TỪ CÚ NGÃ RÚNG ĐỘNG CỦA THUỲ TIÊN: HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH CHO GIỚI NGHỆ SĨ!
Tháng 3/2025, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bất ngờ vướng phải ồn ào khi bị tố quảng cáo sai lệch công dụng của sản phẩm kẹo rau củ Kera ở buổi livestream. Trong một phiên bán hàng, cô từng không phản bác mà nói "đúng rồi" khi Quang Linh cung cấp thông tin một viên kẹo bằng 1 dĩa rau. Sau đó, cả Quang Linh - Hằng Du Mục đều phải lên tiếng xin lỗi, khi đó Thuỳ Tiên im lặng. Ngoài ra, Thuỳ Tiên còn góp mặt trong các clip quay ở nông trại, nhà sản xuất viên kẹo này. Tuy nhiên, khi mọi chuyện vỡ lẽ, cô lại lên tiếng khẳng định mọi thông tin chia sẻ trên livestream đều do nhà máy cung cấp. Phát ngôn này của Thuỳ Tiên được cho là đùn đẩy trách nhiệm, thiếu sự tìm hiểu, kiểm chứng khi chia sẻ thông tin trước công chúng.
Cuối cùng, công ty sản xuất kẹo Kera bị phạt, Quang Linh - Hằng Du Mục bị tạm giam. Về phía Thuỳ Tiên, cô bị tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ công tác điều tra trong thời gian từ 15/3/2025 - 15/5/2025. Ngoài ra, Thuỳ Tiên còn bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phạt 25 triệu đồng vì đã không thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng.
Vụ việc của Thuỳ Tiên không chỉ khiến dư luận rúng động mà còn làm dấy lên nhiều tranh luận về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông – quảng cáo sản phẩm. Đây không đơn thuần là một "tai nạn truyền thông", mà thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho giới nghệ sĩ Việt đang hoạt động trên môi trường số, nơi ranh giới giữa chia sẻ cá nhân và nội dung thương mại ngày càng mỏng manh. Đằng sau một buổi livestream bán hàng tưởng như đơn giản, là một chuỗi hệ lụy mang tính cảnh báo: Khi nghệ sĩ bước vào thương mại hóa hình ảnh quá nhanh, nhưng thiếu sự chuẩn bị, kiểm chứng và hiểu biết pháp lý.
Một lời nói trong livestream không chỉ chốt đơn, mà còn "chốt" luôn lòng tin khán giả!
Livestream giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các thực phẩm chức năng, đồ ăn – thức uống đang là một "mảnh đất màu mỡ" được nhiều nghệ sĩ, KOLs và influencer khai thác. Với lượng người theo dõi khủng và độ tin cậy cao, họ dễ dàng tác động đến hành vi tiêu dùng của công chúng. Tuy nhiên, chính lợi thế này lại trở thành "con dao hai lưỡi" khi người nổi tiếng không kiểm chứng đầy đủ thông tin sản phẩm trước khi chia sẻ. Trong trường hợp của Thùy Tiên, việc quảng bá kẹo Kera với những công dụng được thổi phồng đã tạo ra kỳ vọng lớn trong lòng người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh và người theo lối sống lành mạnh. Khi thông tin này bị chứng minh là sai lệch, không chỉ thương hiệu mà niềm tin đặt vào người quảng bá cũng bị sứt mẻ nghiêm trọng.
Vụ việc đặt ra một câu hỏi không mới nhưng chưa bao giờ cũ: Nghệ sĩ có đang đánh mất vai trò định hướng công chúng, trở thành “một phần của cuộc chơi bán hàng”?
Nghề livestream bán hàng giờ chẳng khác gì một "cái chợ online" khổng lồ. Nghệ sĩ không chỉ còn là người biểu diễn trên sân khấu, đóng phim hay tham gia gameshow, mà còn là những "gian hàng" di động – nơi chỉ cần bật camera, có lượng người theo dõi lớn là có thể bán hàng. Nếu như trước kia, khán giả biết đến nghệ sĩ qua màn ảnh, sân khấu, những vai diễn được viết sẵn, những bài hát được dàn dựng công phu, thì ngày nay, khán giả nhìn thấy họ nhiều hơn qua… màn hình điện thoại. Chỉ một cú vuốt, một lần vào livestream, người xem có thể bắt gặp nghệ sĩ trong vai trò mới: Nói về sản phẩm, gợi ý mua hàng, chốt đơn ngay trên sóng – không kịch bản, không khoảng cách, rất thật… và cũng rất nguy hiểm.
Sự khác biệt lớn nhất giữa một nghệ sĩ trình diễn và một nghệ sĩ bán hàng nằm ở lời nói!
Trên sân khấu, lời thoại là do biên kịch viết, là nhân vật nói thay nghệ sĩ. Nhưng khi livestream, từng câu nói là chính họ – không có nhân vật nào đỡ thay, không ai chịu trách nhiệm ngoài bản thân người đang nói. Mỗi lời quảng bá sai sự thật không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tài chính, lòng tin của hàng nghìn người nghe theo. Ở góc độ sâu hơn, vấn đề không chỉ là “quảng cáo sai”, mà là nhầm lẫn vai trò. Có không ít nghệ sĩ hiện nay chưa phân biệt rõ ràng họ đang đóng vai trò của người truyền cảm hứng, hay của một “nhân viên bán hàng online cao cấp”. Và khi danh tiếng được đặt lên bàn cân cùng lợi nhuận, nghệ sĩ cần tự hỏi: mình đang cống hiến – hay đang khai thác niềm tin khán giả để kiếm tiền?
Livestream bán hàng nếu làm đúng, là cách kết nối hiệu quả giữa nghệ sĩ và công chúng, tạo ra một nguồn thu nhập tốt cho nghệ sĩ, cơ hội để mua những món đồ rẻ và chất lượng cho khách hàng. Nhưng nếu xem nó như công cụ bán hàng đơn thuần, không kiểm soát, không đạo đức thì sẽ để lại rất nhiều hệ luỵ lớn lao.
Hồi chuông từ Thùy Tiên là để cả thế hệ nghệ sĩ Việt đang lao mình vào những phiên livestream tỉnh táo và nhìn lại!
Hồi chuông từ Thùy Tiên không phải để kết tội, mà là để đặt lại câu hỏi cho cả một thế hệ nghệ sĩ: Làm sao để giữ được ranh giới giữa chia sẻ và bán hàng? Làm sao để vừa kiếm tiền, vừa giữ được niềm tin – thứ quý giá nhất mà công chúng đã trao?
Việc Thùy Tiên bị xử phạt 25 triệu đồng vì không công khai mối quan hệ tài trợ là bước đi đầu tiên cho thấy cơ quan chức năng đang bắt đầu nghiêm khắc hơn. Đây là lúc cần nhìn lại nguyên tắc làm nghề: không chỉ chạy theo hợp đồng, mà cần đặt câu hỏi: “Sản phẩm này có thực sự tốt cho người tiêu dùng không?”
Thùy Tiên không phải người đầu tiên vướng vào hệ lụy khi quảng bá sản phẩm sai lệch, và chắc chắn cũng không phải người cuối cùng. Nhưng mỗi lần một nghệ sĩ bị "gọi tên", là một lần công chúng buộc phải đặt lại câu hỏi rằng người nổi tiếng có thật sự hiểu họ đang ảnh hưởng đến ai – và bằng cách nào? Trong một thời đại mà nghệ sĩ có thể tiếp cận hàng triệu người chỉ bằng một cái chạm màn hình, thì sức nặng của lời nói không còn dừng ở mức “chia sẻ cá nhân”. Mỗi lần giới thiệu một sản phẩm, nhất là những thứ tác động đến sức khỏe, thói quen tiêu dùng, hay niềm tin của cộng đồng, nghệ sĩ không chỉ “đưa thông tin” – họ đang định hướng hành vi. Và ở vị trí đó, trách nhiệm không thể mơ hồ.
Bài học quan trọng nhất rút ra từ vụ việc của Thùy Tiên không nằm ở mức phạt hành chính. Nó nằm ở việc giới nghệ sĩ cần nghiêm túc phân biệt giữa làm nghệ thuật và làm thương mại. Không phải nghệ sĩ không được quảng cáo. Nhưng khi đã chọn trở thành một phần của thị trường – nghệ sĩ cần hiểu rằng chính mình cũng đang là một thương hiệu, và thương hiệu ấy cần sự kiểm chứng, chọn lọc, đạo đức và minh bạch. Việc nói “xin lỗi” sau mỗi sai lầm không sai, nhưng nó không thể trở thành một quy trình xử lý truyền thông mặc định. Niềm tin công chúng không phải thứ có thể “xây lại” sau vài dòng status hay một bài phỏng vấn. Nó được hình thành bằng cả một hành trình – và bị sụp đổ chỉ sau vài phút livestream.
Nghệ sĩ làm nghề trong kỷ nguyên số cần học cách tự trang bị kiến thức về pháp luật, đạo đức truyền thông, và ranh giới giữa “tự do thể hiện” với “lạm dụng ảnh hưởng”. Không ai có thể kiểm soát tất cả rủi ro, nhưng việc ý thức được vai trò và tác động của mình là trách nhiệm bắt buộc.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên ban soạn thảo sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo từng chia sẻ quan điểm liên quan đến việc nghệ sĩ livestream bán hàng kém chất luượng: "Theo Luật hiện hành, mức xử phạt hành chính cao nhất chỉ 60-80 triệu đồng, số tiền này quá thấp so với với lợi nhuận từ các hợp đồng quảng cáo sai sự thật. Trong khi trên thực tế, chi phí bán hàng, markerting chi cho quảng cáo khoảng 25%-60% doanh thu để làm sao bán được sản phẩm. Điều này dẫn đến vấn nạn nhiều KOL, KOC bất chấp quảng cáo sai sự thật để có lợi nhuận. Tẩy chay mới là hình phạt cao nhất để có thể giải quyết tình trạng quảng cáo sai sự thật. Khi bị tẩy chay, những người nổi tiếng đó sẽ mất nghề, vĩnh viễn không được nhãn hàng thuê làm quảng cáo nữa. Những người nổi tiếng bắt buộc phải giữ gìn hình ảnh của mình, bởi đó là 'cần câu cơm' của họ nếu làm trong lĩnh vực quảng cáo".
Ngày 3/1/2025, Bộ VHTT&DL đã có Báo cáo số 03/BC-BVHTTDL gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tại dự thảo Luật, nội dung "quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng" được quy định tại khoản 13, Điều 1; đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 23 về quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý Nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Dự kiến Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
LỜI THÚ NHẬN CỦA QUANG LINH VLOGS, HẰNG DU MỤC
Sau khi bị khởi tố, Quang Linh Vlogs đã có lời xin lỗi gửi tới những người đã tin tưởng mua hàng. Trong khi đó, Hằng Du Mục cũng thừa nhận trách nhiệm và cho rằng hành vi của mình là một "sai lầm lớn".
Sau khi bị khởi tố, áp dụng biện pháp tạm giam, Phạm Quang Linh (còn gọi là Quang Linh Vlogs, thành viên HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt) bày tỏ sự hối hận.
Bị can trình bày rằng đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình. “Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới những người đã tin tưởng mình mua sản phẩm”, Quang Linh Vlogs nói.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Thái Hằng (còn gọi là Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt) thừa nhận trách nhiệm vì kẹo rau củ Kera bán cho người tiêu dùng là sản phẩm đưa vào cơ thể khách hàng.
Trình bày tại cơ quan điều tra, Hằng Du Mục nói: "Nếu như ngày hôm đó, trong quá trình sản xuất, đội ngũ chúng tôi khắt khe và nghiêm khắc, rà soát thật là kỹ thì đã không có ngày hôm nay. Tôi xin nhận trách nhiệm của mình, đây là một sai lầm rất lớn”.
Trước đó, ngày 3/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can để làm rõ hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
5 người bị khởi tố, áp dụng biện pháp tạm giam gồm: Phạm Quang Linh (còn gọi là Quang Linh Vlogs; thành viên HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt); Nguyễn Phong (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ASIA LIFE); Lê Tuấn Linh (Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt); Lê Thành Công (thành viên HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt) và Nguyễn Thị Thái Hằng (còn gọi là Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt).
Ở một diễn biến khác, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với hoa hậu Thùy Tiên để xác minh làm rõ liên quan đến kẹo rau Kera.
ỒN ÀO QUẢNG CÁO TRÊN MẠNG: CHƯA QUA TIỂU HỌC TỰ XƯNG CHUYÊN GIA, BÁC SĨ
Trong thời đại bùng nổ công nghệ, ai cũng có thể làm quảng cáo chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, nhưng không phải người nào cũng có kiến thức và sự am hiểu, giống như một số trường hợp chưa học hết tiểu học, không qua trường lớp đào tạo về y tế cũng tự xưng là bác sĩ, chuyên gia sức khỏe để bán thuốc.
Vấn nạn người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Mới đây trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - cho biết, với sự bùng nổ về công nghệ thông tin thì ai cũng có thể trở thành những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs, KOC), quảng cáo hàng hóa chỉ với một chiếc điện thoại thông minh ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào mà không cần qua trường, lớp đào tạo.
Nhiều doanh nghiệp bán hàng giả , hàng kém chất lượng thường hướng tới việc thuê các KOLs, KOC để quảng cáo sản phẩm với thù lao "khủng" vì họ có lượng người hâm mộ và tương tác cao trên mạng xã hội, dễ dàng chuyển từ sự hâm mộ sang niềm tin đối với những sản phẩm mà họ giới thiệu.
Tuy nhiên, ông Sơn nêu vấn đề không phải ai cũng có kiến thức về sản phẩm mà họ quảng cáo trên mạng, giống như việc một số người chưa học hết tiểu học, không qua trường lớp đào tạo về y tế cũng tự xưng là bác sĩ, y sĩ để tư vấn bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu và kém chất lượng trên mạng.
Về pháp luật, không thể ngăn cản những người không có kiến thức đi quảng cáo thuốc hay thực phẩm chức năng kém chất lượng trên mạng, vì họ được quyền phát ngôn trên các nền tảng này. Nhưng nếu họ nói sai sự thật và gây hậu quả thì sẽ bị pháp luật xử lý, cộng đồng mạng tẩy chay.
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, việc các quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan còn do người tiêu dùng hiện nay quá dễ dãi. Ông Sơn dẫn chứng vụ kẹo rau Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và Thùy Tiên, khi người tiêu dùng mua kẹo rau về thấy không đúng như sự thật họ vẫn khá dửng dưng. Bởi lẽ, một hộp kẹo chỉ khoảng 150.000 đồng nên người mua nghĩ rằng không bõ đi kiện và thực tế người Việt cũng không có thói quen đi kiện vì mất công mất sức.
Theo ông Sơn, người tiêu dùng cần thay đổi tư duy về việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng khi mua phải sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên mạng bằng việc đi thưa kiện.
Hầu hết các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube… là nền tảng xuyên biên giới, do đó việc can thiệp và xử lý các trường hợp quảng cáo sai sự thật và quảng cáo hàng giả vẫn còn nhiều thách thức. Việc này hiện nay chỉ có thể trông chờ vào cộng đồng mạng thông qua việc ấn nút báo cáo và bấm hủy theo dõi những người quảng cáo hàng giả , hàng kém chất lượng.
"Trước đó Bộ thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra nghị định dưới luật để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội giảm bớt những quảng cáo sai sự thật và quảng cáo hàng giả. Tuy nhiên, do đây chỉ là văn bản dưới luật nên chưa đủ sức để tác động tới các nền tảng. Vì thế, tại dự thảo luật sửa đổi sắp tới dự kiến đưa thêm yêu cầu về việc bất kể nền tảng xuyên biên giới nào hoạt động tại lãnh thổ Việt Nam thì đều phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam", ông Sơn nói.
Tăng nặng xử lý người sản xuất, bán hàng giả
Tối 4/4, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản - Chánh Văn phòng Bộ Công an - xác nhận, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với hai KOLs, KOC nổi tiếng là Hằng du mục, Quang Linh Vlogs do liên quan vụ án "Sản xuất hàng giả" và "Lừa dối khách hàng", xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt xảy ra tại TPHCM và Đắk Lắk. Đây là 2 trong 5 cá nhân có vai trò chủ chốt trong hoạt động sản xuất, phân phối, quảng bá sản phẩm kẹo rau củ Kera - sản phẩm bị tố cáo thổi phồng công dụng, gây hiểu nhầm và lừa dối người tiêu dùng.
Trao đổi với PV Tiền Phong về chế tài, xử phạt vi phạm đối với hành vi sản xuất và bán hàng giả hiện nay , luật sư Hoàng Tuấn Vũ - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - cho biết, mức phạt vi phạm hành chính với hành vi sản xuất hàng giả hiện hành rất thấp nếu so với số lợi bất hợp pháp thực tế mà các đối tượng sản xuất thu được. Mức phạt cao nhất là 200 triệu đồng đối với trường hợp sản xuất hàng giả “đặc biệt” về giá trị sử dụng, công dụng theo quy định tại Nghị định 98/2020 của Chính phủ. Trong khi đó, mức phạt thấp nhất chỉ là 500.000 đồng - mức phạt được cho là vô nghĩa và phi lý.
"Trên thực tế việc xác định số lợi bất hợp pháp thu được của người vi phạm để có thể định ra mức phạt luôn là một vấn đề mang tính chất tương đối, bởi việc thống kê số lượng hàng giả đã tuồn ra thị trường rất khó kiểm soát được một cách chính xác" - luật sư Vũ nói và kiến nghị giải pháp là cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cao gấp 10 lần hiện hành.
Đại diện Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng cần triển khai các hệ thống công nghệ hiện đại để giám sát và theo dõi thị trường, giúp phát hiện và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm trên mạng; tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống hàng giả.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như dùng tem chống giả QR code , RFID hoặc giải pháp xác thực điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra hàng hóa trên mạng.
Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống hàng giả, chủ động bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký sở hữu trí tuệ, áp dụng các biện pháp bảo mật trong sản xuất và phân phối, hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý hành vi làm giả sản phẩm trên mạng.
Theo: Soha Vietnamnet
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC