Nga đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khi các thuế quan do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đã gián tiếp làm giảm mạnh giá dầu – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Nga.
Theo The Moscow Times, giá dầu giảm kéo theo doanh thu từ dầu khí – nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách Nga – sụt giảm mạnh. Vào tháng 3/2025, giá dầu Urals của Nga chỉ đạt trung bình 58,99 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức 69,7 USD/thùng được tính trong dự toán ngân sách.
Cú sốc kép từ giá dầu sụt giảm và sản lượng khai thác giảm đã khiến nguồn thu từ dầu khí trong tháng 3/2025 giảm tới 17%, và tính cả quý I là 10%. Để bù đắp thâm hụt ngân sách, Bộ Tài chính Nga buộc phải sử dụng Quỹ Phúc lợi Quốc gia (NWF) – nguồn dự trữ tài chính từng được coi là "túi an toàn" của nền kinh tế Nga.
Từ ngày 7/4 đến 12/5, Bộ Tài chính Nga dự kiến sẽ bán ngoại tệ trị giá 1,6 tỷ rúp mỗi ngày từ NWF, với tổng giá trị lên tới 35,9 tỷ rúp. Tuy nhiên, điều này càng làm xói mòn quỹ dự trữ vốn đã bị tổn thất nghiêm trọng bởi chiến tranh Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế. Tính đến tháng 3/2025, tài sản có thể thanh khoản của quỹ chỉ còn khoảng 37,5 tỷ USD – giảm gần hai phần ba so với trước đây.
Đáng chú ý, đồng rúp Nga lại tăng giá mạnh – tăng tới 26% so với đồng USD kể từ đầu năm. Tuy nhiên, sự mạnh lên của đồng nội tệ lại gây bất lợi cho ngân sách nhà nước vì doanh thu từ xuất khẩu dầu khí – vốn tính bằng USD – sẽ giảm đi khi quy đổi sang rúp. Điều này khiến thâm hụt ngân sách càng nặng nề hơn, buộc chính phủ Nga phải tiếp tục vay nợ hoặc dùng nốt phần dự trữ còn lại.
Việc giá dầu giảm, thu nhập quốc gia lao dốc, quỹ dự trữ cạn kiệt và nhu cầu vay nợ tăng cao đang đẩy nước Nga vào tình trạng bấp bênh. Nếu tình hình không được kiểm soát, khủng hoảng tài chính quy mô lớn có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới.
Thu Phương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC