LTS: Dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 tại TP.HCM khiến người dân điêu đứng, đặc biệt những người nghèo, người vô gia cư còn rơi vào tình trạng kiệt quệ, đói khát. Trong khi cả thành phố đang căng mình chống dịch, những suất cơm từ thiện ở khắp mọi nơi đã giúp những mảnh đời bất hạnh cầm cự qua ngày.
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM đã có những chia sẻ về góc nhìn riêng đối với những người nhận suất ăn miễn phí, đồng thời phê phán cách làm thiếu tình người của những Youtuber lớn tiếng chỉ trích người nghèo.
Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu đến quý độc giả:
Dịch bệnh bùng phát, người dân Sài Gòn tìm cách san sẻ với nhau bằng những suất cơm, phần quà từ thiện
Hôm giờ coi trên mạng, nhiều Youtuber làm clip "vạch trần" "những người đeo vàng đi ăn cơm từ thiện"; "người nghiện đi xin cơm"; "xin cơm từ thiện để bán".
Có một bà già gằm mặt trước máy quay của Youtuber tại một điểm phát cơm từ thiện khi bị anh này mắng sao lấy tới 2 hộp cơm. Bà phân trần: "Cậu ơi tôi lấy cho người tàn tật, họ không tới lấy được. Không phải tui lấy cho tui!". Anh Youtuber trẻ truy tới bến: "Cảm ơn bà, không ai tốt vậy đâu bà ơi!".
Có ông chú đạp xe tới, một anh Youtuber nói đói thì về ăn mì. Ông nói nghèo quá, nhà cũng không còn gói mì nào; anh này móc: "Nghèo không có mì ăn sao mập vậy?"
Tôi thấy truyền thông vậy sỉ nhục người nghèo quá.
Tôi nhớ câu chuyện của mình. 20 năm trước, con tôi sinh non, rồi bệnh nặng, nằm bệnh viện mấy tháng trời ở Nhi Đồng 1. Một đứa bé phải ấp kangaro 24/24 thì phải có 4- 5 người lớn chăm sóc. Người chăm sóc nằm, nửa thân trên cao 45 độ, ấp nó vào ngực mình để cân bằng thân nhiệt và nhịp thở mình kích thích nhịp tim nó, vì tim phổi của trẻ sinh non chưa hoàn thiện.
Con tôi được 4 người chăm: vợ chồng tôi, thằng em vợ đang học Đại học Sư phạm và bà ngoại cháu. 8 ca, mỗi ca 3 tiếng. Tôi chỉ đảm trách 1 ca ấp con vì còn phải chạy đi kiếm tiền nuôi con và lo ăn uống cả nhà chăm bệnh.
Thường buổi sáng tôi dậy sớm, trên đường từ nhà đến bệnh viện sẽ ghé khu Bàu Cát mua đồ ăn mang vào cho mọi người. Nhưng có bữa mệt quá, tôi về toà soạn ở Nguyễn Tri Phương viết bài để sáng sớm đi bộ qua Bệnh viện Nhi Đồng1, rồi tôi nằm trên bàn ngủ quên.
Tỉnh giấc đã hơn 6 giờ. Tôi mua đồ ăn chạy qua thì mẹ vợ nói trưa khỏi mang cơm, bà dành chỗ đồ ăn sáng làm bữa trưa vì bà ăn sáng rồi. Thì ra sợ tôi mệt, bà ẵm cháu xuống dưới nhận cháo từ thiện. Sáng nào cũng có một nhóm các chị tiểu thương mang hai thùng cháo thịt sườn hoặc cháo tim gan tới phát.
Có một bà khác chăm cháu cũng xuống, nhận luôn cho cả phòng. Không nhất thiết là nghèo, lỡ bữa thì cứ xuống nhận.
Tôi tức quá la bà: Đừng có làm vậy, mình nhận thì người khác cần hơn, nghèo hơn không có mà ăn. Bà cụ chăm cháu giường bên, là dân miền Tây nói: Cái này là lỡ bữa mà, làm gì cậu la bà dữ vậy?
Ở quán Nụ cười của ông bà Nam Đồng, không chỉ có người nghèo, mà có cả người "lỡ bữa" vì lý do nào đó. Đi, quên ví ở nhà cũng có thể ghé ăn. Có người ghé ăn cả tuần không vì lỡ bữa, coi người chủ quán làm ăn chăm lo cho dân sao, rồi hôm sau mướn xe chở tới quán một xe gạo. Tôi cũng từng lỡ bữa và ghé ăn khi quán này mở ở số 6 Hồ Xuân Hương, quận 3.
Thực ra tôi không nghĩ có ai đó nhận cơm từ thiện đi bán (bán cho ai được mà bán?). Sao nỡ dí máy quay vào mặt người nhận cơm? Sao nỡ???
Lên án cái ác và sự dối trá là sứ mệnh của truyền thông. Nhưng nhân danh cảnh báo để làm người đói ăn đứt bữa thêm một lần tổn thương là tội ác.
Các quán cơm từ thiện mở ra để chia sẻ và lan toả lòng nhân ái chứ không phải để răn dạy người yếm thế. Các Youtuber đừng làm vậy, xin đừng bóc mẽ người nghèo kể cả nếu ai đó trong số họ có một chút tham.
Nguyễn Đức Hiển
Nguồn: Báo điện tử VietnamNet
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC