Một chiếc thuyền buồm Phinisi ở Indonesia. Du khách hạng sang trải nghiệm Phinisi có thể phải trả hàng chục ngàn USD một đêm - Ảnh: Bloomberg
Du lịch xa xỉ (luxury travel) có thể trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Công ty phân tích Grand View Research, hoạt động này ở châu Á đã chiếm tới 1/5 thị trường du lịch hạng sang toàn cầu, với mức tăng trưởng dự kiến đạt gần 9% hằng năm cho đến cuối thập niên này.
Trượt tuyết ở Nhật, du thuyền ở Thái
Theo Hãng tin Bloomberg, nhiều người giàu có đã chi tiền "du lịch phục thù" hậu đại dịch COVID-19. Họ đi tìm cảm giác mới mẻ tại châu Á, nơi một loạt khách sạn và khu nghỉ dưỡng đắt tiền đã khai trương trong những năm qua để phục vụ du khách hạng sang.
Tại đây, họ được trải nghiệm nhiều hoạt động, từ các chuyến đi thuyền với hướng dẫn viên lặn riêng ở Indonesia, cho tới những chuyến du ngoạn bằng tàu với spa và nhà hàng cao cấp trên khắp Singapore và Malaysia.
Trong năm 2023, chi tiêu cho du lịch xa xỉ tại châu Á là khoảng 271 tỉ USD. Công ty nghiên cứu ForwardKeys cho biết lượng đặt vé máy bay hạng sang từ Bắc Mỹ đến châu Á đã tăng 15% trong năm nay so với năm 2019.
Vào mùa hoa anh đào năm nay, Công ty lữ hành Remote Lands (Mỹ) đã đưa một gia đình gồm sáu người tới Nhật du lịch một tháng. Chuyến đi có trực thăng riêng, vé VIP xem đấu vật sumo, buổi trà đạo riêng do một bậc thầy nổi tiếng chủ trì, gặp gỡ các nghệ nhân dệt may và sơn mài hàng đầu. Chi phí cho chuyến đi là 500.000 USD.
Bà Catherine Heald, nhà sáng lập Remote Lands, chia sẻ: "Trước đây, người Mỹ có thể khoe khoang là "Ồ, tôi đã đến châu Âu để trượt tuyết tại Val d'Isère (Pháp)". Nhưng giờ đây người ta sẽ khoe chuyện đi trượt tuyết ở Nhật Bản hoặc đi chơi bằng thuyền sang trọng ở Thái Lan".
Các chuyến đi kéo dài nhiều tuần của Remote Lands đến châu Á thường có giá lên tới 100.000 USD, cao hơn khoảng 40% so với năm 2019.
Hiện tại, tour kéo dài 15 ngày qua Nepal, Bhutan, Ấn Độ và Sri Lanka bằng máy bay thương mại Airbus với chi phí 109.000 USD/người đã bán hết vé. "Nhu cầu đang tăng vọt" - bà Heald cho biết.
Không chỉ du khách từ các nơi khác, chính du khách tại châu Á cũng đang chi tiêu mạnh tay hơn. Mùa đông năm ngoái, chị Alaia Zhou (29 tuổi), một người làm việc tự do ở TP Thượng Hải (Trung Quốc), đã thực hiện chuyến đi năm đêm đến Tokyo (Nhật Bản) cùng một người bạn với chi phí hơn 20.000 USD.
Trang Trip.com, nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đã ghi nhận nhu cầu đặt các tour du lịch cao cấp tăng gấp đôi trong bốn tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư để hút khách
Ngày 13-7, trang tin Thai PBS World dẫn báo cáo gần đây của Tập đoàn khách sạn Marriott International cho biết du lịch xa xỉ ở châu Á - Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi mong muốn ngày càng tăng của du khách giàu có về những trải nghiệm dài và sâu sắc hơn. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến sự thay đổi trong sở thích du lịch.
Bà Shannon Knapp, giám đốc điều hành Công ty Leading Hotels of the World, nói: "Những du khách hạng sang muốn trải nghiệm điều gì đó khác biệt. Châu Á mang đến nhiều trải nghiệm đa dạng, từ bãi biển, núi non, thành phố cho tới ẩm thực cũng như văn hóa tuyệt vời".
Theo Công ty nghiên cứu Lodging Econometrics, các chủ khách sạn châu Á đang xây dựng hơn 3.600 dự án với tổng cộng 700.000 phòng (mức được coi là kỷ lục) và khoảng 15% trong đó hướng đến thị trường xa xỉ. Ngược lại, ở châu Âu, chưa tới 800 dự án, với tổng 117.000 phòng, đang được thực hiện.
Tại Nhật Bản, dịch vụ ryokan (thường là nhà trọ suối nước nóng do gia đình sở hữu, cung cấp các bữa ăn, nệm truyền thống futon trên sàn lót tatami) đang được nâng cấp. Ngày càng có nhiều ryokan cao cấp cung cấp dịch vụ 5 sao, bao gồm nhà hàng gọi món sang trọng, giường ngủ kiểu Tây, phòng tắm riêng và quầy lễ tân có nhân viên nói tiếng Anh.
Bắt đầu từ năm 2026, Tập đoàn khách sạn Hyatt (Mỹ) sẽ mở ba ryokan sang trọng ở những địa điểm xa xôi hơn như Hakone, cách Tokyo hai giờ đi tàu, với mức giá 1.300 USD một đêm.
Tại Thâm Quyến (Trung Quốc), Tập đoàn Shangri-La đã khai trương bất động sản thứ 91 dưới thương hiệu của họ trong năm nay, và một khách sạn Jen tại TP Côn Minh. Trong khi đó 40% khách sạn do các thương hiệu xa xỉ của Công ty Hilton điều hành đều nằm ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Dino Michael, người đứng đầu các thương hiệu xa xỉ của Hilton, cho biết: "Nhận thấy độ tuổi trung bình của người tiêu dùng xa xỉ ở CA-TBD trẻ hơn so với các khu vực khác trên thế giới, chúng tôi đang mở rộng danh mục sản phẩm xa xỉ của mình cho tương lai".
Những điểm đến hàng đầu
Để có được cái nhìn tổng quan về hành vi của người tiêu dùng trên toàn khu vực CA-TBD, Tập đoàn khách sạn Marriott International vừa qua đã thực hiện cuộc khảo sát với người tiêu dùng có giá trị tài sản ròng cao (HNW) ở các thị trường chính gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Singapore và Indonesia.
Theo đó, 68% những người HNW đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho du lịch trong 12 tháng tới, với 74% trong đó dự kiến sẽ đi du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo khảo sát, Úc được lựa chọn hàng đầu (46%), kế đó là Nhật Bản (42%) và Hong Kong (27%). Có 69% khách du lịch HNW của Ấn Độ đang có kế hoạch đi du lịch đến Úc và đây cũng là điểm đến được du khách Indonesia, Nhật Bản và Singapore lựa chọn nhiều nhất.
THANH BÌNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC