bên cạnh khó khăn tại Việt Nam, Tập đoàn Avestos chũng cho biết tại Đức đã chuẩn bị các yếu tố tích cực, các tổ chức doanh nghiệp Đức đã có kế hoạch nhận các sinh viên tốt nghiệp nghề Đức tại Việt Nam sang làm việc. Đầu năm 2023, theo kế hoạch, các sinh viên Việt Nam có nguyện vọng sang Đức làm việc có thể nhận công việc mới.
Trong trường hợp Việt Nam chưa bố trí được kinh phí cho dự án, tập đoàn xin tự nguyện sử dụng kinh phí của chính mình để triển khai tiếp công việc nhằm đạt kết quả tốt.
“Chúng tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có ý kiến với Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan liên quan phối hợp để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Trong trường hợp xấu nhất, Tập đoàn Avestos sẵn sàng tự sử dụng kinh phí để hoàn thành nốt các công việc còn lại trong dự án”, ông Klaus Michel, Tổng giám đốc Tập đoàn Avestos, bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã chuyển thư cho Bộ LĐ-TB-XH đề nghị xử lý theo quy định và thẩm quyền.
Theo Thanh niên
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC