COVID-19 gia tăng trở lại trên toàn thế giới

COVID-19 gia tăng trở lại trên toàn thế giới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vi rút gây ra đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan, cảnh báo các quốc gia vẫn cần tăng cường hệ thống ứng phó với vi rút, cũng như tiêm vắc xin cho nhóm người có nguy cơ cao.

1 Covid 19 Gia Tang Tro Lai Tren Toan The Gioi

Người dân Mỹ tiêm vắc xin ngừa cúm - Ảnh: Free Press

"COVID-19 vẫn còn đáng kể xung quanh chúng ta. Loại vi rút này đang lưu hành ở tất cả các quốc gia" - bà Maria Van Kerkhove, giám đốc phụ trách phòng chống dịch bệnh của WHO, thông tin hôm 6-8. 

Trả lời tại một cuộc họp báo, bà Van Kerkhove dẫn dữ liệu từ 84 quốc gia cho thấy tỉ lệ dương tính với vi rút SARS-CoV-2 "đang gia tăng trong nhiều tuần qua".

Lây đến... Olympic Paris

Cũng theo bà Van Kerkhove, giám sát nước thải (được coi là phương pháp cung cấp chỉ báo sớm trước 2 - 3 tuần về số ca bệnh) cho thấy mức độ lưu hành vi rút SARS-CoV-2 trên thực tế cao hơn từ 2 - 20 lần so với những gì được báo cáo.

COVID-19 lây lan đến cả những vận động viên tại Olympic Paris 2024. Dù thể trạng luôn sẵn sàng cho việc thi đấu thể thao cường độ cao, nhiều vận động viên cho biết họ cảm thấy rất mệt khi mắc COVID-19.

Theo Đài France24, tỉ lệ dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trên toàn thế giới vào khoảng 10% nhưng con số này ở châu Âu là hơn 20%.

Vận động viên chạy nước rút Noah Lyles người Mỹ xác nhận hồi đầu tuần anh dương tính với vi rút nhưng vẫn tham gia cuộc đua cự ly 200m hôm 8-8. Chia sẻ với Đài NBC, Lyles nói anh cảm thấy mệt mỏi kinh khủng khi thức dậy vào sáng 6-8. Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành xét nghiệm và kết quả cho thấy Lyles mắc COVID-19.

Ngoài Lyles, nhiều vận động viên khác tại Olympic cũng nhiễm vi rút. Một ngày sau khi giành huy chương bạc bơi ếch 100m, vận động viên bơi lội người Anh Adam Peaty xét nghiệm dương tính với vi rút. Anh nói khi đó anh đã cảm thấy không khỏe.

Còn tại Mỹ, Đài WDBJ7 (bang Virginia) đưa tin các quan chức y tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một làn sóng COVID-19 lan rộng trên cả nước, trong bối cảnh học sinh sắp trở lại trường học.

"Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng lây nhiễm lớn tại Mỹ. Một số bang ghi nhận số ca cao bằng với mùa đông năm ngoái", tiến sĩ Katelyn Jetelina, một chuyên gia về dịch tễ học, nói.

Theo bà Jetelina, nhờ miễn dịch cộng đồng được xây dựng trong thời gian qua, các bệnh viện tại Mỹ hiện nay đã không còn quá tải vì COVID-19 nhưng sự lây lan của vi rút vẫn là một lo ngại lớn.

Nhiều quan chức y tế Mỹ vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của việc đeo khẩu trang, đặc biệt là khi cần di chuyển bằng máy bay hay các loại phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, các cá nhân cũng nên lưu ý đến việc tiêm phòng cập nhật các loại vắc xin COVID-19 hay cúm, vì cả hai loại vi rút này liên tục biến đổi. "Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc tiêm phòng cùng lúc vắc xin COVID-19 và cúm mang lại hiệu quả và an toàn", bà Jetelina nói thêm.

Cần tiêm vắc xin cho nhóm nguy cơ cao

"Trong hai năm qua, chúng tôi đã ghi nhận tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 giảm đến mức đáng báo động, đặc biệt là trong giới y tế và trong nhóm người trên 60 tuổi, tức hai nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Điều này cần phải thay đổi ngay lập tức", bà Van Kerkhove nói và nhắc lại khuyến nghị của WHO rằng những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tiêm ngừa COVID-19 trong vòng 12 tháng kể từ liều cuối cùng.

Giám đốc phụ trách phòng chống dịch bệnh của WHO cũng nhấn mạnh vai trò của vắc xin trong làn sóng dịch mới. Bà khuyến nghị tất cả các quốc gia nên kết hợp đồng thời vắc xin ngừa COVID-19 với vắc xin cúm mùa do lượng tiêm ngừa COVID-19 giảm mạnh.

Một báo cáo của WHO công bố vào tháng 6-2024 cho thấy 4,9 triệu người lớn tuổi tại 60 quốc gia đã được tiêm ít nhất liều vắc xin trong quý đầu tiên của năm, tương ứng với tỉ lệ rất thấp vào khoảng 0,42%. Trong số các nhân viên y tế, con số này chỉ là 234.000 người trên 40 quốc gia báo cáo, tương đương 0,17%.

Trong khi đó, chuyên gia Nilufar Ahmed của Đại học Bristol (Anh), nói rằng việc các phương tiện truyền thông đưa tin về dịch COVID-19 ngày càng ít và hạn chế trong việc thông báo cho cộng đồng là một phần nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm chủng giảm. 

"Điều đó một phần là do hiệu quả của chiến dịch tiêm ngừa đầu tiên thành công đến mức khiến mọi người cảm thấy họ đã được tiêm chủng đầy đủ", bà Ahmed nhận định trên Đài France 24.

Phòng ngừa một đợt hoành hành của dịch cúm và bệnh hô hấp trong thời tiết mùa thu và mùa đông, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị người dân tiêm ngừa nhiều loại vắc xin, trong đó có vắc xin COVID-19 mới. 

Theo đó, loại vắc xin này đã được cập nhật nhằm có khả năng đối phó hiệu quả hơn với các chủng vi rút đang biến đổi từng ngày.

Cụ thể, loại vắc xin cập nhật nhắm vào biến thể JN.1, một nhánh của biến thể Omicron của vi rút SARS-CoV-2. Đợt vắc xin COVID-19 mới tại Mỹ này sẽ là loại vắc xin mới hoàn toàn, vì vậy nó không được dán nhãn là mũi tiêm nhắc lại. Loại vắc xin này sẽ có mặt trên thị trường trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới, với đủ lựa chọn từ các hãng dược như Pfizer, Moderna hay Novavax.

Mỹ hết vắc xin COVID-19 miễn phí

Sau khi vắc xin COVID-19 được thương mại hóa vào mùa thu năm ngoái, CDC Mỹ đã có can thiệp nhằm đảm bảo những người Mỹ không có bảo hiểm, hay bảo hiểm của họ không chi trả cho vắc xin, được tiêm phòng COVID-19 miễn phí.

Tuy nhiên, kinh phí cho chương trình này được dự đoán sẽ hết vào cuối tháng 8, dù được kỳ vọng là sẽ kéo dài đến hết tháng 12-2024.

Tình trạng này khiến các trung tâm y tế tại Mỹ thiếu nguồn vắc xin miễn phí để cung cấp cho những người cần. Báo New York Times hôm 6-8 đưa tin tủ trữ lạnh của Trung tâm y tế Good Samaritan tại thành phố Norcross, bang Georgia chỉ còn hai liều vắc xin COVID-19.

Sau khi hết vắc xin, tổ chức phi lợi nhuận này có thể sẽ phải tính phí đối với những người đến tiêm, với chi phí cho một mũi vắc xin có thể lên đến 100 USD.

NGHI VŨ - TRẦN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan