Khung cảnh mùa hè ở Phần Lan. Ảnh: Romaniajournal
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc (LHQ) được công bố hôm qua đánh giá Phần Lan đứng đầu trong số 156 quốc gia trên thế giới về chỉ số hạnh phúc, dù người dân ở đây được tận hưởng rất ít ánh nắng mặt trời và phải sống trong nền nhiệt thấp.
Theo AP, là một trong những quốc gia nằm ở cực bắc của thế giới, Phần Lan trải dài 1.160 km. Có những khu vực tại nước này, mặt trời không mọc suốt 73 ngày liên tiếp trong mùa hè và 51 ngày trong mùa đông.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do khiến khiến quốc gia Bắc Âu này trở thành một nơi lý tưởng để sinh sống. Theo Bản đồ Nguy cơ Du lịch 2018, Phần Lan có mức độ đe dọa thấp nhất cả ở 3 hạng mục y tế, an ninh và giao thông. Mọi người có thể an toàn đi lại một mình trong các công viên hay phương tiện công cộng vào bất cứ giờ nào. Cứ 12 chiếc ví bị cố tình bỏ quên ở thủ đô Helsinki thì có 11 chiếc được trả lại cho chủ nhân, theo một cuộc thử nghiệm về tính trung thực toàn cầu.
Một thiếu nữ Phần Lan. Ảnh: Visit Finland
Phần Lan cũng là nước có chỉ số môi trường đứng đầu thế giới năm 2016, theo báo cáo của Trung tâm về Luật và Chính sách Môi trường Yale. Quốc gia này có tỷ lệ rừng cao hơn bất kỳ nước nào ở châu Âu và đứng thứ 11 trên thế giới. Thủ đô Helsinki có nguồn nước máy sạch nhất trong số các thành phố lớn trên thế giới.
Gần hai phần ba lượng điện của nước này được sản xuất từ các năng lượng tái tạo hoặc năng lượng hạt nhân. Mục tiêu của Phần Lan là đến năm 2020, 38% nguồn năng lượng của nước này đến từ nhiên liệu tái chế.
Theo Báo cáo về Khoảng cách Giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phần Lan nằm trong tốp ba những nước bình đẳng giới, chỉ sau Iceland và Na Uy, và là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trường cao nhất.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Phần Lan rất thấp, chỉ 2,1 trên 1.000 ca sơ sinh, bằng một phần tư so với tỷ lệ trung bình ở châu Âu và một phần ba so với Mỹ. Tuổi thọ trung bình của người dân Phần Lan rất cao, 78 tuổi với nam giới và 84 tuổi với nữ giới, theo số liệu năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Quốc gia này có GDP cao và tiền thuế cũng cao nhằm hỗ trợ cho các chương trình xã hội, đổi lại người dân được tiếp cận hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc với chi phí thấp.
Phần Lan còn nhiều nét thu hút khác khi là một địa điểm tuyệt vời cho các môn thể thao như trượt tuyết hay trượt băng với mùa đông kéo dài hơn 6 tháng. Phần Lan còn là nước vô địch thế giới với hơn 3 triệu nhà tắm hơi, tức cứ một người dân Phần Lan thì có hơn một nhà tắm hơi. Đây còn là quê hương của ông già Noel. Ông sống ở vùng Lapland và chào đón du khách đến thăm quanh năm.
"Thật tuyệt khi được sống ở quốc gia hạnh phúc nhất này, dù tuyết rơi và chúng tôi phải bước đi trong tuyết ẩm ướt", Inari Lepisto, 28 tuổi, một người dân Helsinki, nói. "Có nhiều điều khiến chúng tôi hạnh phúc".
"Chính trị và kinh tế, tôi nghĩ những yếu tố cơ bản này khá tốt ở Phần Lan", Sofia Holm, một thanh niên khác ở Helsinki, chia sẻ. "Vì thế chúng tôi có điều kiện hoàn hảo để có cuộc sống hạnh phúc ở đây".
Xếp hạng cao của Phần Lan trong báo cáo của LHQ còn dựa trên sự hạnh phúc của những người nhập cư sống tại nước này. Năm 2015, hơn một triệu người nhập cư vào châu Âu, vài nghìn người đã đến Phần Lan, một quốc gia tương đối đồng nhất với khoảng 300.000 người nước ngoài và có gốc gác nước ngoài trên tổng số 5,5 triệu dân.
Nhóm nhập cư lớn nhất Phần Lan đến từ các nước châu Âu nhưng cũng có các cộng đồng từ Afghanistan, Trung Quốc, Iraq và Somalia.
Vùng Lapland, Phần Lan, là quê hương của ông già Noel. Ảnh: Reuters
John Helliwell, đồng chủ biên của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, giáo sư danh dự đại học British Columbia, nhấn mạnh rằng tất cả các nước trong tốp 10 đều đạt điểm cao về cả hạnh phúc nói chung và độ hạnh phúc của người nhập cư.
"Phát hiện đáng chú ý nhất của báo cáo là sự nhất quán đáng kể giữa hạnh phúc của người nhập cư và những người dân bản địa", ông nói.
Những nước khác được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới gồm Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Hà Lan, Canada, New Zealand, Thụy Điển và Australia. Dù có GDP cao, Mỹ bị giảm 4 bậc so với năm ngoái, xuống vị trí thứ 18 trong báo cáo năm nay, do cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng, liên quan tới bệnh béo phì, việc lạm dụng chất gây nghiện và trầm cảm. "Hệ thống chính trị xã hội" ở Mỹ cũng tạo ra sự bất bình đẳng về thu nhập lớn hơn những nước giàu khác.
"Tôi nói đùa với những người Mỹ khác rằng chúng tôi đang thực hiện giấc mơ Mỹ ở Phần Lan", Brianna Owens, một người Mỹ hiện làm giáo viên tại Espoo, thành phố lớn thứ hai Phần Lan, nói.
"Tôi nghĩ mọi thứ trong xã hội này được thiết lập để người dân thành công, bắt đầu từ việc các trường đại học và hệ thống giao thông hoạt động rất hiệu quả".
Theo Anh Ngọc / vnexpress.net
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC