Kết hôn với người không cùng màu da, ngôn ngữ, văn hóa,… đang trở nên khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ.
Tương tự, việc các phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Mỹ, cũng đã và đang trở thành chuyện bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh những cặp vợ chồng hạp nhau và gắn bó đến ‘đầu bạc răng long’ thì cũng không thiếu những cuộc hôn nhân sớm kết thúc. Lý do thì có muôn vàn, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.”
Không trọn vẹn
Trường hợp thứ nhất là chị Thảo Phạm ở thành phố Santa Ana, 32 tuổi, hiện đang làm nail. Cách đây 2 năm, chị kết hôn với một nha sĩ người Mỹ tên Matthew vào dịp Giáng Sinh 2016.
Anh Matthew làm việc ở trung tâm thành phố Los Angeles, nhưng vì chiều vợ nên thuê nhà ở Santa Ana cho hai vợ chồng ở vì chị Thảo muốn gần nhà cha mẹ ruột. Thế nhưng sau Tết Âm lịch, tức mới hơn hai tháng sống cùng nhau, Matthew dọn trở về sống cùng cha mẹ ở gần Los Angeles và cương quyết ly hôn với chị Thảo.
Chị Thảo Phạm kể: “Trước khi cưới, Mathew rất yêu em, rất lãng mạn, ngày nào cũng chạy xe hơn 20 miles đón em về. Mathew còn giúp em học tiếng Mỹ, thậm chí lúc mới quen có một tuần, anh ấy còn làm cho em hai cái răng sứ. Thế nên lúc anh ấy dọn ra khỏi căn apartment hai đứa thuê, đòi ly hôn, gia đình em ai cũng sốc. Bạn bè nói chắc tại em đòi hỏi nhiều quá, nhưng em thấy những điều đó là bình thường, có gì quá đáng đâu?”
Khi được hỏi “đã đòi hỏi những gì,” chị Thảo thật thà kể tiếp:
“Sau khi kết hôn vài tuần, em nói với Mathew rằng trong văn hóa Việt Nam, chồng đi làm về phải đưa hết tiền cho vợ, chỉ giữ lại một ít tiêu xài riêng nên Mathew cũng phải làm như vậy. Matthew từ chối nên tụi em cãi nhau dữ dội, em bảo không đồng ý thì ly hôn. Hai đứa giận nhau mấy ngày, sau đó em chủ động làm hoà.
Vì gần đến Tết nên em không nhắc lại chuyện đưa tiền em giữ, định đợi sau Tết sẽ nhắc. Rồi đưa cho anh ấy một danh sách dài những thứ cần mua cho gia đình em ngày Tết, trong đó có loại gạo Nhật rất ngon, hơi khó tìm nhưng Mathew đã tìm được và mua đầy đủ những thứ yêu cầu cho gia đình vợ, vì em bận đi làm. Ngày Tết em bảo Matthew phải cho tiền tất cả những người trong gia đình em và tất cả cháu của em, cho bằng tiền của riêng của anh ấy. Anh ấy làm theo tất cả những điều em yêu cầu, vậy mà sau Tết lại dọn ra ở riêng và đòi chia tay. Đàn ông như vậy là chưa trưởng thành, em cũng không cần.”
Một trường hợp khác là Jennifer Hà, 29 tuổi, chủ một nhà hàng ở thành phố San Grabriel. Jennifer Hà kết hôn với người đàn ông Việt gốc Hoa khi chị mới 21 tuổi.
Chồng bảo lãnh chị sang Mỹ, cho đi học tiếng Mỹ rồi mở cho chị một nhà hàng để chị không phải đi làm công cho ai. Theo miêu tả của Hà, chồng chị là người siêng năng, hiền lành, tốt bụng nhưng “khô như ngói”, không bao giờ làm một điều gì lãng mạn, không bao giờ khen chị đẹp, trong khi mỗi ngày gặp những người đàn ông Mỹ lúc nào cũng ngọt ngào, khen ngợi chị. Dần dần chị mất tình cảm với chồng, mâu thuẫn càng lúc càng nhiều và rồi ly hôn. Sau khi ly hôn, chị thề với lòng “chỉ lấy người Mỹ.”
Sau khi hẹn hò vài người Mỹ, cuối cùng Jennifer Hà quyết định kết hôn với một người lớn hơn chị 8 tuổi, làm việc trong một trường trung học. Thời gian hẹn hò Jennifer Hà ngập tràn trong phúc vì theo chị, đó là người đàn ông lãng mạn, tâm lý, chìu chuộng chị hết mực.
Thế nhưng chỉ sau vài tuần sống cùng với nhau, Jennifer bắt đầu vỡ mộng bởi những khác biệt, trong khi chồng chị không còn chìu chuộng chị như lúc hẹn hò. Chị thích ăn cá nhưng chồng chị không chịu được mùi cá, không chịu được mùi nước mắm trong nhà.
Chị Jennifer vốn rất sạch sẽ, không bao giờ mang giày vào nhà, còn chồng chị đi làm về là mang cả giày vào nhà, lên cả phòng ngủ.
Trời nắng thì không sao nhưng trời mưa thì nhà rất bẩn. Chồng chị có con chó bec-giê rất to, lông rụng rất nhiều nhưng vì cưng chó nên chồng chị cho chó nằm trên sofa, giường ngủ của hai vợ chồng. Nơi nào trong nhà cũng đầy lông chó. Chưa kể là mỗi ngày phải nướng thịt gà hoặc thịt bò cho chó ăn. Chị Jennifer nói chị gặp rất nhiều người cưng chó nhưng chưa thấy người nào quá đáng như chồng chị. Đến nỗi khi đi ngủ cũng cho chó nặng gần 90 pounds lên nằm ở giữa hai vợ chồng đến khi nào nó muốn nhảy ra khỏi giường thì thôi. Đi làm về, chồng của Jennifer chỉ thích nằm trên sofa ôm chó và xem tivi chứ chẳng muốn đi đâu với chị. Mâu thuẫn càng lúc càng nhiều, cuối cùng chị quyết định ly hôn sau gần 2 năm sống chung.
Khi được hỏi “còn muốn hẹn hò đàn ông Mỹ nữa không?” Jennifer nói chắc chắn là không và cho rằng “đàn ông Việt vẫn là nhất,” bởi sau khi chia tay, hết yêu, vẫn còn nghĩa nhưng với người Mỹ thì “đừng mơ chuyện đó.”
Một phụ nữ lấy chồng Mỹ khác là chị Holland Truong, 42 tuổi, là chuyên viên của ngân hàng Wells Fargo. Chị Holland tự nhận mình là người sống tình cảm nhưng cá tính, độc lập và có phần hoang dã (wild) khó thuần phục. Trước khi kết hôn, chị và chồng cũ có 3 năm sống cùng với nhau. Thế nhưng chỉ sau hai năm kết hôn, khi con trai chung của hai người mới vừa 8 tháng tuổi, Holland là người chủ động chia tay chồng, mặc cho chồng cũ của chị cố gắng níu kéo.
Chị kể: “Anh ấy là người chồng, người ta tuyệt vời, chuyện chia tay là do tôi. Bởi vì lúc đó tôi bị trầm cảm nặng sau khi sinh, cộng với nhiều áp lực khác, tôi cảm thấy nếu đi tiếp, cuộc hôn nhân của tôi sẽ nặng nề, tôi không vui mà chồng cũng đau khổ. Thà là chấm dứt để giữ lại được tình cảm và không bị ảnh hưởng đến con trai.”
Chị Holland Trương. (Hình do nhân vật cung cấp)
Sau khi chia tay chồng năm 2001 đến nay, Holland hẹn hò vài người Mỹ trắng nhưng vì những lý do khác nhau, chị chưa muốn kết hôn, mặc dù những người đó rất yêu chị, từng cầu hôn chị.
Theo Holland, ngoài đàn ông Mỹ trắng, chị không hề bị hấp dẫn bởi đàn ông Mỹ gốc Phi hay đàn ông Châu Á. Chị chưa từng và cũng không thích hẹn hò với đàn ông Việt. Chị thích đàn ông Mỹ trắng cao, khoẻ mạnh, có chơi thể thao, lãng mạn, tình cảm và phải có công việc ổn định. Một điều nữa theo Holland rất quan trọng trong mối quan hệ tình cảm là tình dục. Chị cho rằng: “Tình dục rất quan trọng trong hôn nhân. Nếu người vợ hoặc người chồng không thoả mãn với người bạn đời của mình, sẽ rất dễ dẫn đến ngoại tình. Theo tôi, đàn ông Mỹ rất giỏi chuyện này.”
Làm sao để hôn nhân vợ Việt – chồng Mỹ bền vững?
Không phải cuộc hôn nhân vợ Việt – chồng Mỹ nào cũng kết thúc bằng chia tay. Cũng có nhiều cặp sống với nhau rất hạnh phúc. Đơn cử là cuộc hôn nhân của nhà thơ Trần Mộng Tú.
Nhà thơ Trần Mộng Tú, hiện sống ở Seattle, tiểu bang Washington, cùng chồng là ông Frank Pease.
Khi được hỏi về cuộc hôn nhân Việt – Mỹ của mình, bà dí dỏm cho biết: “Chúng tôi kết hôn chưa lâu lắm, chỉ mới có… 42 năm thôi. Chúng tôi có ba con: hai trai, một gái và 2 cháu ngoại, một cháu nội. Dĩ nhiên cũng như phần lớn những cuộc hôn nhân lúc đầu vợ chồng nào cũng có những khoảng thời gian ‘thăm dò, chịu đựng lẫn nhau.’ Cuộc hôn nhân dị chủng lại càng khó khăn hơn trong những năm đầu vì khác biệt văn hóa. Cứ nghĩ xem, cha mẹ và con cái sống cùng nhau còn mâu thuẫn huống hồ hai người sinh ra, lớn lên ở hai đất nước khác nhau, ngôn ngữ, văn hoá, phong tục tập quán khác nhau. Chuyện ăn uống cũng khác nhau, làm sao có thể hoà hợp tuyệt đối ngay lập tức được. Cũng may, Frank là người có cái tâm lành, chu đáo và rất đơn giản nên mọi chuyện cũng dễ dàng. Frank cũng rất thích thức ăn Việt nên chúng tôi không gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống.”
Với bà, ông Frank không chỉ là người chồng mà còn là một người bạn. Bà nói: “Frank cũng tôn trọng những người bạn Việt Nam của tôi nữa. Ông quý mọi người và không có tính kỳ thị. Về sở thích văn chương của tôi. Khi tôi viết truyện ngắn thỉnh thoảng tôi muốn Frank góp ý, nhưng về thơ thì Frank ‘xin hàng’. Tuy không chia sẻ được 100% trong việc sáng tác, nhưng Frank khuyến khích và ủng hộ tôi tối đa. Ở cửa phòng viết của tôi, Frank treo chữ ‘Poet at work’ và đóng cửa lại khi tôi ở trong đó, để các con không làm phiền mẹ.”
Khi chúng tôi hỏi, làm sao để có cuộc hôn nhân trọn vẹn với người chồng Mỹ, trong khi cả hai có quá nhiều khác biệt?
Bà Trần Mộng Tú khuyên: “Bất kể bạn là ai, bao nhiêu tuổi, đẹp xấu thế nào, nếu bạn muốn được ‘nhận’, trước hết bạn phải ‘cho’ đi. Cũng đừng đòi hỏi, đặc biệt với những thứ mà người ta không có. Ví dụ, tôi hiểu Frank là người cực kỳ đơn giản, hiếm khi nào làm điều gì lãng mạn, cũng chẳng biết đi mua quà tặng vợ bởi Frank rất vụng trong việc mua bán, nên tôi không đòi hỏi điều gì Frank không có (vì không có thì làm sao biết cách cho), chắc chắn tôi sẽ thất vọng và sẽ tự làm khổ mình. Người ta hay nói đến hai chữ ‘hạnh phúc’ trong hôn nhân.Thật ra hai chữ này trong thơ văn nhiều hơn ở ngoài đời. Đừng cầu toàn quá, cái gì cũng tương đối thôi. Miễn là cả hai cùng nhân nhượng nhau, thì một đời sống êm ả cũng là quý rồi. Theo tôi, dù cuộc hôn nhân đồng chủng hay dị chủng, người vợ có lẽ là người phải ‘hy sinh hơn một chút’ trong cuộc hôn nhân của mình để có được cuộc hôn nhân tốt đẹp. Cuối cùng, tôi muốn nói: Không phải yêu nhau ghê lắm mới giữ được hạnh phúc đâu. Điều quan trọng là phải ‘nể trọng’ và quan tâm tới nhau. Chúng tôi cũng có những ngày ‘biển động’ và ‘núi gầm gừ’ chứ, sao không? Có như thế mới quý ngày êm ả.”
Một trường hợp nữa là bà Nguyễn Thị Phượng, hiện làm việc cho FBI ở Marryland. Bà Phượng gặp chồng, người hiện đang làm việc cho Cục Quan Thuế và Biên Phòng Mỹ, khi cả hai còn đang học đại học. Tính đến nay họ đã kết hôn được 39 năm và vẫn đang rất hạnh phúc bên nhau.
Bà Phượng cho biết, chồng bà là người ít nói, trầm tính nhưng rất chu đáo, chân thành, không bao giờ giấu giếm bà bất cứ điều gì. Từ nhiều năm trước, ông ấy đã chuẩn bị sẵn mọi thứ để nếu đột ngột qua đời, bà Phượng sẽ không gặp khó khăn khi sống một mình.
“Dĩ nhiên trong một, hai năm đầu sau khi kết hôn, tôi và chồng cũng có những thời gian khó khăn. Điều này cũng dễ hiểu vì hai con người, hai nền văn hóa và tính cách, sở thích, thói quen, ăn uống… khác nhau về ở chung một nhà, chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn. Thế nhưng vì chúng tôi rất yêu nhau nên từng bước, từng bước chúng tôi dần dần chấp nhận những khác biệt của nhau và hòa hợp nhau.”
Về lời khuyên dành cho những phụ nữ Việt đang hẹn hò hoặc chuẩn bị kết hôn với người Mỹ, bà Phượng nói:
“Điều quan trọng thứ nhất là cả hai phải thắng thắn nhìn nhận xem họ có thể chấp nhận được sự khác biệt về văn hóa của người bạn đời của mình hay không. Sống ở Mỹ nhưng chúng ta vẫn là người Việt, văn hóa của chúng ta khác xa so với văn hóa của người Mỹ.
Nếu không chấp nhận được, khi về ở chung nhà sẽ xảy ra rất nhiều mâu thuẫn. Kế đến là chuyện ăn uống, nếu người chồng Mỹ không ăn được đồ ăn Việt và người vợ Việt không thích đồ ăn Mỹ thì làm sao? Chẳng nhẽ mỗi buổi vợ nấu đồ ăn cho vợ, chồng nấu đồ ăn cho chồng và không ngồi cùng bàn ăn với vợ vì không chịu được mùi nước mắm? Nếu điều này xảy ra thì vợ chồng sẽ mất đi sự gắn kết vì bữa ăn tối cùng nhau rất quan trọng. Bởi vậy, trước khi kết hôn nên bình tĩnh xem xét cẩn thận ở mọi góc độ, đừng nghĩ rằng tình yêu sẽ giải quyết được tất cả mọi chuyện. Điều này chỉ có trên lý thuyết thôi.”
Khác biệt văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán, không hẳn là lý do để nhiều cuộc hôn nhân vợ Việt – chồng Mỹ sớm tan vỡ. Qua cuộc hôn nhân của nhà thơ Trần Mộng Tú, bà Nguyễn Thị Phượng và chắc chắn còn nhiều cuộc hôn nhân viên mãn khác giữa vợ Việt, chồng Mỹ mà phóng viên báo Người Việt chưa có dịp gặp, có thể thấy hạnh phúc không phải tự dưng mà có, phải vun đắp, xây dựng dựa trên tình yêu thật sự, không vụ lợi; phải thấu hiểu, chia sẻ, nhường nhịn, hy sinh cho nhau. Nếu làm được những điều này thì rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hoá, không còn là vấn đề quan trọng. (Trúc Linh)
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC