Hôm qua, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc nhắc tới “từng mâm cơm người dân” trong cảnh báo về sự ảnh hưởng từ sức ép lạm phát gia tăng.
Nghe mà tủi thân quá.
10 năm trước, khi “đĩa rau muống xào 200 ngàn đồng ở Thượng Hải” của ĐBQH Đỗ Văn Đương khuấy động nghị trường, giá rau muống ở ta - theo ông Đương- chỉ “5.000 đồng” ở các đô thị, mà có khi “2.000 đồng/mớ”, thậm chí “còn rẻ hơn”.
Cũng trong phiên họp năm ấy, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền nói: xưa phát hành tiền thì tính bằng tiền xu, nhưng giờ đi chợ tính bằng tiền ngàn, tức là mất giá đến 1.000 lần”.
Bẵng đi 10 năm, ngay lúc này, “tiền ngàn” giờ đã thành “chục ngàn”, giá một bó rau muống đã là 25.000 đồng. Tức là tăng 500% so với mức giá 5.000 đồng, hoặc 1.250% so với mức giá 2.000 đồng.
Cần phải mở ngoặc, mức lương cơ sở thời điểm giá mớ rau 5.000 đồng năm ấy là 730.000 đồng/tháng. Còn hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng.
Đặt giả sử có một chỉ số “Rau Muong Index” thì 10 năm trước, lương cơ sở 730.000 đồng sẽ mua được 146 mớ rau muống. Giờ, kể cả khi lương cơ sở tăng 104% thì với 1.490.000 đồng hiện chỉ còn mua được 59,6 mớ.
Bữa cơm sinh viên thời bão giá, khi "mua một mớ rau cũng phải đắn đo, cân nhắc". Ảnh: Phan Liên
Bìa đậu, quả trứng, chai mắm, bình ga, lạng thịt... thứ nào cũng đã tăng ở mức hai con số. Và giờ đến rau muống. Thứ rau dễ trồng, mau lớn, thứ rau bình dân mà người lao động, dân nghèo vẫn dùng để “ăn độn”, vốn “chỉ đắt hơn cỏ”. Thế mà bây giờ phải mua với số tiền 5 con số, phải ăn dè, phải “chia đôi”... Có nghĩa rằng mâm cơm người dân đã bị ảnh hưởng ngay ở những món độn rẻ tiền nhất.
Với tổng số giá trị các chính sách tài khóa được thực hiện đã đạt trên 88.000 tỉ đồng; với việc giảm tiếp 7.000 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu; với đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng thêm 38.000 tỉ đồng sắp tới, tổng số tiền giảm thuế sẽ lên đến 126.000 tỉ đồng.
Nói như Bộ trưởng Hồ Đức Phớc là “Chưa có khi nào trong lịch sử Nhà nước lại miễn, giảm thuế nhiều như hiện nay”.
Cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Bộ trưởng đã thương mâm cơm người dân.
Nhưng cũng đã bao giờ dân khó khăn như bây giờ?! Khi vừa sức cùng lực kiệt với 2 năm dịch bệnh, khi phải gánh giá xăng 7 lần phá mốc lịch sử, khi những cơn bão khiến “Đi chợ mà cứ như bị rơi mất tiền”.
Điều mà dân mong mỏi bây giờ là giá cả đừng “bão nữa”, là giảm thuế song song với khống chế lạm phát để bão giá không ăn mòn túi tiền. Và đó là thứ lạm phát đo ngoài chợ chứ không chỉ trên báo cáo.
Đào Tuấn
Nguồn: Báo Lao động
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC